Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Thạch Quyết Minh trang 503-504 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là cửu khổng, cửu khổng loa, ốc khổng, bào ngư.
Tên khoa học Haliotis sp.
Thuộc họ Haliotidae, lớp Phúc túc (Gastropoda), ngành Nhuyễn thể (Mollusca).
Thạch quyết minh (Concha Haliotidis) là vỏ phơi khô của nhiều loài bào ngư Haliotis diversicolor Reeve (cửu khổng bào), Haliotidis gigantea discus Reeve (bào đại não) và Haliotidis ovina Gmelin (dương bào).
Tên là thạch quyết minh vì là một vị thuốc giống đá (thạch) lại có tính chất làm tan màng, sáng mắt.
Còn cửu khổng hay ốc khổng vì ở mép vỏ của bào ngư có một hàng lỗ nhỏ từ 7 đến 13 lỗ (thường là 9 lỗ), tức là chỗ để không khí ra vào cho con bào ngư thở.
Mô tả con vật
Bào ngư là một loại ốc có một vỏ cứng như vỏ con sò, nhưng dẹt hơn, ở mép có 7 đến 13 lỗ nhỏ để không khí ra vào. Khi vỏ con bào ngư bị sinh vật khác bám kín trên hàng lỗ đó thì con vật có thể chết ngạt Lớp vỏ ngoài nhám, có màu nâu sẫm, mặt trong có lớp sà cừ lóng lánh. Chân bào ngư tuy là một khối thịt dính liền với thân, nằm xung quanh mép vỏ. Muốn bò đi, khối thịt đó phải co giãn để di chuyển thân mình. Khi bị ta bắt, thì khối thịt đó rút vào trong vỏ. Chân bào ngư bao giờ cũng bám chắc vào đá, nhờ đó mà vùng bào ngư sống tuy luôn luôn có sóng lớn vỗ vào đã, nhưng bào ngư vẫn sống bình thường. Thức ăn chính của bào ngư là rong rêu bám trên đá.
Phân bố, thu bắt và chế biến
Bào ngư thường sống ở các vùng hải đảo hay ven biển có rạn đá ngầm, độ mặn của nước biển cao. Bào ngư sống ở độ nước sâu từ 2 đến 12m, thường lúc còn nhỏ ở chỗ cạn, khi lớn lên mới ở độ nước sâu hơn. Đây nơi đó phải có nhiều đá sỏi, trên mặt đã có phủ một lớp bùn mịn.
Tại miền bắc nước ta, bào ngư được khai thác tại các đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Bà và chân núi đèo ngang (Quảng Bình), nhiều nhất là Bạch Long Vĩ và Cô Tô. Khả năng có thể thu hoạch tới 47 tấn (Bach Long Vi).
Hiện nay người ta còn bắt bào ngư sống tự nhiên, nhưng gần đây có nơi đã bắt đầu nuôi để bảo đảm nguồn cung cấp thường xuyên.
Mùa sinh đẻ ở miền bắc nước ta vào tháng 1-2, mùa bắt bào ngư vào tháng 7-10 là thời kỳ nước ấm dễ lặn và cũng là lúc bào ngư béo nhất.
Khi bắt về, rửa sạch đất cát, rêu rong bám vào, sau đó rửa bằng nước muối pha loãng, cuối cùng cạy vỏ riêng phơi khô dùng làm thuốc, còn ruột đem nấu chín phơi khô bán riêng làm món ăn rất quý.
Có nơi, bào ngư bắt về đem rửa sạch, rồi cho nấu chín mới bóc lấy vỏ và ruột, vỏ sau khi lấy được phải đem rửa lại cho sạch chất muối rồi mới phơi khô. Phương pháp cạy bào ngư tươi tuy có khó khăn hơn nấu chín rồi mới cạy, nhưng vỏ có màu sắc óng ánh, phẩm chất tốt hơn.
Khi dùng vỏ làm thuốc, có khi người ta dùng sống: Rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ, có khi người ta nung lên rồi mới tán nhỏ để dùng.
Thành phần hoá học
Trong vỏ có các chất vô cơ, chủ yếu là canxi cacbonat, muối canxi khác và các chất hữu cơ, nhưng sau khi nung, chỉ còn chất vỏ cơ.
Trong thịt (bào ngư) có 73% nước, 24,58% protit, 0,44% chất béo, 1,98% tro.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ thạch quyết minh có vị mặn, tính bình, vào 2 kinh can và phế. Có tác dụng bình can, tiềm dương, trừ nhiệt sáng mắt, thông làm. Dùng chữa đầu choáng mắt hoa, xương đau nhức, thong manh mờ mắt.
Hiện nay, thạch quyết minh là một vị thuốc được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc chữa thông mạnh, thị lực kém, có tác dụng làm tan màng, sáng mát.
Còn được dùng làm thuốc chữa bệnh đau dạ dày thừa nước chua, cầm máu.
Liều dùng: Ngày uống 3-6g dưới dạng bột, có khi dùng dưới dạng thuốc sắc với liều 15-30g.
Thịt bào ngư là một loại hải sản quý, mùi vị thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng. Dùng trong nước và xuất khẩu.
Đơn thuốc có thạch quyết minh
Chữa thong manh, quáng gà:
Thạch quyết minh cạo sạch vỏ đen ngoài, tán nhỏ và thuỷ phi 10g. Dùng gan lợn hay gan dè bổ đôi, cho thuốc vào. Đun sôi chín, để hơi xông vào mắt. Khi đã nguội, ăn cả gan, uống cả nước. Mỗi ngày 1 lần (đơn thuốc kinh nghiệm trong nhân dân).
Đau mắt ra nắng bị chói:
Thạch quyết minh, cúc hoa, cam thảo mỗi vị 4g. Sắc với 200g nước, để nguội, uống hàng ngày.