Chu Sa – Thần Sa – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

438
Chu Sa - Thần Sa
Chu Sa - Thần Sa
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Chu Sa – Thần Sa trang 819-820 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là châu sa, đơn sa.

Tên khoa học Cinnabars.

Chu sa và thần sa cùng là một loại thuốc có thành phần hoá học giống nhau, nhưng loại chu sa nguồn gốc ở tỉnh Hồ Nam Trung Quốc (xưa kia vùng này gọi là châu Thần cho nên có tên thần sa là thứ đá ở châu Thần) được coi là tốt hơn. Sự đánh giá này trên thực tế là đúng và hiện nay ta tìm được cơ sở khoa học của sự đánh giá đó.

Chu là đỏ, sa là đá (châu là chữ chu đọc chệch). Vì châu sa là một tảng đá có màu đỏ. Đơn cũng là màu đỏ.

Tính chất

Chu sa thường ở thể bột đỏ, thần sa thường ở thể cục thành khối óng ánh, to nhỏ không nhất định, màu đỏ tối hay đỏ tươi, chất nặng nhưng dễ vỡ vụn, không mùi, vị nhạt. Khi nghiễn bằng tay, tay không bị bắt màu đỏ là loại tốt.

Chu sa và thần sa hiện nay ta đều còn phải nhập cả, tuy nhiên chu sa và thần sa đều là những vị thuốc rất thông dụng.

Chu Sa - Thần Sa
Chu Sa – Thần Sa

Thành phần hoá học

Thành phần chủ yếu của chu sa hay thần sa là sunfua thuỷ ngân thiên nhiên. Nguyên chất có thuỷ ngân (Hg) 86,2%, sunfua (S) 13,8%. Thường lẫn một số tạp chất khác như chất hữu cơ. Khi cho vào ống nghiệm đun nóng sẽ cho HgS đen, cuối cùng SO, bốc lên và thuỷ ngân bám vào thành ống.

HgS+O2→ SO2 + Hg

Từ trước cho đến năm 1963, người ta chưa rõ thành phần hoạt chất của chu sa hay thần sa là gì. Vì nói chung sunfua thuỷ ngăn không tan trong nước, là dạng thường sử dụng trong đông y. Năm 1963, Hoàng Như Tổ và Phạm Hải Tùng (Trường đại học dược khoa Hà Nội) đã tách được bằng sắc ký một hợp chất chưa xác định được có tác dụng dược lý giống thần sa. Cùng năm, Đàm Trung Bảo (Trường đại học được khoa Hà Nội) chiết được dưới dạng tinh khiết và xác định là selenua thuỷ ngân, selenua thuỷ ngân chế bằng cách này có tác dụng của thần sa. Năm 1964, Đàm Trung Bảo còn lấy bụi lắng ở đáy bể đựng axit sunfuric ở nhà máy supelan Lâm Thao Việt Nam và ở đất quanh đó rồi chiết lấy selen với tỉ lệ 6 đến 9% rồi chế thành selenua thủy ngân, selenua thủ ngân chế bằng cách này cũng có tác dụng giống hệt như selenua thuỷ ngân chế từ thần sa.

Tỷ lệ selenua thuỷ ngân trong thần sa từ 2,5 đến 3%, trong khi trong chu sa chỉ có rất ít, chừng 2%. Nếu chỉ tính riêng selen thì trong thần sa có chừng 3,5 đến 4,5%. Trong chu sa tỷ lệ rất thấp, chỉ có vết.

Tác dụng dược lý

Năm 1962, Ngô ứng Long (Trường sĩ quan quân y Việt Nam) đã thí nghiệm thấy dịch chiết của chu sa thần sa mặc dù không có vết thuỷ ngân nhưng có tác dụng như chu sa thần sa.

Năm 1964, Hoàng Tích Huyền (Bộ môn được lý trường đại học y khoa Hà Nội) thí nghiệm các muối selenua natri, kali, muối selenit và muối selenua thuỷ ngàn do Đàm Trung Bảo tổng hợp từ selen trong chu sa, thần sa hay từ bụi và đất quanh nhà máy supelan Lâm Thao đã đi đến kết luận sau
đây:

1. Các muối selenua natri, kali, muối selenit, selenat rất độc không dùng làm thuốc được.

2. Muối HgSe dưới dạng keo có trong chu sa hay thần sa hoặc tổng hợp được rất ít độc và có tính chất:

  1. An thần rất mạnh, chống co giật mạnh hơn hẳn các chất an thần thường dùng như bromua v.v… Tác dụng ở vỏ não, không làm thay đổi nhịp tim và không chống được nôn do apomocphin.
  2. Kéo dài giấc ngủ do các bacbituric lên 2 đến 3 lần và kéo dài thời gian mê do pentothal cũng 2 đến 3 lần.

Theo các tạp chí nước ngoài, một số hợp chất selen được dùng với những công dụng gần như chu sa thần sa.

  • Một số hợp chất hứu cơ của selen (Anh, Ấn Độ) được dùng làm thuốc an thần.
  • Hợp chất selen được các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ thí nghiệm thấy có tác dụng diệt nấm, chữa một số bệnh ngoài da.
  • Ba Lan, Nhật Bản dùng selenosemicabazon chữa lao, chống vi khuẩn.
  • Hợp chất selemecaptopurin dùng chống sự phát triển tế bào.

Trong năm 1964, Mỹ dùng tới 5,5% sản lượng selen làm thuốc, tức là vào khoảng 30 tấn.

Qua những thí nghiệm và một số tài liệu nước ngoài, chúng ta thấy một số kinh nghiệm nhân dân dùng chu sa, thần sa đã được chứng minh và hoạt chất chủ yếu nhiều phần là do muối selen, một tạp chất có ở một tỷ lệ rất thấp trong chu sa, thần sa. Trong thần sa tỷ lệ cao hơn, nhân dân cũng coi thần sa tốt hơn chu sa mặc dù trước đây chưa rõ lý do.

Công dụng và liều dùng

Tây y hiện nay gần như không dùng sunfua thuỷ ngân làm thuốc. Trước kia có dùng trị bệnh giang mai nhưng thường chỉ dùng dưới dạng thuốc mỡ 10%. Ít dùng để uống.

Trái lại đông y coi chu sa, thần sa là một vị thuốc thông thường có tác dụng trấn tĩnh, an thần, chữa hoảng hốt, mất ngủ, ngủ hay mê, giật mình hoảng sợ, trẻ con hay khóc đêm. Còn dùng làm bột bao thuốc viên chống mốc của thuốc viên.

Tính chất của chu sa thần sa ghi trong các sách cổ như sau: Vị ngọt, hơi hàn, vào tâm kinh, có tác dụng yên hồn phách, định kinh giản, sáng mát. giải độc, chữa các chứng hình (gân thịt co giật) và bệnh giang mai mới phát. Dùng trong mọi bệnh của ngũ tạng, thông huyết mạch. làm hết phiền muộn, ích tinh thần, trừ độc khí trong bụng và ghẻ lở. Người không thực nhiệt không dùng được.

Thường dùng với liều 0,04 đến 1g một ngày dưới dạng bột hay thuốc viên hoặc hấp với tím lợn cho ăn. Dùng ngoài tuỳ theo nơi rắc thuốc to hay nhỏ.

Trong các sách cổ đều nói chu sa, thần sa phải dùng sống tuyệt đối, không dùng lửa có thể gây  chết người (do sức nóng biến thành muối thuỷ ngăn tan nhiều). Không được dùng lâu và dùng nhiều có thể làm cho người thành si ngốc.

Cách bào chế như sau; Mài thần sa hay chu sa trong cối đá hay bát sứ thêm ít nước mưa hay nước cất, dùng đá nam châm hút hết mùn sắt, rồi thêm nước khuấy cho đều, để lắng gạn bỏ nước trong hay có màng ở trên, lại thêm nước vào khuấy cho đều, khi nước trên trong thì thôi (thuỷ phi). Cặn còn lại trong chậu được che kín (dùng giấy bản bịt miệng) rồi đem ra phơi nắng cho tới khi khô thì lấy dùng.

Chú thích:

Trên thị trường có khi có bán loại chu sa nhân tạo (Vermilion), nhân dân cho không tốt bằng chu sa thiên nhiên. Có lẽ vì không có tạp chất có tác dụng là muối selenua.

Đơn thuốc có chu sa thần sa dùng trong nhân dân

Giải đậu độc lúc sắp mọc hay mới mọc:

Chu sa 1g (3 phân) tán nhỏ hoà với mật mà uống.

Chữa di tinh:

Chu sa (thuỷ phi) cho vào quả tim lợn, lấy chỉ buộc quả tim lợn lại nấu chín mà ăn.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!