Dự thảo Thông tư cấp chứng nhận thuốc gia truyền

1299
Dự thảo Thông tư cấp chứng nhận thuốc gia truyền
Dự thảo Thông tư cấp chứng nhận thuốc gia truyền
5/5 - (3 bình chọn)

Thông tư quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền (Dự thảo)

BỘ Y TẾ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số:         /2017/TT-BYT

 

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2017

THÔNG TƯ

Quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận

Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

Căn cứ Luật Dược số 105/2006/QH13 ngày 04 tháng 6 năm 2016;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định  cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Chương I. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC, PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

Điều 1. Tiêu chí bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Bài thuốc, phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm của dòng tộc, gia đình, tính đến người đề nghị cấp Giấy chứng nhận ít nhất là 03 đời hành nghề liên tục truyền lại.
  2. Bài thuốc có công thức rõ ràng, phương pháp chữa bệnh an toàn và hiệu quả;
  3. Hội đồng tư vấn cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền công nhận (sau đây gọi là Hội đồng tư vấn)
  4. Được Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác nhận về đạo đức hành nghề và
  5. Bài thuốc, phương pháp chữa bệnh được sao chép, tham khảo trong các tài liệu đã công bố, đã xuất bản; bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mới được nghiên cứu không được coi là bài thuốc chữa bệnh gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
  6. Trường hợp đặc biệt cá nhân có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh mà gia đình dòng tộc chưa hành nghề đủ ba đời hoặc được người khác dòng họ truyền lại nhưng hiệu quả chữa bệnh cao thì Giám đốc Sở Y tế tỉnh báo cáo về Bộ Y tế xin xem xét đặc cách.

Điều 2. Điều kiện của ng­ười đư­ợc cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền

Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải đạt các điều kiện như sau:

  1. Là công dân Việt Nam, đang cư trú trong lãnh thổ Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
  2. Là người sở hữu hợp pháp, được gia đình, dòng tộc có bài thuốc, phương pháp chữa bệnh truyền lại.

Trường hợp không có giấy ủy quyền…..

  1. Có hiểu biết về bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền:

a) Đối với bài thuốc gia truyền: Phải biết rõ và kê khai đầy đủ công thức bài thuốc về số lượng vị thuốc, hàm lượng từng vị thuốc; phương pháp, kỹ thuật bào chế từng vị thuốc, bài thuốc; cách khám, chẩn đoán bệnh, chứng bệnh; chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng; tác dụng không mong muốn và xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra;           b) Đối với phương pháp chữa bệnh gia truyền: Phải nắm được cách khám bệnh, chẩn đoán bệnh; nắm vững chỉ định, chống chỉ định; tác dụng không mong muốn, cách xử trí khi tác dụng không mong muốn xảy ra; quy trình và thực hiện thành thạo các thao tác kỹ thuật của phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của người được cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Người có Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền:

a) Được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền sau khi được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Y tế tỉnh) cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước.

b) Được đăng ký sản xuất, kinh doanh hoặc ủy quyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc để đăng ký sản xuất lưu hành trên thị trường theo quy định của Luật Dược.

c) Người có Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền sau khi được Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Sở Y tế tỉnh) cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi cả nước.

2. Được phổ biến để áp dụng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Được quyền đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để giữ bí mật bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

4. Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không được chuyển nhượng mua, bán cho thuê hay cho mượn Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền để cá nhân hay tổ chức khác hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

5. Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền khi hành nghề bằng bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự an toàn cho người bệnh.

 

Chương II. THẨM QUYỀN,  HỒ SƠ, THỦ TỤC, CẤP ,CẤP LẠI, THU HỒI VÀ  TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN CẤP GIÂY CHỨNG NHẬN NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN, PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH GIA TRUYỀN

Điều 4. Thẩm quyền cấp, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều 5. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01 ban hành tại Thông tư này.
  2. Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 02 ban hành tại Thông tư này.
  3. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền c­ư trú hoặc xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác (trong thời gian không quá 6 tháng).
  4. Giấy chứng nhận sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn theo mẫu quy định.
  5. Hai ảnh 4 x 6 cm, ảnh màu, nền trắng, trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền do bị mất, bị hỏng hay bị thu hồi

  1. Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu quy định Phụ lục số 04 ban hành tại Thông tư này;

2.Giấy chứng nhận sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

  1. 02 ảnh 4 x 6 cm, ảnh màu, nền trắng, trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp đơn.

Điều 7. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Ngư­ời đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này về Sở Y tế tỉnh nơi c­ư trú.
  2. Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi cho người nộp hồ sơ Phiếu tiếp nhận hồ sơ; Nếu hồ sơ gửi theo được bưu điện, sau khi tiếp nhậm hồ sơ 5 ngày kể từ ngày nhận được theo dấu bưu điện, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người gửi.
  3. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Sở Y tế tỉnh phải có thông báo cho người nộp hồ sơ để bổ sung;
  4. Sau khi tiếp nhận Hồ sơ, Sở Y tế tỉnh gửi công văn sang Hội Đông y tỉnh đề nghị xác nhận theo mẫu tại phụ lục số 03 theo Thông tư này. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Hội Đông Y tỉnh có xác nhận gửi về Sở Y tế.
  5. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và xác nhận của Hội Đông y tỉnh, Hội đồng tư vấn của Sở Y tế tỉnh phải tổ chức thẩm định và trình Giám đốc Sở Y tế tỉnh xét cấp Giấy chứng nhận cho người đề nghị. Nếu không đủ điều kiện cấp thì Sở Y tế tỉnh phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  6. Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền do Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục số 06 ban hành tại Thông tư này. Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không có thời hạn.
  7. Mỗi trường hợp chỉ được cấp một Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền, nếu bị mất, bị hỏng hay bị thu hồi được xem xét cấp lại.

Điều 8. Thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Người đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ về Sở Y tế tỉnh nơi đã cấp.
  2. Sau khi nhận được hồ sơ, bộ phận tiếp nhận hồ sơ gửi cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư này;
  3. Trong thời gian 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hợp lệ (nếu không hợp lệ phải có văn bản yêu cầu bổ sung), Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền, nếu không cấp lại phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 9. Thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền: Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền cấp không đúng thẩm quyền;

b) Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền có nội dung trái pháp luật;

c) Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng người bệnh;

d) Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 18 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;

2. Khi phát hiện một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, Giám đốc Sở Y tế ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Điều 10. Quy định về việc quản lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền bao gồm: Bản phô tô Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền và hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền được lưu tại Sở Y tế tỉnh, nơi cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo quy định của pháp luật về lưu trữ tài liệu mật (Luật lưu trữ).

Điều 11. Tổ chức hoạt động của Hội đồng t­ư vấn cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

  1. Giám đốc Sở Y tế tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và Tổ giúp việc của Hội đồng tư vấn. Hội đồng tư vấn có tối thiểu 09 thành viên, phải là số lẻ gồm:

a) Đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh phụ trách công tác y, dược cổ truyền là Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện lãnh đạo Hội Đông y tỉnh là Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Đại diện các phòng chức năng của Sở Y tế tỉnh: Phòng quản lý Y, Dược học cổ truyền (nếu có); Phòng Quản lý hành nghề hoặc Phòng Nghiệp vụ Y; Phòng Nghiệp vụ Dược;

d) Đại diện Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm tỉnh;

đ) Đại diện bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và một số chuyên gia trong lĩnh vực  y, dược cổ truyền.

  1. Nhiệm vụ hoạt động của Hội đồng tư vấn:

a) Nghiên cứu hồ sơ:

Hồ sơ của ng­ười đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải được sao gửi đến các Ủy viên Hội đồng tư vấn để nghiên cứu trư­ớc khi họp Hội đồng 7 ngày;

b) Trong quá trình thẩm định, Hội đồng tư vấn mời người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đến để kiểm tra sự hiểu biết của người đề nghị xét cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền về các tiêu chí, điều kiện quy định tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư này;

Tr­ường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn sẽ kiến nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh xác minh đánh giá tính an toàn, hiệu quả điều trị: thử độc tính, kiểm nghiệm chất lượng của bài thuốc, phương pháp chữa bệnh. Kinh phí xác minh, đánh giá bài thuốc, phương pháp chữa bệnh do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền chi trả;

c) Cuộc họp Hội đồng tư vấn chỉ hợp lệ khi có mặt Chủ tịch Hội đồng và 2/3 số thành viên của Hội đồng;

d) Sau khi xem xét, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc (nếu có), đánh giá phương pháp chữa bệnh an toàn, hiệu quả, Hội đồng tư vấn tiến hành bỏ phiếu đồng ý hoặc không đồng ý, báo cáo kết quả kiểm phiếu, lập biên bản buổi họp, trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của từng thành viên, báo cáo Giám đốc Sở Y tế tỉnh;

đ) Người được công nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền  phải được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng dự họp đồng ý;

e) Các thành viên Hội đồng tư vấn có trách nhiệm giữ bí mật về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

g) Phiếu nhận xét của thành viên Hội đồng tư vấn theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành tại Thông tư này.

  1. Tổ giúp việc của Hội đồng tư vấn:

a) Đại diện Phòng quản lý Y, Dược học cổ truyền hoặc Phòng quản lý hành nghề hay đại diện Phòng nghiệp vụ Y là Thư ký Tổ giúp việc cho Hội đồng tư vấn;

b) Thành phần: Ngoài Thư ký còn có đại diện phòng Nghiệp vụ Y (nếu Sở Y tế có phòng quản lý Y, Dược học cổ truyền hay Phòng quản lý hành nghề) Nghiệp vụ Dược của Sở Y tế;

c) Nhiệm vụ của Tổ giúp việc:

– Chuẩn bị hồ sơ;

– Tổ chức họp Hội đồng tư vấn theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng tư vấn;

– Chuẩn bị phiếu, kiểm phiếu, chuẩn bị biên bản kiểm phiếu, biên bản họp hội đồng, phiếu trình trình Chủ tịch Hội đồng tư vấn để trình Giám đốc Sở Y tế tỉnh;

– Giữ bí mật về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;

– Dự thảo các văn bản có liên quan đến việc cấp, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền trình Giám đốc Sở Y tế tỉnh ban hành;

– Thẩm định và trình Giám đốc Sở Y tế tỉnh cấp, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền;

– Lưu và quản lý Hồ sơ cấp, thu hồi, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo quy định.

Chương III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1.Thông tư này có hiệu lực từ ngày    /   /2017

  1. Bãi bỏ Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế xét duyệt cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 13. Điều khoản chuyển tiếp

  1. Người trước đây đã được cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền vẫn được tiếp tục hành nghề theo quy định của pháp luật.
  2. Người đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề khám, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền mà Sở Y tế tỉnh chưa cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền thì phải làm hồ sơ theo quy định của Thông tư này kèm bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bằng bài thuốc gia truyền hay Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh để được xem xét cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền theo quy định của Thông tư này.

Điều 14. Lệ phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền:

Người đề nghị cấp, cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền phải nộp phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

  1. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.
  2. Sở Y tế tỉnh định kỳ 6 tháng và cả năm báo cáo về Bộ Y tế kết quả cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền./.
  3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) để nghiên cứu, giải quyết.

DANH MỤC

PHỤ LỤC SỐ 01: Mẫu Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền

PHỤ LỤC SỐ 02: Bản thuyết minh về Bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền

PHỤ LỤC SỐ 03: Mẫu xác nhận của Hội Đông y tỉnh

PHỤ LỤC SỐ 04: Mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền

PHỤ LỤC SỐ 05: Mẫu Phiếu tiếp nhận Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

PHỤ LỤC SỐ 06: Mẫu Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền

PHỤ LỤC 07: Phiếu nhận xét người có bài thuốc gia truyền/phương pháp chữa bệnh gia truyền

Thông tư quy định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận Người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền

DOWNLOAD VĂN BẢN DƯỚI ĐÂY

[sociallocker id=7424]

du_thao_thong_tu_cap_chung_nhan_thuoc_gia_truyen_vnras

 [/sociallocker]

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!