HẤP THU THUỐC VÀ ĐƯỜNG ĐƯA THUỐC

8391
Hấp thu thuốc
5/5 - (1 bình chọn)

HẤP THU THUỐC VÀ CÁC CON ĐƯỜNG ĐƯA THUỐC VÀO CƠ THỂ

Hấp thu thuốc là sự xâm nhập của thuốc vào vòng tuần hoàn chung của cơ thể. Các con đường đưa thuốc vào cơ thể gồm đường tiêu hoá, đường tiêm, đường hô hấp và qua da.

1. Hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá:

1.1. Qua niêm mạc miệng:

Thuốc được hấp thu nhanh và đưa thẳng vào máu lại không bị phá huỷ bởi môi trường acid của dạ dày. Thí dụ một số thuốc được dùng bằng cách đặt dưới lưỡi như:

  • Nitroglycerin để chống cơn đau thắt ngực.
  • Nifedipin để điều trị cơn tăng huyết áp.

1.2. Qua niêm mạc dạ dày:

Các thuốc được hấp thu qua niêm mạc dạ dày là những acid yếu, không ion hoá hoặc một số thuốc có hệ số phân bố lipid/nước cao.

Sự hấp thu thuốc ở dạ dày nói chung bị hạn chế vì niêm mạc dạ dày không có nhung mao và hệ thống mao mạch ít hơn nhiều so với ruột non.

Các thuốc thường dễ hấp thu hơn khi đói, còn với các thuốc gây kích ứng niêm mạc dạ dày thì nên uống vào bữa ăn.

1.3. Qua niêm mạc ruột non:

Hầu hết các thuốc được hấp thu qua ruột non vì ở đây có pH từ acid nhẹ đến kiềm nhẹ nên thích hợp cho việc hấp thu các nhóm thuốc, ruột non còn có các dịch tiêu hoá như dịch tuỵ, dịch ruột và dịch mật, hơn nữa niêm mạc ruột non lại có diện tiếp xúc lớn.

1.4. Qua niêm mạc ruột già:

Khả năng hấp thu ở ruột già kém hơn nhiều so với ruột non vì diện tiếp xúc nhỏ hơn, các enzym tiêu hoá lại ít.

Một số thuốc được dùng qua đường trực tràng với mục đích tác dụng tại chỗ. Nhưng một số thuốc còn đạt được cả tác dụng toàn thân (thí dụ thuốc hạ sốt, an thần…)

Dạng thuốc đặt trực tràng phù hợp với các thuốc có mùi vị khó chịu, khó uống hoặc khi người bệnh không uống được.

2. Hấp thu thuốc qua đường tiêm:

Có thể dùng đường trên tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Thuốc dùng theo đường tiêm có tác dụng nhanh và không bị ảnh hưởng bởi dịch tiêu hoá nhưng đòi hỏi kỹ thuật.

2.1. Tiêm tĩnh mạch:

Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền tĩnh mạch là đưa thuốc trực tiếp vào máu. Nên thuốc được hấp thu hoàn toàn và tác dụng xuất hiện nhanh.

Sử dụng đường tĩnh mạch khi:

  • Cần sự can thiệp nhanh của thuốc (như ngộ độc, tiêu chảy nặng…)
  • Không dùng các đường khác được (thí dụ dung dịch CaCl2 nếu tiêm bắp sẽ gây hoại tử…)
  • Cần đưa một lượng lớn dung dịch thuốc vào cơ thể, người ta tiêm truyền nhỏ giọt tĩnh mạch. Thí dụ: truyền dung dịch Ringer-Lactat, dung dịch Glucose 5%… với tốc độ truyền phù hợp.

Lưu ý:

Không được áp dụng đường tiêm tĩnh mạch cho các thuốc dạng hỗn dịch, dầu thuốc, các chất gây kết tủa protein huyết tương, các chất gây tan máu hoặc độc với cơ tim.

2.2. Tiêm bắp thịt:

Tiêm bắp là đưa thuốc vào cơ và sau đó thuốc được hấp thu dễ dàng vào máu, tốc độ hấp thu phụ thuộc vào độ tan, nồng độ thuốc vàvị trí tiêm.

2.3. Tiêm dưới da:

Khi tiêm dưới da thuốc hấp thu chậm hơn và cũng đau hơn là tiêm bắp.

Ngoài 3 đường tiêm thông dụng, thuốc còn có thể được đưa vào cơ thể bằng các đường tiêm đặc biệt khác. Như tiêm vào màng khớp để điều trị viêm khớp dạng thấp ( thí dụ các Corticoid), tiêm vào động mạch để chẩn đoán bệnh….

3. Hấp thu thuốc qua đường hô hấp:

Các thuốc ở thể khí, các chất lỏng dễ bay hơi, các chất rắn ở dạng khí dung có khả năng được hấp thu qua đường hô hấp vào phổi rồi chuyển qua mao mạch phế nang vào máu.

4. Hấp thu thuốc qua da:

  • Bôi ngoài da, thuốc thường có tác dụng tại chỗ dùng để sát khuẩn, chống nấm, điều trị mẩn ngứa ngoài da….
  • Một số thuốc khi bôi ngoài da cũng đạt được tác dụng toàn thân, thí dụ thuốc mỡ kháng sinh. Người ta đã ứng dụng tính chất này để chế ra dạng miếng dán tại chỗ để gây tác dụng toàn thân. Thí dụ thuốc điều trị cơn đau thắt ngực Nitroglycerin, thuốc tê Lidocain….

Ngoài các đường dùng đã nêu, thuốc còn được sử dụng theo những đường khác như nhỏ mắt, nhỏ mũi…

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!