Dự thảo thông tư Quy định khám sức khỏe tham gia CAND

981
Khám sức khỏe
5/5 - (1 bình chọn)

Dự thảo thông tư Quy định khám sức khỏe tham gia CAND

DỰ THẢO 2

BỘ CÔNG AN

Số:           /2018/TT-BCA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày        tháng       năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định việc khám sức khỏe tuyển chọn công dân

thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

Căn cứ Luật nghĩa vụ Quân sự số 78/2015/QH13 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân số 73/2014/QH13 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật và Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định khám sức khỏe và tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, bao gồm: Kiểm tra sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, phúc tra sức khỏe, giám định sức khỏe và phân loại sức khỏe đối với công dân Việt Nam trong độ tuổi để đảm bảo tiêu chuẩn đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Điều 8 Luật Công an nhân dân và Điều 4 của Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, gồm:

a) Công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự;

b) Công dân nữ trong độ tuổi gọi nhập ngũ đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Công an nhân dân, nếu tự nguyện và Công an nhân dân có nhu cầu.

2. Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị thuộc Bộ Công an được sử dụng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Công an các đơn vị, địa phương).

3. Cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức, thực hiện tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là việc thực hiện, kiểm tra, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trước khi được sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được thực hiện bởi Tổ kiểm tra sức khỏe do Giám đốc Trung tâm y tế cấp huyện quyết định thành lập.
  2. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là việc thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trước mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  3. Khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, do Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện thực hiện.
  4. Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện là Hội đồng chuyên môn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập theo đề nghị của Phòng Y tế cùng cấp;
  5. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận lại sức khỏe đối với chiến sĩ mới thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân, do Hội đồng khám của đơn vị nhận quân thực hiện.
  6. Hội đồng khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là Hội đồng chuyên môn hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm do Thủ trưởng đơn vị cấp Cục trở lên quyết định thành lập.
  7. Giám định sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật, nghiệp vụ để khám, kết luận về tình trạng sức khỏe của công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong trường hợp có khiếu nại.
  8. Hồ sơ sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là tài liệu về tình hình sức khỏe của công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân bao gồm giấy khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và các tài liệu liên quan đến sức khỏe.
  9. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là tài liệu y khoa tổng hợp những thông tin cơ bản về sức khỏe của công dân, là cơ sở để tuyển chọn công dân có đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Điều 4. Phân loại sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Căn cứ phân loại sức khỏe

Theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Bảng số 1 và Bảng số 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

  1. Cách cho điểm

Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1-6 vào cột “Điểm”, cụ thể:

a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

3. Cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Mỗi chuyên khoa, sau khi khám xét, bác sỹ sẽ cho điểm vào cột “Điểm”; ở cột “Lý do” phải ghi tóm tắt lý do cho số điểm đó; ở cột “Ký”, bác sỹ khám phải ký và ghi rõ họ tên;

b) Phần kết luận, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe căn cứ vào điểm đã cho ở từng chỉ tiêu để kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng quy định, ghi bằng số và chữ (phần bằng chữ để ở trong ngoặc đơn).

c) Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe có trách nhiệm ký vào phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sau khi kết luận;

d) Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe được đóng dấu của cơ quan Chủ tịch Hội đồng; chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám phúc tra sức khỏe được đóng dấu của đơn vị quyết định thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe hoặc cơ quan Chủ tịch Hội đồng khám phúc tra sức khỏe.

4. Cách phân loại sức khỏe

Căn cứ vào số điểm chấm cho các chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân để phân loại, cụ thể như sau:

a) Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 2;

c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 3;

d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu đạt điểm 4;

đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

5. Một số điểm cần chú ý

a) Trường hợp đang mắc bệnh cấp tính, bệnh có thể thuyên giảm hay tăng lên sau một thời gian hoặc sau điều trị, thì điểm đó phải kèm theo chữ “T” bên cạnh (nghĩa là “tạm thời”). Người khám phải ghi tóm tắt bằng tiếng Việt tên bênh bên cạnh (có thể ghi bằng danh từ quốc tế giữa hai ngoặc đơn). Khi kết luận, nếu chữ “T” ở chỉ tiêu có điểm lớn nhất, phải viết chữ “T” vào phần phân loại sức khỏe;

b) Trường hợp nghi ngờ chưa thể cho điểm ngay được, Hội đồng khám sức khỏe có thể gửi công dân tới khám tại một bệnh viện để kết luận chính xác hơn;

c) Trường hợp chưa kết luận được thì gửi công dân đó đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để khám và kết luận chẩn đoán. Thời gian tối đa từ 7-10 ngày phải có kết luận và chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết;

d) Những trường hợp phiếu sức khỏe có ghi chữ “T”, Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn công dân đến cơ sở y tế để điều trị.

Điều 5. Tiêu chuẩn sức khỏe

  1. Tiêu chuẩn sức khỏe về lâm sàng, cận lâm sàng của công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân áp dụng theo quy định hiện tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
  2. Tiêu chuẩn thể lực để tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân áp dụng theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Hội đồng khám sức khỏe tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân chỉ công nhận đủ sức khỏe để tuyển chọn đối với công dân có sức khỏe Loại 1, Loại 2 (một, hai) và đáp ứng được các quy định về chỉ số đặc biệt theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Điều 6. Chỉ số đặc biệt

Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải đảm bảo các chỉ số đặc biệt sau:

  1. Không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy;
  2. Màu và dạng tóc bình thường;
  3. Không bị rối loạn sắc tố da;
  4. Không có các vết trổ (xăm) trên da, kể cả phun xăm trên da;
  5. Không bấm lỗ tai, lỗ mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức;
  6. Không mắc các bệnh mạn tính, bệnh xã hội;
  7. Sẹo lồi co kéo vị trí vùng đầu, mặt và các vùng da hở.

Điều 7. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Phiếu sức khỏe được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, in trên giấy trắng khổ 19 x 24 cm theo mẫu quy định tại Mẫu 2, Phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư này.
  2. Phiếu sức khỏe gồm 2 phần:

a) Phần I – Sơ yếu lý lịch và tiền sử bệnh tật:

– Phần Sơ yếu lý lịch do Công an cấp huyện ghi;

– Tiền sử bệnh tật: do Trạm y tế xã ghi và chịu trách nhiệm.

b) Phần II – Khám sức khỏe: Hội đồng khám sức khỏe cấp huyện ghi ở nửa bên trái và Hội đồng phúc tra sức khỏe của đơn vị nhận quân ghi ở nửa bên phải.

3. Quản lý phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Khi chưa tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân do Công an cấp huyện quản lý;

b) Khi công dân tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân, phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được giao cho đơn vị nhận quân, quản lý.

4. Phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân có giá trị khi:

a) Theo mẫu đúng quy định;

b) Viết bằng bút mực hoặc bút bi, không được viết bằng bút chì;

c) Chữ viết rõ ràng, không tẩy xóa, không viết tắt;

d) Ghi đầy đủ các nội dung quy định trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

đ) Không quá 06 (sáu) tháng kể từ ngày Hội đồng khám sức khỏe có kết luận về tình trạng sức khỏe, trừ trường hợp có diễn biến đặc biệt về sức khỏe.

Điều 8. Kinh phí thực hiện khám sức khỏe và khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Kinh phí đảm bảo cho việc khám sức khỏe, sơ tuyển sức khỏe, kiểm tra sức khỏe, giám định sức khỏe, làm các xét nghiệm cho công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được sử dụng từ ngân sách địa phương đảm bảo cho công tác quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành.
  2. Kinh phí đảm bảo cho việc khám phúc tra sức khỏe được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Công an các đơn vị, địa phương theo quy định tại Điều 3, Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng ngày 30/06/2016 quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
  3. Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí cho hoạt động kiểm tra sức khỏe, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
  4. Định mức vật tư tiêu hao và kinh phí cho hoạt động khám phúc tra sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương II

KHÁM SỨC KHỎE NGHĨA VỤ THAM GIA CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 9. Kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Tổ kiểm tra sức khỏe

a) Tổ kiểm tra sức khỏe do Trung tâm y tế cấp huyện ra quyết định thành lập. Tổ kiểm tra sức khỏe gồm ít nhất 03 thành viên: 01 bác sỹ làm tổ trưởng và 02 nhân viên y tế khác, trong đó có 01 nhân viên y tế là cán bộ y tế công an cấp huyện, trường hợp cần thiết có thể được điều động từ bệnh xá Công an cấp tỉnh và 02 nhân viên y tế thuộc trạm y tế cấp xã, khi cần thiết có thể được điều động từ Trung tâm y tế huyện.

b) Tổ kiểm tra sức khỏe có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra sức khỏe, lập phiếu kiểm tra sức khỏe và tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.

2. Nội dung kiểm tra sức khỏe

a) Kiểm tra về thể lực;

b) Đo mạch, huyết áp;

c) Khám phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa;

d) Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

3. Quy trình kiểm tra sức khỏe

a) Căn cứ vào danh sách công dân đủ điều kiện theo quy định của Công an cấp huyện được triệu tập thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

b) Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra sức khỏe;

c) Lập phiếu kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo Mẫu 1 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Tổ chức kiểm tra sức khỏe theo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này.

đ) Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả kiểm tra sức khỏe theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế cấp xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Y tế cấp huyện.
  2. Nội dung sơ tuyển sức khỏe

a) Phát hiện những trường hợp không đủ sức khoẻ về thể lực, dị tật, dị dạng;

b) Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.

3. Quy trình sơ tuyển sức khỏe

a) Căn cứ kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của Hội đồng quân sự địa phương, lập danh sách các đối tượng là công dân thuộc diện gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trên địa bàn được giao quản lý;

b) Tổ chức sơ tuyển sức khỏe theo nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này;

c) Hoàn chỉnh và xác nhận tiền sử bệnh tật bản thân và thông tin của công dân được gọi khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

d) Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả sơ tuyển theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 11. Khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Thành phần Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Thành lập Hội đồng: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huỵên quyết định thành lập theo đề nghị của Phòng Y tế cùng cấp.

b) Thành phần Hội đồng: 5-7 bác sĩ

– Chủ tịch Hội đồng: do Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảm nhiệm.

– 01 Phó Chủ tịch: Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn.

– 01 Ủy viên thường trực kiêm Thư ký Hội đồng: do cán bộ chuyên môn của Phòng Y tế đảm nhiệm.

– Các ủy viên khác, bao gồm cán bộ y tế của Công an cấp huyện. Trường hợp Công an cấp huyện chưa bố trí được cán bộ y tế, Bệnh xá trưởng Công an tỉnh, thành phố báo cáo đề xuất lãnh đạo Công an cấp tỉnh bố trí cán bộ y tế của bệnh xá tham gia Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cấp huyện.

Mỗi huyện có thể thành lập 1-2 Hội đồng.

  1. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng khám sức khỏe

a) Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định các vấn đề theo đa số;

b) Trường hợp các thành viên của Hội đồng không thống nhất về phân loại và kết luận sức khỏe thì Chủ tịch Hội đồng ghi vào phiếu sức khỏe kết luận theo ý kiến của đa số. Trường hợp biểu quyết ngang nhau thì quyết định theo bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng. Những ý kiến không thống nhất phải được ghi đầy đủ vào biên bản, có chữ ký của từng thành viên trong Hội đồng, gửi Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

3. Nhiệm vụ của Hội đồng khám sức khỏe

a) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện về việc triển khai khám sức khỏe, phân loại và kết luận sức khỏe cho từng công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

b) Tổng hợp báo cáo kết quả khám sức khỏe gửi Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện, Sở Y tế và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) theo quy định; bàn giao toàn bộ hồ sơ sức khỏe cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện (qua Phòng Y tế huyện).

4. Nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

a) Chủ tịch Hội đồng:

– Điều hành toàn bộ hoạt động của Hội đồng; chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nghĩa vụ vụ quân sự huyện về chất lượng khám sức khỏe công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

– Quán triệt, phổ biến kế hoạch khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; hướng dẫn các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, chức trách, nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Hội đồng khám sức khỏe;

– Triệu tập và chủ trì họp Hội đồng để kết luận đối với những trường hợp có ý kiến không thống nhất về kết luận sức khỏe;

– Tổ chức hội chẩn và ký giấy giới thiệu cho công dân khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đi kiểm tra ở các cơ sở y tế từ tuyến huyện và tương đương trở lên khi cần thiết;

– Trực tiếp kết luận phân loại sức khỏe và ký vào phiếu khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

– Tổ chức họp rút kinh nghiệm công tác khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và báo cáo với Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.

b) Phó Chủ tịch Hội đồng:

– Thay mặt Chủ tịch Hội đồng khi vắng mặt;

– Trực tiếp khám sức khỏe, tham gia hội chẩn khi cần thiết;

– Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

c) Ủy viên Thường trực, kiêm Thư ký Hội đồng:

– Lập dự trù, tổng hợp và quyết toán kinh phí, thuốc, vật tư tiêu hao phục vụ cho công tác khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

– Chuẩn bị phương tiện, cơ sở vật chất, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu cần thiết khác để Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân làm việc; tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

– Tham gia khám sức khỏe, hội chẩn khi cần thiết;

– Thực hiện đăng ký, thống kê và giúp Chủ tịch Hội đồng làm báo cáo lên Hội đồng quân sự huyện, Sở Y tế và Công an tỉnh theo mẫu tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

d) Các Ủy viên Hội đồng:

– Trực tiếp khám sức khỏe và tham gia hội chẩn khi cần thiết;

– Chịu trách nhiệm về chất lượng khám và kết luận sức khỏe trong phạm vi được phân công;

– Tham gia họp Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân khi được triệu tập.

  1. Nội dung khám sức khỏe

a) Khám về thể lực; khám lâm sàng các chuyên khoa theo các chỉ tiêu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; trong quá trình khám, trường hợp công dân được khám có một trong các chuyên khoa xếp điểm 3 trở lên thì người khám chuyên khoa đó có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe xem xét, quyết định việc có tiếp tục khám các chuyên khoa khác;

b) Khám cận lâm sàng:

– Xét nghiệm máu:

+ Công thức máu: Số lượng Hồng cầu, Bạch cầu, Tiểu cầu

+ Đường máu; HIV; HBsAg; Nhóm máu A, B, O; An ti HCV.

– Xét nghiệm nước tiểu:

+ Đường niệu; Protein niệu

+ Ma túy và tiền chất

– Chụp X-quang ngực thẳng.

Trường hợp cần chỉ định cận lâm sàng khác phục vụ cho kết luận sức khỏe theo yêu cầu của Hội đồng khám sức khỏe.

c) Phân loại sức khỏe theo các quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

d) Các tiêu chuẩn khác được quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

Điều 12. Khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Đối tượng phúc tra: Toàn bộ công dân được Hội đồng nghĩa vụ quân sự huyện kết luận đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  2. Hội đồng phúc tra sức khỏe

a) Hội đồng phúc tra:

Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thành lập Hội đồng trên cơ sở đề nghị của cơ quan Tổ chức cán bộ sau khi đã thống nhất ý kiến với cơ quan Hậu cần-Kỹ thuật và cơ quan y tế. Mỗi đơn vị, địa phương tổ chức 01 Hội đồng phúc tra sức khỏe, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

b) Thành phần Hội đồng:

Hội đồng có từ 3-5 bác sĩ. Hội đồng có tối thiểu 01 bác sĩ nội khoa và 01 bác sĩ ngoại khoa.

+ Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc bệnh viện, Trưởng Phòng Y tế hoặc Trưởng Ban Y tế.

+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Giám đốc bệnh viện, Phó Trưởng Phòng Y tế hoặc Phó Trưởng Ban Y tế .

+ Các thành viên.

  1. Nội dung khám phúc tra sức khỏe

Toàn bộ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này. Riêng đối với các kết quả cận lâm sàng đã được thực hiện tại Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cấp huyện, chỉ tiến hành phúc tra những nội dung cận lâm sàng không có trong hồ sơ khám sức khỏe.

  1. Tổ chức các phòng khám phúc tra sức khỏe

a) Bố trí các phòng khám phải theo nguyên tắc một chiều, khép kín thuận lợi cho người khám và bảo đảm đủ điều kiện tối thiểu để khám đối với từng chuyên khoa.

b) Số lượng các phòng khám căn cứ vào số lượng nhân viên y tế của Hội đồng khám phúc tra sức khỏe và tình hình thực tế để bố trí, gồm có:

– Phòng khám thể lực, vận động, Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt.

– Phòng khám nội tiết, tiết niệu-sinh dục, da liễu, ung bướu.

– Phòng khám tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tâm thần-thần kinh.

– Phòng xét nghiệm đủ điều kiện để xét nghiệm theo các nội dung khám sức khỏe tại Điểm b, Khoản 5, Điều 11 Thông tư này.

– Phòng chụp X-quang (nếu có).

– Phòng khám phụ khoa (nếu có).

– Phòng kết luận.

Điều 13. Yêu cầu đối với công dân khi kiểm tra, sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân

  1. Phải xuất trình

a) Lệnh gọi khám sức khỏe của Trưởng Công an cấp huyện.

b) Giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực.

2. Không uống rượu, bia hoặc dùng các chất kích thích.

3. Chấp hành nội quy của khu vực khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe.

Chương III

NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN CÔNG AN CÁC CẤP TRONG KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 14. Tổng cục, Bộ Tư lệnh, các đơn vị trực thuộc Bộ

  1. Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Tổng cục, Bộ Tư lệnh khác theo dõi, hướng dẫn quá trình khám sức khỏe, dự toán kinh phí và tổ chức khám phúc tra sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hàng năm, báo cáo đề xuất Lãnh đạo Bộ phương hướng giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc cho phù hợp theo quy định.
  2. Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ trên cơ sở Bộ giao chỉ tiêu về số công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm, chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tiến hành dự toán kinh phí và tổ chức khám phúc tra sức khỏe đối với chiến sỹ mới tham gia thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định.
  3. Cục Tài chính đề xuất đảm bảo kinh phí phúc tra sức khỏe chiến sĩ mới cho Công an các đơn vị, địa phương và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

Điều 15. Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố

  1. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra đôn đốc việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân của các địa phương theo kế hoạch của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh.
  2. Dự toán kinh phí và tổ chức khám phúc tra sức khỏe theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
  3. Tổ chức hiệp đồng với từng đơn vị nhận quân về tiêu chuẩn sức khỏe, số lượng, thời gian, địa điểm và phương thức giao nhận quân.
  4. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết những vướng mắc, khiếu nại liên quan đến công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  5. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định.

Điều 16. Công an cấp huyện

  1. Phối hợp với Phòng Y tế cấp huyện và Trung tâm Y tế huyện hoặc Bệnh viện huyện tham gia thành lập Hội đồng khám sức khỏe, lập kế hoạch khám sức khỏe cho công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  2. Triệu tập các công dân thuộc diện được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện.
  3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tham gia công tác tổ chức khám sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo kế hoạch; theo dõi số lượng, chất lượng sức khỏe của công dân các địa phương đến khám.
  4. Quản lý phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện bàn giao.
  5. Chủ trì, phối hợp với Phòng Y tế huyện tổ chức bàn giao hồ sơ sức khỏe công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho các đơn vị nhận quân theo kế hoạch.
  6. Phối hợp với Phòng Y tế và các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan của huyện giải quyết các khiếu nại liên quan đến khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  7. Tổng hợp, báo cáo tình hình giao nhận chiến sỹ mới về Công an cấp tỉnh sau mỗi đợt tuyển chọn và gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân ban hành kèm theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 17. Công an cấp xã

  1. Chủ trì, phối hợp với Trạm y tế xã tổ chức sơ tuyển sức khỏe; lập danh sách những công dân đủ sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, thông qua Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp xã, báo cáo lên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp huyện. Hoàn chỉnh phần thủ tục hành chính phiếu sức khỏe nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  2. Kiểm tra, đôn đốc công dân thuộc diện được gọi làm nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đi khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự cấp huyện.
  3. Thông báo kết quả khám sức khỏe theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện. Thu thập những ý kiến thắc mắc liên quan đến việc khám sức khỏe và kết luận sức khỏe nghĩa vụ quân sự của công dân (nếu có), báo cáo lên Công an cấp huyện và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện nghiên cứu, giải quyết.

Chương IV

NHIỆM VỤ CỦA Y TẾ CÔNG AN CÁC CẤP TRONG KHÁM SỨC KHỎE THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THAM GIA CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 18. Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật

  1. Phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an tham mưu cho Bộ Công an về việc quy định tiêu chuẩn sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân cho từng khu vực, đơn vị và chỉ đạo, hướng dẫn y tế các đơn vị triển khai thực hiện.
  2. Chỉ đạo y tế các đơn vị nhận quân nắm chắc hồ sơ sức khỏe công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và tổ chức khám phúc tra sức khỏe chiến sỹ mới theo quy định.
  3. Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân và giao, nhận chiến sỹ mới ở các địa bàn trọng điểm.
  4. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân theo quy định.

Điều 19. Y tế Công an cấp tỉnh

  1. Tham mưu cho Công an cấp tỉnh về công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  2. Tham mưu cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo, tổ chức, phối hợp giữa các cơ quan y tế, Công an và y tế đơn vị nhận quân thực hiện công tác khám sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  3. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết những vướng mắc, khiếu nại về công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  4. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân về Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật theo quy định của Bộ Công an.

Điều 20. Y tế Công an cấp huyện

  1. Chủ động nắm kế hoạch khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân hằng năm của địa phương mình, phối hợp với Phòng Y tế huyện theo dõi công tác khám sức khỏe, kiểm tra sức khỏe công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân. Tham gia Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện.
  2. Phối hợp với quân y Ban Chỉ huy quân sự huyện nắm kết quả khám sức khỏe cho công dân được gọi làm nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trên địa bàn huyện; phối hợp với quân y các đơn vị nhận quân kiểm tra hồ sơ sức khỏe công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
  3. Báo cáo kết quả công tác khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân sau mỗi đợt gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2018.
  2. Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BCA-BYT ngày 03/11/2009 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe để tuyển chọn công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.

Điều 22. Trách nhiệm thi hành

Các đồng chí Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật) để có hướng dẫn kịp thời./.

Nơi nhận:

– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chính phủ;

– Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;

– Các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công an;

– Công an các đơn vị, địa phương;

– Cổng TTĐT Chính phủ (để công báo);

– Cổng TTĐT Bộ Công an;

– Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;

– Lưu: VT, V19, H41(H50).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

Thượng tướng Tô Lâm

Phụ lục: Xem văn bản gốc./.

DOWNLOAD VĂN BẢN DƯỚI ĐÂY

[sociallocker id=7424]

Du_thao_TT_kham_suc_khoe_tham_gia_CAND_TT_BCA_2018_VNRAS

[/sociallocker]

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!