Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ (Dự thảo)

1833
Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ
5/5 - (1 bình chọn)

Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ (Dự thảo)

BỘ Y TẾ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:           /2017/TT-BYT Hà Nội, ngày     tháng      năm 2017

THÔNG TƯ
Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng
1. Thông tư này hướng dẫn về chuyên môn công tác phòng và xử trí phản vệ, bao gồm:
a) Bản hướng dẫn tóm tắt chẩn đoán và xử trí phản vệ.
b) Phụ lục 1: Chẩn đoán phản vệ.
c) Phụ lục 2: Chẩn đoán mức độ phản vệ.
d) Phụ lục 3: Xử trí cấp cứu phản vệ ban đầu.
e) Phụ lục 4: Xử trí tiếp theo và theo dõi.
f) Phụ lục 5: Cấp cứu ngừng tuần hoàn do phản vệ.
g) Phụ lục 6: Xử trí phản vệ trong một số trường hợp đặc biệt.
h) Phụ lục 7: Nội dung hộp cấp cứu phản vệ.
i) Phụ lục 8: Khai thác tiền sử dị ứng.
j) Phụ lục 9: Mẫu thẻ theo dõi dị ứng.
k) Phụ lục 10: Chỉ định làm test da.
l) Phụ lục 11: Quy trình kỹ thuật test da.
2. Thông tư này áp dụng cho tất cả tổ chức cá nhân hành nghề khám chữa bệnh.
3. Đối với người có tiền sử phản vệ, có sẵn thuốc adrenalin thì người bệnh hoặc người xung quanh được phép sử dụng thuốc để cấp cứu khi không có mặt nhân viên y tế.
Điều 2. Một số khái niệm
Phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ, xảy ra ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Dị nguyên là các yếu tố lạ khi tiếp xúc có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể, bao gồm thức ăn, thuốc (bao gồm cả vacxin, sinh phẩm) và các yếu tố khác.
Chuyên khoa dị ứng là bác sĩ khoa dị ứng hoặc dị ứng miễn dịch lâm sàng hoặc bác sĩ được tập huấn
Điều 3. Nguyên tắc dự phòng phản vệ
1. Với tất cả các loại thuốc nên chỉ định đường dùng phù hợp nhất có thể, chỉ dùng đường tiêm khi không có đường khác thay thế.
2. Không thử phản ứng thường quy cho tất cả các loại thuốc trừ những trường hợp có chỉ định theo Phụ lục 10.
3. Không được kê đơn, chỉ định dùng các thuốc hoặc dị nguyên đã gây phản vệ cho người bệnh.
a) Trường hợp đặc biệt cần dùng thuốc hoặc dị nguyên này phải hội chẩn chuyên khoa dị ứng hoặc do các bác sĩ đã được tập huấn về phản vệ để thống nhất chỉ định và phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc đại diện hợp pháp của người bệnh bằng văn bản.
b) Việc thử phản ứng trên người bệnh với các loại thuốc hoặc dị nguyên đã từng gây dị ứng cho người bệnh phải được tiến hành tại chuyên khoa dị ứng hoặc do các bác sĩ đã được tập huấn về phản vệ.
4. Báo cáo tất cả các trường hợp phản vệ về Trung tâm Quốc gia về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (trụ sở tại Trường Đại học Dược Hà Nội) hoặc Trung tâm Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh về Thông tin Thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc( trụ sở tại Bệnh viện Chợ Rẫy) theo mẫu báo cáo phản ứng có hại của thuốc hiện hành (phụ lục 5 ban hành kèm theo thông tư 22/2011/TT-BYT).
Điều 4. Yêu cầu về khai thác tiền sử dị ứng
1. Nhân viên y tế phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc và các dị nguyên khác của người bệnh trước khi kê đơn hoặc sử dụng (theo phụ lục 8). Tất cả các thông tin liên quan đến dị ứng phải được ghi vào sổ khám chữa bệnh, bệnh án, giấy ra viện, chuyển viện.
2. Khi đã xác định được thuốc hoặc dị nguyên gây phản vệ, thầy thuốc phải cấp cho người bệnh thẻ theo dõi dị ứng ghi rõ các thuốc hoặc dị nguyên gây dị ứng (theo Phụ lục 9), cần nhắc người bệnh cung cấp thông tin này cho nhân viên y tế mỗi khi khám chữa bệnh.
Điều 5. Chuẩn bị cấp cứu phản vệ
1. Tại các phòng (buồng) khám, phòng (buồng) điều trị, xe tiêm và mọi nơi có sử dụng thuốc phải có sẵn hộp cấp cứu phản vệ. Thành phần hộp cấp cứu phản vệ theo quy định tại Phụ lục 7 phần (a) ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Cơ sở khám, chữa bệnh phải có thuốc, vật tư, trang thiết bị theo quy định tại Phụ lục 7 phần (b) ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Nhân viên y tế phải nắm vững kiến thức và thực hành cấp cứu phản vệ theo phác đồ cấp cứu.
4. Trên những phương tiện giao thông công cộng (máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô vận chuyển hành khách) cần trang bị tối thiểu 01 hộp cấp cứu phản vệ.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày … tháng … năm 2017.
Thông tư này bãi bỏ Thông tư số 08/1999/TT-BYT ngày 4/5/1999 của Bộ Y tế về hướng dẫn và cấp cứu sốc phản vệ.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh kịp thời về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế để được hướng dẫn, xem xét và giải quyết./.

Thông tư Hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ (Dự thảo)

DOWNLOAD VĂN BẢN DƯỚI ĐÂY

[sociallocker id=7424]

DTTT

Phu luc

[/sociallocker]

Copy xin ghi rõ nguồn vnras.com

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!