Cây Sao Đen – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

302
Sao đen
Sao đen
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Sao đen  trang 593-594 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là koky (Campuchia), may khèn (Lào). 

Tên khoa học Hopea odorata Roxb. 

Thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae).

Mô tả cây

Cây to cao 30-40m, vỏ vàng xù xì và nhiều xơ. Lá hình trứng thon và nhọn, đầu tù, gân cấp 2 có 7-16 đội, dài 6-13cm, rộng 3-5cm, mặt dưới nhạt hơn mặt lá trên. Hoa mọc thành chùm ngắn hơn lá hay dài bằng lá, trên có phủ một lớp lông tơ màu tro, có 10-12 nhánh, mỗi nhánh có 4-6 hoa mọc cạnh nhau và xếp một bên. Quả hình tháp, có 2 cánh dài, có 7-11 gần song song và không đều.

Mùa hoa quả: Tháng 5-6.

Sao đen
Cây Sao đen

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc phổ biến chủ yếu ở các tỉnh miền Nam nước ta. Ở Hà nội, vài phố có những hàng cây sao đen trồng làm cây bóng mát. Còn mọc và được trồng ở Malaysia, đảo Bocnes.

Thường trồng chủ yếu làm cây bóng mát và lấy gỗ đóng đồ dùng, đóng thuyền, làm cầu và các công trình kiến thiết lớn.

Người ta dùng vỏ cây và nhựa. Thu hái gần như quanh năm. Dùng tươi hay khô.

Thành phần hoá học

Mới biết trong sao đen có chất nhựa được dùng trên thị trường quốc tế với tên dammar. Tên dammar còn được dùng để chỉ nhiều loại nhựa chích từ nhiều cây khác thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) như Hopea, Balanocarpus, Vatica, Dryobalanops, Shorea, Vateria; họ Thông Abietaceae như Dammara, Pinus; họ Trám Burseraceae như Canarium, Aucumea; họ Măng cụt Guttiferae như Garcinia.

Nhựa dammar của sao đen có màu vàng nhạt đến vàng đỏ hoặc nâu sẫm. Có loại tốt gần như không màu. Tỷ trọng 0,900 (loại không màu), đến 1,055 (loại có màu), độ chảy 110°C (loại không màu), 141°C  (loại có màu), chỉ số axit 53, chỉ số xà phòng 81.

Thành phần chủ yếu của nhựa dammar sao đen là các axit damarolic và các damaresen α và β.

Mặt trong của vỏ cây hay cành lớn còn chứa một tỷ lệ cao tanin (14,57 %) có thể dùng trong thuộc da.

Công dụng và liều dùng

Vỏ cây sao đen được dùng ở nhiều nơi trong nước ta làm vỏ ăn trầu (trầu không).

Nhưng công dụng phổ biến nhất tại nhiều tỉnh miền Nam là chữa các bệnh viêm lợi, apxe lợi, sâu răng. Thuốc làm cho lợi răng chắc lại, răng chậm rụng. Cách dùng như sau: Ngâm vỏ sao đen trong rượu 30 hay 40° (rượu nhân dân vẫn uống), sau vài giờ ta được một dịch chiết màu nâu đen hơi đỏ. Dùng rượu này súc miệng ngày 3 lần, mỗi lần súc 3 ngụm liền: Ngậm 15 đến 20 phút rồi nhỏ đi. Thường chỉ súc một lần đã thấy đỡ đau nhức.

Có thể sắc vỏ với nước: 50g vỏ, thêm một bát nước 300ml, cho vào nước đun sôi, giữ sôi trong 15 phút. Dùng nước này súc miệng. Cho vào miệng, ngậm trong 15-20 phút. Ngày làm 2 hay 3 lần. Dùng luôn trong 3-4 ngày. Có khi người ta phối hợp vỏ sao đen với một vị thuốc khác.

Nhựa sao đen được chích trên thân và cành to. Người ta dùng nhựa sao đen trong công nghiệp sơn, vecni, công nghiệp thuốc ảnh.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!