Cây Ba Đậu (Cây Bã Đậu, Cây Mần Để) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

235
Cây Ba Đậu
Cây Ba Đậu
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Ba Đậu trang 449-451 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là Mắc Vát, Cóng Khói, Bã Đậu, Giang Tử, Mãnh Tử Nhân, Lão Dương Tử, Ba Nhân, Mần Để, Cây Để, Cây Đết, Phổn (Hoà Bình).

Tên khoa học Croton tiglium L. 

Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae

Cây ba đậu cho ta các vị thuốc sau đây: 

  1. Hạt ba đậu (Semen Tiglii) là hạt ba đậu phơi khô
  2. Dầu ba đậu (Oleum Tiglii) là dầu ép từ hạt ba đậu.
  3. Ba đậu sương là hạt ba đậu sau khi đã ép hết dầu đi rồi.

Vì vị thuốc giống hạt đậu, lại sản xuất ở Ba Thục (vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc hiện nay) do đó có tên này.

Mô tả cây

Ba đậu là một cây nhỡ cao 3-6m, cành nhẫn. Lá mọc so le, nguyên, hình trứng, đầu nhọn, mép có răng cưa nhỏ, dài 6-8cm, rộng 4-5cm, cuống nhỏ, dài 1-2cm. Trông toàn thân cây thường thấy một số lá màu đỏ nấu làm cho cây dễ nhận. Hoa mọc thành chùm dài 10-20cm, ở đầu cành, hoa cái ở phía dưới, hoa đực ở đỉnh, cuống nhỏ dài 1- 3mm. Quả nang, nhẵn, màu vàng nhạt, cao 2cm, có 3 mảnh vỏ khi chín tách ra. Hạt hình trứng dài 10mm, rộng 4-6mm, ngoài có vỏ cứng, mờ, màu nâu xám (khác hạt thầu dầu bóng và có vân)

Cây Ba Đậu
Cây Ba Đậu

Phân bố, thu hái và chế biến

Ba đậu mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc nước ta, nhiều nhất tại các tỉnh miền núi: Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Trung Bộ cũng có. Còn mọc ở Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, Hồ Bắc).

Vào tháng 8-9, quả chín nhưng chưa nứt các mảnh vỏ, thì hái về phơi khô đập lấy hạt, phơi khô lần nữa là được. Cũng có khi để bảo quản dễ dàng hơn, người ta để nguyên cả quả, khi dùng mới đập lấy hạt.

Thành phần hoá học

Trong hạt ba đậu có 30-50% dầu, 18% chất protein, một glucozit gọi là crotonozit (2-oxy 6- aminopunin-ribozit), một anbumoza rất độc gọi là crotin, một ancaloit gần như chất rixinin trong hạt thầu dầu, men lipaza và một số axit amin như acginin, lyxin, v.v…

Dầu ba đậu lỏng sền sệt, hơi có huỳnh quang. vị cay nóng (rất độc) tỷ trọng ở 25°C là 0,935-0,950, chỉ số xà phòng 102-118, tan trong cùng một thể tích cồn cao độ, nhưng nếu thêm nhiều cồn quá thì hỗn hợp sẽ phân thành 2 lớp, thành phần gây đi ỉa sẽ tan trong tầng cồn.

Dầu này tan trong ete, sunfua cacbon, axit axetic.

Trong dầu ba đậu ngoài các glyxerit thường gặp như stearin, panmitin, còn có glyxerit của các axit crotonic và tiglic là những axit đặc biệt trong hạt ba đậu. Thành phần tẩy trong đầu ba đậu là chất nhựa croton resin tức là este của một còn gọi là phocbola (phorbol) với những axit tiglic, và một số axit khác. Tỷ lệ hoạt chất tẩy này trong dầu chừng 2-3% (theo Flaschemtrager et Wigner, 1942, Hel. Chim. Acta 25: 569)

Chất mang tên crotin chính gồm 2 chất croton- albumin và croton-globulin là chất độc đối với nguyên sinh chất (protoplasma), đôi khi có tác dụng làm vốn máu. Độ độc của nó bị sức nóng làm giảm bởi. Tính chất của nó cũng giống như chất rixin trong hạt thầu dầu.

Tác dụng dược lý

Dầu ba đậu là một chất gây phỏng rất mạnh: tác dụng trên da, người ta thấy da nóng bỏng và phóng lên, mọng nước, sau đó thành mụn tróc da.

Tác dụng chậm (thường 24 giờ trước khi có mủ) và bao giờ cũng chỉ tác dụng trên bề mặt thôi: sau khi khỏi mụn, không có sẹo, trừ phi tại cùng một chỗ làm lại nhiều lần. Nếu da đã có sẹo cũ thì dầu không có tác dụng.

Uống trong, dầu ba đậu là một loại thuốc tẩy rất mạnh, với liều rất nhỏ (1/2 đến 2 giọt) đã gây tác dụng sau 1/2 đến 1 giờ. Đi ngoài 5 đến 10 lần, lúc đầu đặc, sau lỏng, bụng đau nhiều hay ít, nóng ở hậu môn.

Với liều cao hơn 2 giọt, gây viêm ruột và có triệu chứng ngộ độc: Nôn mửa, đi ngoài nhiều, toát mồ hôi và chết, 10 đến 20 giọt đủ giết một con ngựa.

Dùng liều nhỏ, liên tiếp cũng gây ngộ độc và chết.

Công dụng và liều dùng

Thuốc dùng cả trong đông y và tây y nhưng cách dùng có khác nhau.

Theo tài liệu cổ, ba đậu vị cay, tính nóng, rất đọc, vào 2 kinh vị và đại tràng. Có tác dụng tả hàn tích, trục đờm, hành thủy

Tây y chỉ dùng dầu ba đậu làm thuốc lúa bệnh, trong những trường hợp tê thấp, viêm phổi, đau ruột, viêm phế quản. Nếu dùng trên da bụng cán bảo vệ rốn bằng một miếng thuốc dán. Còn làm thuốc tẩy mạnh, dùng trong những trường hợp táo khó chữa sau khi dùng những loại thuốc khác không có tác dụng. Nhưng thuốc rất độc xếp vào loại độc bảng A. Dùng ngoài với liều 6-7 giọt trộn với dầu khác như dầu lạc, dầu thầu dầu rồi dùng bút lòng mà bồi để tránh phóng tay, thường bởi một diện tích nhỏ hơn diện tích định gây phỏng. Uống trong với liều 1 giọt trộn với dầu hay ruột bánh mỳ. Liều tối đa một lần 0,05g, trong 24 giờ 0,10g. Gần đây ít dùng trong tây y vì nhiều nguy hiểm.

Trái lại, trong nhân dân, người ta ít sợ ba đậu hơn. Cũng công nhận có độc, nhưng do cách dùng khác cho nên đỡ nguy hiểm hơn. Thường dùng dưới hình thức ba đậu sương, nghĩa là hạt ba đậu ép bỏ hết dầu đi mới dùng với liều 0,01-0,05g lại thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác.

Hoặc có khi dùng như sau (kinh nghiệm của nhân dân Campuchia): Cắt ngang đầu một quả chanh, lấy hết bột chanh ra, thay bằng ít hạt ba đậu, cho vào đun với 300ml nước cho đến khi hết nước và quả chanh khô thì giã nhỏ cả quả chanh và hạt ba đậu trong đó, nói viên bằng viên nhỏ bằng hạt tiêu. Sấy khô để dành. Muốn đi ngoài một lần thì uống một viên, 2 lần thì uống 2 viên. Chế như vậy ít đau bụng hơn.

Ngoài công dụng làm thuốc, hạt ba đậu được dùng làm thuốc tẩm tên độc, thay củ ô đầu ở những nơi không có ô đầu

Tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta và Trung Quốc, người ta còn dùng hạt ba đậu để duốc cá.

Đơn thuốc có Dầu Ba Đậu

Đơn tam Vật Hạch Thang (của Trương Trọng Cảnh)

Ba đậu sương Ig, cát cánh 3g, bởi mẫu 3g. Tất cả tán bột, trộn đều. Mỗi lần uống 0,20g, dùng nước ấm mà chiêu. Chữa bệnh viêm niêm mạc dạ dày cấp tỉnh, đau bụng.

Đơn thứ 2 chữa đau bụng viêm dạ dày (Diệp Quyết Tuyến)

Ba đậu sương 0,50g, nhục quế 3g, trầm hương 2g, đinh hương 3g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều. Mỗi lần dùng 0,50g đến 1g, dùng nước chiêu thuốc.

Chữa thủy thũng:

Ba đậu 200mg, hạnh nhân 3g. Chế thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày 3 đến 6 viên. Uống đến khi lợi tiểu, đi ngoài nhuận thì thôi.

Kinh nghiệm nhân dân chữa ngộ độc do bã đậu:

Uống nước hoàng liên, nước đậu đũa, nước lạnh.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!