Dự thảo 02 nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa

1253
Dự thảo nghị định về nhãn hàng hóa
Dự thảo nghị định về nhãn hàng hóa
5/5 - (1 bình chọn)

Dự thảo 02 nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP  ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa (ngày 4/5/2016)

CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số:          /2016/NĐ-CP Hà Nội, ngày        tháng         năm 2016

NGHỊ ĐỊNH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa

CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng ngày 30 tháng 11năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 1 quy định về những hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
2. Những hàng hoá sau đây không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này:
a) Bất động sản;
b) Hàng hoá tạm nhập tái xuất; hàng hoá tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hoá quá cảnh, hàng hoá chuyển khẩu;
c) Quà biếu, tặng; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển;
d) Hàng hóa nhập lậu bị tịch thu bán đấu giá.
Ngoài các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này, tuỳ theo sự phát triển của thị trường, cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá sẽ đề xuất bổ sung.”
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 quy định về giải thích từ ngữ như sau:
a) Sửa đổi Khoản 3: “Nhãn gốc của hàng hoá” là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;
b) Sửa đổi Khoản 4: “Nhãn phụ” của hàng nhập khẩu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu;
c) Sửa đổi Khoản 6: “Lưu thông hàng hoá” là hoạt động trưng bày, khuyến mại , vận chuyển và lưu giữ hàng hoá trong quá trình mua bán hàng hoá, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ;
d) Bổ sung Khoản 8a: “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa;
đ) Sửa đổi Khoản 9: “Ngày sản xuất” là mốc thời gian hoàn thành công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá đó;
e) Sửa đổi Khoản 10: “Hạn sử dụng” là mốc thời gian mà trước mốc thời gian đó hàng hóa vẫn giữ được đầy đủ các đặc tính chất lượng vốn có của nó và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
g) Bãi bỏ Khoản 12 quy định về “Xuất xứ hàng hóa”
3. Bổ sung điểm c Khoản 2 Điều 5 quy định về hàng hóa không bắt buộc phải ghi nhãn như sau:
“Điều 5. Hàng hóa phải ghi nhãn
2. Hàng hoá không bắt buộc phải ghi nhãn:
c) Hàng hóa là linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ sửa chữa bảo hành hàng hóa của chính hãng, không nhằm mục đích mua bán.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 quy định về vị trí nhãn hàng hóa như sau:
“Điều 6. Vị trí nhãn hàng hóa
1. Nhãn hàng hoá phải được thể hiện trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.
2. Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc.
3. Trường hợp hàng hóa quá nhỏ không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa thì:
a) Các nội dung: tên hàng hoá; tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; xuất xứ hàng hoá phải được ghi trên nhãn hàng hoá;
b) Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hoá và trên nhãn hàng hoá phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 quy định về kích thước nhãn hàng hóa như sau:
“Điều 7. Kích thước nhãn hàng hoá, kích thước của chữ và số trên nhãn
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa và kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này;
b) Nhận biết dễ dàng bằng mắt thường;
c) Kích thước của chữ và số thể hiện định lượng của hàng hóa phải tuân thủ quy định của pháp luật về đo lường.”
6. Sửa đổi Khoản 1 Điều 10 quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa như sau:
“Điều 10. Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá.
1. Hàng hoá sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất trước khi đưa vào lưu thông phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hoá.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hoá của mình.”
7. Bổ sung Khoản 1a, sửa đổi Khoản 2 Điều 11 như sau:
“Điều 11. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa
1a. Đối với những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nội dung mã số, mã vạch.
2. Ngoài nội dung quy định tại Khoản 1 và Khoản 1a Điều này, tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa, phải thể hiện trên nhãn hàng hóa các nội dung bắt buộc quy định tại Điều 12 của Nghị định này và quy định tại các văn bản luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan.”
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 quy định về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hóa như sau:

a) Bổ sung điểm g Khoản 2:
“2. Thực phẩm:
g) Số giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm”;
b) Bổ sung điểm d, đ Khoản 5:
“5. Thuốc lá:
d) Hạn sử dụng;
đ) Cảnh báo sức khỏe”;
c) Sửa đổi Khoản 25:
“25. Ấn phẩm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, tôn giáo:
a) Nhà xuất bản (Nhà sản xuất), nhà in;
b) Tên tác giả, dịch giả;
c) Giấy phép xuất bản;
d) Thông số kỹ thuật (khổ, kích thước, số trang)”;
d) Sửa đổi Khoản 32:
“32. Vàng, bạc, đá quý:
a) Hàm lượng;
b) Khối lượng;
c) Khối lượng vật gắn (nếu có);
d) Mã ký hiệu sản phẩm.
đ) Thành phần định lượng hoặc thông số kỹ thuật.”;
đ) Bãi bỏ Khoản 34;
e) Sửa đổi Khoản 35:
“34. Thiết bị bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện, điện tử
a) Tháng sản xuất;
b) Thông số kỹ thuật;
c) Thông tin, cảnh báo an toàn;
d) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.”;
g) Sửa đổi Khoản 44:
“44. Phụ tùng phương tiện tham gia giao thông:
a) Năm sản xuất;
b) Thông số kỹ thuật”;
h) Sửa đổi Khoản 48:
“48. Hoá chất:
a) Định lượng;
b) Ngày sản xuất;
c) Hạn sử dụng;
d) Thành phần hoặc thành phần định lượng;
đ) Mã nhận dạng hóa chất;
e) Hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ;
g) Biện pháp phòng ngừa;
h) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.”;
i) Bổ sung Khoản 51:
“50. Kính mắt:
a)Thành phần;
b) Thông số kỹ thuật;
c) Cảnh báo an toàn;
d) Hướng dẫn sử dụng”;
k) Bổ sung Khoản 52:
“51. Khăn ướt, bàn chải đánh răng, bỉm, băng vệ sinh, khẩu trang, bông tẩy trang, bao cao su…(Nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân):
a)Thành phần;
b) Thông số kỹ thuật;
c) Hướng dẫn sử dụng;
d) Cảnh báo vệ sinh, an toàn;
đ) Ngày sản xuất;
e) Hạn sử dụng.”;
l) Bổ sung Khoản 53:
“52. Dụng cụ thể thao (máy tập..):
a) Thông số kỹ thuật;
b) Hướng dẫn sử dụng;
c) Cảnh báo an toàn;
d) Năm sản xuất.”;

m) Bổ sung Khoản 54:
“53. Dụng cụ làm đẹp (máy xăm, máy matxa, xông hơi, phi thuyền tắm trắng…):
a) Thông số kỹ thuật;
b) Hướng dẫn sử dụng;
c) Cảnh báo an toàn;
d) Năm sản xuất.”;
n) Bổ sung Khoản 55:
“54. Dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm:
a) Thành phần
b) Thông số kỹ thuật
c) Hướng dẫn sử dụng
d) Cảnh báo vệ sinh, an toàn
đ) Ngày sản xuất;
e) Hạn sử dụng.”;
o) Bổ sung Khoản 56:
“55. Mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện:
a) Cỡ mũ;
b)Tháng, năm sản xuất;
c)Kiếu mũ (Model);
d) Định lượng;
e) Hướng dẫn sử dụng”;
p) Bổ sung Khoản 57:
“56. Xe đạp điện, xe máy điện
a) Nhãn hiệu;
b) Loại Model;
c) Tự trọng;
d) Thông số kỹ thuật;
đ) Năm sản xuất;
e) Hướng dẫn sử dụng;
g) Cảnh báo an toàn”.

9. Bổ sung Điều 12a quy định về phân loại để ghi nhãn hàng hóa như sau:
“Điều 12a. Phân loại để ghi nhãn hàng hóa
1) Tổ chức cá nhân tự xác định hàng hoá do mình sản xuất, nhập khẩu thuộc loại hàng hoá nào quy định tại Điều 12 Nghị định này để ghi các nội dung bắt buộc tương ứng.
– Căn cứ vào công dụng của hàng hoá để xếp loại.
– Trường hợp một hàng hoá có nhiều công dụng thì căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa để xếp vào loại tương ứng.
– Trường hợp hàng hoá xếp được ở nhiều loại thì xếp vào loại có tính chất, công dụng hợp lý hơn.
– Trường hợp hàng hoá không thể phân loại được theo quy định tại điểm này thì căn cứ vào hệ thống điều hoà và mô tả hàng hoá (HS) để phân loại.
2) Trường hợp các Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể các loại hàng hoá thuộc các nhóm quy định tại Điều 12 Nghị định này thì việc phân loại hàng hóa thực hiện theo quy định của các Bộ quản lý chuyên ngành.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 quy định về tên hàng hóa như sau:
“Điều 13. Tên hàng hóa
Tên hàng hoá ghi trên nhãn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá tự đặt. Tên hàng hoá không được làm hiểu sai lệch về bản chất và công dụng của hàng hoá.
1) Trường hợp tên của thành phần được sử dụng làm tên hay một phần của tên hàng hoá thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 18 của Nghị định này.
2) Trường hợp chất phụ gia dùng để tạo màu sắc, hương, vị mà màu sắc, hương, vị đó ghi kèm theo tên hàng hoá thì không phải ghi định lượng.
3) Trường hợp tên chất chiết xuất, tinh chất từ các nguyên liệu tự nhiên ghi kèm tên hàng hoá thì phải ghi thành phần định lượng chất chiết xuất, tinh chất hoặc khối lượng nguyên liệu tương đương dùng để tạo ra lượng chất chiết xuất, tinh chất đó.”
11. Sửa đổi Khoản 1, Khoản 4, bổ sung Khoản 5 Điều 14 quy định về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa như sau:
“Điều 14. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
1. Hàng hoá được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hoá đó.
Đối với tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá có nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, các hàng hóa mang cùng thương hiệu do các cơ sở này sản xuất, kinh doanh được phép ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá trên nhãn hàng hoá đó nếu được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận chất lượng của hàng hoá này phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá do tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá đó công bố.
4. Hàng hoá được nhượng quyền hoặc cho phép của một tổ chức, cá nhân khác thì ngoài việc thực hiện như quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này còn phải ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhượng quyền hoặc cho phép.
Đối với việc sản xuất hàng hoá thì tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá là pháp nhân đăng ký sản xuất, kinh doanh hàng hoá gắn nhãn hàng hoá do mình là chủ sở hữu hoặc được nhượng quyền sử dụng: chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hoá gắn, nhãn hàng hoá đó;
5. Cách ghi tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
a) Tên tổ chức, cá nhân và địa danh không được viết tắt.
b) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ngay tại nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh.
c) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra sản phẩm, hàng hoá đó.
Nếu ghi địa chỉ nhiều nơi sản xuất trên cùng một nhãn thì phải có chỉ dẫn hay ký hiệu trên nhãn để nhận biết nơi sản xuất hàng hoá đó.
– Cách 1: “Địa chỉ cơ sở sản xuất xem ở cạnh NSX
BD: Xã An Phú, Thuận An, Bình D¬ương;
HN: KCN Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội.
NSX 081106 HN”.
– Cách 2: “Địa chỉ cơ sở sản xuất có đánh dấu x
Xã An Phú, Thuận An, Bình D¬ương;__
KCN Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội. x”
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn tự chọn ký hiệu để đánh dấu.
d) Hàng hoá do hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng sản xuất thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông.
Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các công đoạn để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông như lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hoá trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức này cho phép.
đ) Nếu cơ sở sản xuất hàng hoá là thành viên trong một tổ chức như Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn, Hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép, nhưng vẫn phải ghi địa chỉ nơi sản xuất hàng hoá.
e) Trường hợp trên nhãn hàng hoá ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác nhằm quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá của mình thì phải ghi mối liên quan giữa tổ chức, cá nhân ghi thêm với sản phẩm, hàng hoá đó.”
12. Bổ sung Khoản 2a Điều 16 quy định về ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản như sau:
“Điều 16. Ngày sản xuất, hạn sử dụng, hạn bảo quản
2a. Đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện ngày sang chia sang chiết, nạp, đóng gói lại và hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.”
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 quy định về xuất xứ hàng hóa như sau:
“Điều 17. Xuất xứ hàng hóa
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải đảm bảo trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.
2. Cách ghi xuất xứ hàng hoá đựơc quy định như sau: Ghi “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi hãng…” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó.
Đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hóa đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa.”
14. Bổ sung vào Điều 19 quy định về thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo,vệ sinh, an toàn những nội dung sau:
“Điều 19. Thông số kỹ thuật, thông tin, cảnh báo, vệ sinh, an toàn
Thông số kỹ thuật bao gồm các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, hàng hóa đó.
6. Thông tin cảnh báo ghi trên nhãn bằng chữ, bằng hình ảnh hoặc bằng các ký hiệu theo thông lệ quốc tế và quy định liên quan.”
15. Bổ sung Điều 20a quy định về ghi nhãn phụ như sau:
“Điều 20a. Ghi nhãn phụ
Nhãn phụ sử dụng đối với hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Khoản 4 Điều 9.
Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hoá hoặc bao bì thương phẩm của hàng hoá và không được che khuất nội dung của nhãn gốc. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai lệch nội dung của nhãn gốc.”
16. Bổ sung Điều 20b quy định về phân biệt bao bì thương phẩm với bao bì chứa đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm như sau:
“Điều 20b. Phân biệt bao bì thương phẩm với bao bì chứ đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm
Các loại bao bì không gọi là bao bì thương phẩm:
a) Bao bì dùng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản hàng hoá đã có nhãn;
b) Túi đựng hàng hoá khi mua hàng;
c) Bao bì dùng để đựng hàng hoá dạng rời được lấy ra từ bao hàng hóa có định lượng lớn hơn để bán lẻ;
d) Container đựng hàng, xi tec vận chuyển xăng dầu, chất lỏng, xi măng rời.
17. Bãi bỏ Điều 24 quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 quy định như sau:
“Điều 25. Xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa
Hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng các biện pháp: tạm dừng lưu thông, cho phép khắc phục, thu hồi, tiêu hủyViệc xử phạt tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa thực hiện theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.”
Điều 2. Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày … tháng … năm 2017
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

VĂN BẢN DẠNG WORD: Du thao NĐ 89_NHAN HANG HOA

Dự thảo nghị định về nhãn hàng hóa

Ngày viết:
Vietnam Regulatory Affairs Society. Join us, VNRAS, feel free to contact. We'll provide you all information and regulatory affairs update related to products covered by the Ministry of Health of Vietnam (drug, vaccine, biological, pharmaceutical raw material, excipient, capsule, traditional medicine, herbal medicine, medical equipment, invitro diagnostic medical devices, cosmetic, food supplements, chemical and preparation for medical and household use).
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!