Cây Chó Đẻ Răng Cưa (Diệp Hạ Châu) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

426
Chó Đẻ Răng Cưa
Chó Đẻ Răng Cưa
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Chó Đẻ Răng Cưa trang 97 – 98, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là diệp hạ châu, diệp hòe thái, lão nha châu, prak phle (Campuchia).

Tên khoa học Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Hornem.).

Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

Mô tả cây

Cây chó đẻ răng cưa là một loại cỏ mọc hằng năm, cao chừng 30cm, thân gần như nhẵn, mọc thẳng đứng, mang cành, thường có màu đỏ. Lá mọc so le, lưỡng lệ trông như lá kép, phiến lá thuôn, dài 5-15mm, rộng 2-5mm, đầu nhọn hay hơi tù, mép nguyên nhưng như hơi có răng cưa rất nhỏ, mặt dưới màu lơ xanh, không cuống hay có cuống rất ngắn. Hoa mọc ở kẽ lá, nhỏ, màu đỏ nâu, đơn tính, hoa đực, hoa cái cùng gốc, ở đầu cành, cái ở dưới. Hoa không cuống, hoặc có cuống rất ngắn. Đường kính quả có thể đạt tới 2 mm, treo lủng lẳng dưới lá, do đó có tên: Diệp=lá, hạ=dưới, châu=hạ, nghĩa là hạt dưới mặt lá. Hạt ba cạnh, hình trứng, màu nâu nhạt, ‘có vân ngang

Cây chó đẻ răng cưa
Cây chó đẻ răng cưa

Phân bố thu hái và chế biến

Cây chó đẻ răng cưa mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta cũng như ở khắp các nước vùng nhiệt đới.

Người ta dùng toàn cây hái về làm thuốc. Mùa hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hạ. Thường dùng tươi có khi phơi khô.

Cây chó đẻ răng cưa khô và tươi
Cây chó đẻ răng cưa khô và tươi

Thành phần hoá học

Trong loài Phyllanthus discoides Muell-Arg. Có Phyllanthin C14H17O2N Phyllantin C13H15O3N (Manske R.H.F : The Alkaloids Chemistry and Physiology XIV-1973, 428) và phyllatidin C13H34O2N (Horii Z. et al. Tetrahedron Letters 1972, 1877).

Trong loài Phyllanthus niruri L. có phyllathin C24H34O6, hypophyllanthin C24H30O7, niranthin C24H32O7, nirtetralin C24H30O7 và phylteralin C24H34O6 (Anjaneyulu. A. S. R. et al. Tetrahedron, 1973, 29, 129).

Tác dụng dược lý

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Năm 1961, Phòng đông y Viện vì trùng Việt nam nghiên cứu tác dụng kháng sinh của chó đẻ răng cưa thấy kết quả kháng sinh như sau: Tụ cầu trùng(0,5), Typhi (0,9), Flexneri (1,1), Sonnei (0), Shiga (1), Subtilis (0,4), Coli (0) cm.

Năm 1988 (Lancet Oct. 1. 1988) Blumberg và Thiogarajan công bố đã điều trị 37 bệnh nhân viêm gan siêu vi trùng B (VGSVB) bằng chó đẻ răng cưa (CĐRC) Phyllanthus amarus (P-niruri) đạt kết quả âm tính 22/37 sau 30 ngày. Các tác giả còn chứng minh P. amarus có chứa chất làm ức chế lên men polymérase DNA của virus VGSVB. Cay P. amarus có mọc hoang dại và thường được dùng lẫn với cây P. urinaria L. đã mô tả ở trên.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân rất hay dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt. Còn có tác dụng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt, rắn cắn. Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống. Dùng ngoài không có liều lượng.

Chú thích :

Tên chó đẻ còn dùng để chỉ cây Phyllanthus niruri L. cùng họ. Theo các tài liệu Ấn Độ, trong cây này còn có muối kali và chất đắng gọi là phyllathine có độc đối với cá.

Cây này còn được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, hoặc làm thuốc thông sữa.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!