Cá Nóc – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

240
Cá Nóc
Cá Nóc
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cá Nóc  trang 1012 – 1013 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là cá cóc.

Tên khoa học Tetrodon ocellatus.

Thuộc họ Cá nóc Tetrodontidae.

Mô tả con vật

Cá nóc là tên dành cho nhiều loài cá khác nhau, có thân hình đặc biệt: thân ngắn, vảy kém phát triển, có răng gắn với nhau thành tấm, kém hoạt động, đặc biệt có bụng phình bầu ra. Khi tự vệ, cá nóc hay ngậm hơi lại, làm phồng mình như chiếc bong bóng, rồi ngửa bụng lên trời, lờ đờ trôi theo dòng nước, thỉnh thoảng chỉ hơi vẫy cái đuôi ngắn của nó. Nằm như vậy, cá không sợ giống gì hại nổi, vì mặt dưới lưng cá lởm chởm đầy gai, phía trên, răng cá vừa lớn, vừa sắc như dao, lại quằm vào một cái mỏ như mỏ chim vẹt.

Người ta đã thống kê được khoảng 60 loài mang tên cá nóc, trong đó khoảng 30 loài là có độc. Ở nước ta có những loài cá nóc sống ở nước ngọt như cá nóc hạt mít Tetrodon ocellatus, cá nóc vàng Tetrodon naritus. Nhưng phần nhiều cá nóc sống ở nước mặn, tất cả khoảng 20 loài đã thống kê được ở nước ta. Có những loài như cá nóc hòm Ostracion gibbosus, có thân ẩn trong một bộ giáp cứng; cả nóc nhím Diodon holocanthus ở vùng biển cạn, hoặc vùng đá san hồ, cá nóc gáo-Tetrodon lunaris.

Phân bố, thu bắt và chế biến

Cá nóc sống ở vùng biển ấm trên thế giới nhiều nhất ở vùng biển Ấn Độ, Thái Bình Dương. Một số nơi bắt cá nóc về để ăn và làm mắm, nhưng vì một số cá nóc có độc, cho nên thường gây những vụ ngộ độc. Bị cá nóc cắn cũng có thể gây thương tích và ngộ độc.

Một số gan cá nóc được dùng ép lấy dầu làm thuốc.

Thành phần hóa học

Cá nóc độc do nhiều chất độc như ciguatoxin tan trong chất béo, ciguaterin tan trong nước; gần đây người ta chiết được chất tetrodotoxin và xác định là một chất aminopehydroquinazolin có công thức thô là C11H17N3O8.

Cá Nóc
Cá Nóc

Những chất độc này tập trung chủ yếu trong gan, ruột và cơ bụng, đặc biệt độ độc của cá nóc rất cao trong mùa đẻ trứng (từ tháng hai đến tháng bảy).

Những chất độc của cá nóc không bị nhiệt phá hủy cho nên sau khi nấu chín vẫn gây ngộ độc, có khi lại làm tăng thêm độc tính. Thường thì chất độc của cá nóc không có trong thịt cả nóc, nhưng vì một số ngư dân khi đánh lưới ‘ được cá nóc, thường đập chết ngay trong thuyền, làm cho trứng và ruột cá bị đập, làm cho chất độc ngấm qua thịt và làm cho thịt cả nóc cũng chứa chất độc. Cho nên ta thấy có trường hợp khi làm cá đã bỏ hết ruột, gan đi mà vẫn bị ngộ doc.

Trên thực nghiệm, chất độc cá nóc tác dụng trên thần kinh trung ương làm tê liệt cơ thể, ngừng trệ sự tuần hoàn và hô hấp. Chỉ cần tiêm 4 miligam chất tetrodotoxin cho một con thỏ cân nặng 1kg cũng đủ làm con thỏ chết ngay.

Người bị ngộ độc do ăn cá nóc thường thấy những triệu chứng xuất hiện sau khi ăn từ 2 đến 24 giờ, tùy theo tạng người, số lượng cá ăn và tùy theo loại cá nóc ăn phải nữa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể xuất hiện sau khi ăn 30 phút: nạn nhân thường bị tê môi, tê lưỡi, cảm giác kiến bò ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo nôn mửa, đầu choáng váng, đau đớn khó chịu ở vùng trán và trong lòng con mắt, đồng tử giãn nở, tay chân bị tê liệt, da tím ngắt nhiệt độ và huyết áp thấp. Trong vòng 2 giờ, nếu không cứu chữa, bệnh nhân hoàn toàn tê bại, cứng hàm dưới, tuy người tỉnh táo. Chỉ ngay trước khi chết, bệnh nhân mới bất tỉnh và mê man và chết do liệt hô hấp. Tỷ số người chết do ngộ độc cá nóc lên tới 60% trong vòng từ 1 đến 24 giờ sau khi ăn phải cá nóc. Nếu bệnh nhân sống quá 24 giờ, thì hy vọng có thể cứu sống nhiều hơn.

Chất độc trong cá nóc là tetradotoxin. Tetradotoxin gây hiện tượng giảm hô hấp và phong bế cơ thần kinh. Nhưng với liều lượng rất nhỏ lại được dùng làm chất làm dịu ở giai đoạn cuối của ung thư (Pharmaceutical journal, vol. 212-577, London, June 8, 1974: 528).

Công dụng và liều dùng

Cá nóc thường gây ra nhiều vụ ngộ độc, đặc biệt từ đầu tháng hai đến tháng 7, cho nên ghi chép lại đây để nhân dân biết mà để phòng.

Theo những nhà phân loại cá, thì hiện nay việc phân loại cá nóc độc và không độc chưa chính xác cho nên tốt hơn hết là không nên ăn thịt cả nóc, cũng như không nên phơi khô cá nóc làm mắm.

Khi bị ngộ độc cá nóc, nhân dân thường cho nạn nhân uống nước dừa, nước hoa quả trám trắng để giải độc. Tại các bệnh viện, hiện nay cũng chưa có một thứ thuốc giải độc đặc hiệu đối với cá nóc, mà thường cứu chữa theo các triệu chứng ngộ độc.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!