Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật trong quản lý thực phẩm chức năng

3033
Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật
5/5 - (1 bình chọn)

Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật trong quản lý thực phẩm chức năng

BÁO CÁO TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH PHÁP LUẬT

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác an toàn thực phẩm, Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng về tình hình quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) cụ thể như sau:
I. Thực trạng về thực phẩm chức năng, quản lý thực phẩm chức năng:
1. Các vấn đề chung:
a. Trên thế giới:
Thực phẩm chức năng được biết đến tại Nhật Bản từ năm 1984 khi Chính phủ Nhật Bản khởi động nghiên cứu “Hệ thống phân tích và phát triển TPCN”. Đến năm 1987, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố kế hoạch đưa TPCN ra thị trường. Từ đó, TPCN bắt đầu được chú ý và phát triển sang các nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Canada, Đan Mạch, Thuỹ sĩ, Trung Quốc… Giai đoạn này, các nhà khoa học đã chủ động lấy bớt các phần bất lợi và bổ sung các thành phần có lợi (Vitamin, chất xơ, khoáng chất…) vào thực phẩm thông thường tuỳ theo mục đích sử dụng. Thực phẩm chức năng có nhiều tên gọi nhưng tựu chung theo quy định của Luật An toàn thực phẩm là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.
b. Tại Việt Nam:
TPCN được đưa vào Việt Nam từ năm 2000, lúc đó một số công ty chủ yếu kinh doanh, nhập khẩu với tên gọi là Thực phẩm Thuốc (13 công ty với 63 sản phẩm) và sản phẩm này nhanh chóng phát triển sôi động tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam đã có hơn 3000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN, bao gồm cả thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%. Số người sử dụng TPCN hiện nay tại thành phố Hà Nội là khoảng 63% người trưởng thành, tại thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành (Theo khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam). Tỷ lệ người trưởng thành tại Nhật Bản sử dụng TPCN hàng ngày khoảng 80%, Mỹ khoảng hơn 60%. Doanh số bán TPCN tại Nhật Bản năm 2012 đạt gần 20 tỷ USD.
2. Về việc quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam:
Đây là sản phẩm mới, giao thoa giữa thuốc và thực phẩm thông thường nên từ năm 2000 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành 7 Thông tư về quản lý TPCN (Thông tư số 17/2000/TT-BYT ngày 27/9/2000 hướng dẫn đăng ký các sản phẩm dưới dạng thuốc – thực phẩm, Thông tư số 20/2001/TT-BYT ngày 11/9/2001 hướng dẫn quản lý các sản phẩm thuốc – thực phẩm, Thông tư số 08/2004/TT-BYT ngày 23/8/ 2004 hướng dẫn việc quản lý các sản phẩm thực phẩm chức năng, Thông tư số 15/2012/TT–BYT ngày 12/9/2012 quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Thông tư số 16/2012/TT–BYT ngày 22/10/2012 quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, Thông tư số 19/2012/TT-BYT ngày 09/ 11/2012 hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/ 2014 quy định về quản lý thực phẩm chức năng) và một số văn bản liên quan như ghi nhãn, quảng cáo.
Theo các văn bản này:
+ Đối với sản xuất TPCN trong nước: Doanh nghiệp phải có đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp, phải có cơ sở sản xuất bảo đảm điều kiện vệ sinh (được chứng nhận của cơ quan y tế), phải làm bản công bố tiêu chuẩn, các chỉ tiêu công bố phải có phiếu kiểm nghiệm kèm theo bảo đảm an toàn và chất lượng, phải gửi mẫu nhãn sản phẩm để thẩm định, về công dụng sản phẩm phải có tài liệu khoa học dẫn chứng minh đồng thời định kỳ doanh nghiệp phải kiểm nghiệm các chỉ tiêu, lưu kết quả kiểm nghiệm tại cơ sở để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, nếu kết quả không đạt doanh nghiệp lập tức phải tự thu hồi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng có thể định kỳ hoặc đột xuất lấy mẫu để kiểm nghiệm, nếu kết quả kiểm nghiệm không đạt sẽ lập tức yêu cầu thu hồi và xử lý.
+ Đối với TPCN nhập khẩu: Sản phẩm đó phải được cơ quan quản lý thực phẩm của nước sở tại cho phép lưu hành. Khi nhập về Việt Nam phải do 1 công ty tại Việt Nam chịu trách nhiệm đứng ra làm thủ tục công bố tiêu chuẩn, ghi nhãn, lưu thông và phân phối. Từng lô hàng về đến Cảng, trước khi lưu thông phải được kiểm tra chất lượng tại các phòng kiểm nghiệm do Bộ Y tế chỉ định, nếu kết quả kiểm nghiệm không đạt yêu cầu sẽ bị tái xuất hoặc tiêu huỷ.
Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 10/2016) có tổng số 5698 cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn cả nước, trong đó có 1440 cơ sở sản xuất trong nước, 4258 cơ sở kinh doanh.
Trong 9 tháng đầu năm (từ ngày 1/1-30/9/2016) có tổng số 8008 sản phẩm được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, trong đó có 4855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm tỷ lệ 60,6%) và 3153 sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam (chiếm tỷ lệ 39,4%).
+ Các TPCN trước khi quảng cáo phải được cơ quan y tế thẩm định nội dung quảng cáo, các cơ quan phát hành quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm TPCN chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã thẩm định.
3. Về những vi phạm chủ yếu trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng TPCN hiện nay và nguyên nhân:
a) Về vi phạm:
– Sản xuất TPCN giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ): Năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan tới việc sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng, điển hình như vụ thu giữ 20 tấn TPCN giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại thành phố Hà Nội và thu giữ 12 tấn TPCN giả, không rõ nguồn gốc tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh… Phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
– Sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố.
– Quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hoá, thần thánh hoá công dụng của TPCN.
– Sản xuất TPCN ở nơi không bảo đảm vệ sinh.
Trong 10 tháng đầu năm 2016 (Từ ngày 1/1/2016 đến 25/10/2016), Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt là 5.487.558.981 đ. Trong đó xử lý 52 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 59,1% số cơ sở vi phạm) với tổng số tiền là 1.023.500.000 đ. Các cơ sở vi phạm các hành vi khác như kiểm nghiệm định kỳ, chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả với tổng số tiền là 4.464.058.981 đ. Thu hồi 12 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; tạm dừng lưu thông 18 lô sản phẩm vi phạm.
b) Nguyên nhân:
+ Do lợi nhuận: Nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng TPCN rất lớn nên đã cố tình sản xuất TPCN giả, nhập khẩu TPCN từ Trung Quốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Canada, Nhật, Úc…
+ Do thiếu hiểu biết của người tiêu dùng: Lợi dụng việc nhiều người tiêu dùng không hiểu biết đầy đủ về TPCN nên nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tuyên truyền, phát tán nhiều tài liệu quảng cáo TPCN không đúng với tác dụng của sản phẩm, quảng cáo TPCN chữa đủ các loại bệnh tật, đặc biệt nhiều nhà in, nhà xuất bản, một số cơ quan báo đài…và đặc biệt là các trang mạng xã hội điều hành in ấn, quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh.
II. Kế hoạch trong thời gian tới:
1. Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật:
Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai, tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với thực phẩm chức năng, cụ thể như sau:
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4288/QĐ-BYT ngày 08/8/2016 Quyết định Ban hành tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (Health Supplements). Đây là các quy định về điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng, phù hợp với quy định an toàn sản xuất thực phẩm chức năng của ASEAN. Hiện tại, Bộ Y tế đang soạn thảo dự thảo Nghị định hướng dẫn trình tự, thủ tục và lộ trình áp dụng GMP tại Việt Nam. Các quy định này sẽ góp phần cải thiện điều kiện sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước.
2. Về tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm:
– Triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó có thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng như Kế hoạch số 1047/KH-BYT ngày 20 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch công tác thanh tra Y tế năm 2016; Kế hoạch số 52/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 22 tháng 01 năm 2016 của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm về triển khai công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm năm 2016; Kế hoạch số 102/KH-BYT ngày 16 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch thanh tra, kiểm tra về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ Y tế năm 2016;
– Ban hành Công văn số 7234/BYT-ATTP ngày 4/10/2016 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường quản lý thực phẩm chức năng trên địa bàn.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan thanh, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng;
– Kiểm tra xác minh xử lý đơn, thư, khiếu nại, tố cáo và xử lý sau kiểm nghiệm mẫu giám sát đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng.
3. Về công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng:
– Chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn. Từ đầu năm 2016 đến nay, theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có tổng số khoảng 350 tin bài về công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan tới TPCN trên 16 đầu báo in và báo điện tử.
– Công khai tên các cơ sở, sản phẩm thực phẩm chức năng có sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
– Công khai tên các cơ sở, sản phẩm thực phẩm chức năng có sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

III. Kết luận và kiến nghị:
1. Kết luận:
– Thực phẩm chức năng được sử dụng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng đưa vào lưu thông trên thị trường có xu hướng tăng lên rõ rệt, cả về nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước. Các sản phẩm TPCN được công bố và sử dụng đúng cách đã góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
– Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tại Việt Nam hiện nay cơ bản đã đầy đủ, tạo được hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực này. Bên cạnh Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định của Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã ban hành 8 Thông tư liên quan để quản lý thực phẩm chức năng. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định theo hướng quản lý chặt chẽ hơn về điều kiện sản xuất đối với cơ sở sản xuất TPCN tại Việt Nam.
– Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã được triển khai khá đồng bộ, có hiệu quả trong thời gian qua mặc dù lực lượng thanh tra chuyên ngành còn rất mỏng cả ở Trung ương và địa phương. Nhiều vi phạm trong hoạt động này đã được phát hiện, xử lý và công khai kịp thời. Qua thanh tra, kiểm tra cho thấy vi phạm chủ yếu liên quan tới việc quảng cáo quá mức công dụng của TPCN, không đúng như công bố. Việc quản lý hoạt động quảng cáo TPCN còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, quảng cáo truyền tiêu bằng miệng của người tham gia phân phối, kinh doanh đa cấp.
– Công tác tuyền truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhận thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng TPCN đã được đẩy mạnh. Các cơ sở, sản phẩm vi phạm được cập nhật thường xuyên trên trang website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
– Việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với TPCN còn nhiều khó khăn do các TPCN giả được sản xuất ở nước ngoài mang về. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Hải quan, Biên phòng ngăn chặn từ biên giới thì mới có hiệu quả cao.
2. Kiến nghị:
+ Đối với Chính phủ:
– Sửa đổi Nghị định về kinh doanh, bán hàng đa cấp theo hướng không cho kinh doanh đa cấp mặt hàng TPCN (hiện tại thuốc chữa bệnh không được kinh doanh đa cấp) vì TPCN cũng là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ.
– Chỉ đạo các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công An tại các cửa khẩu tăng cường phối hợp nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ buôn lậu TPCN giả thông qua đường tiểu ngạch.
+ Đối với Bộ Y tế:
– Hoàn thiện các quy định và quản lý chặt chẽ về công bố tác dụng, về điều kiện vệ sinh nơi, địa điểm sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản xuất tốt (GMP).
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, rút Giấy phép đối với các cơ sở vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, tên sản phẩm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
– Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tuyên truyền để người dân hiểu đúng và sử dụng đúng về TPCN, không sử dụng TPCN tùy tiện.
+ Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông:
Chỉ đạo các nhà in, nhà xuất bản, các cơ quan thông tin đại chúng chỉ tiến hành in, ấn, quảng cáo cho TPCN đúng nội dung đã được cơ quan y tế thẩm định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
+ Đối với Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải Quan):
Chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, Sở Y tế các tỉnh/thành phố và các đơn vị liên quan tập trung tăng cường công tác đấu tranh phòng chống, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng dưới mọi hình thức đối với nhóm mặt hàng TPCN, đặc biệt là Hải quan các cửa khẩu.
+ Bộ Công an, Bộ Công Thương:
Chỉ đạo các lực lượng công an (Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát môi trường), các lực lượng quản lý thị trường chủ động mở các đợt cao điểm đấu tranh xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, kinh doanh, sản xuất TPCN giả, TPCN không có nguồn gốc xuất xứ.
+ Uỷ ban nhân dân các cấp:
Chỉ đạo Sở Y tế, Phòng Y tế, các lực lượng quản lý thị trường, Công an địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, công bố các tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân các tỉnh các tỉnh có biên giới, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó có thực phẩm chức năng.
Bộ Y tế kính báo cáo./.

Nơi nhận:

– PTTg Vũ Đức Đam (để b/cáo);

– Văn phòng Chính phủ (để b/cáo) ;

– Các Thứ trưởng (để biết) ;

– Lưu: VT, ATTP.

 BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)Nguyễn Thị Kim Tiến

Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!