Dự thảo tháng 9 thông tư thử tương đương sinh học

1457
Dự thảo tháng 9 thông tư thử tương đương học
Dự thảo tháng 9 thông tư thử tương đương học
5/5 - (2 bình chọn)

DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY ĐỊNH THỬ TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC

 

Căn cứ Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định về thử tương đương sinh học của thuốc tại Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về hướng dẫn thử tương đương sinh học của thuốc và hồ sơ, quy trình thử tương đương sinh học của thuốc tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc (viết tắt là Cơ sở thử tương đương sinh học) là tổ chức có đủ điều kiện, đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai các nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc trên đối tượng nghiên cứu là con người tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc chung trong thử tương đương sinh học của thuốc

  1. Nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc phải được thực hiện trong điều kiện tuân thủ theo các nguyên tắc Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng (GCP) và Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc (GLP) và chỉ được triển khai khi đề cương nghiên cứu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
  2. Cơ sở nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc phải đạt đủ điều kiện về Thực hành tốt thử thuốc trên lâm sàng, Thực hành tốt phòng kiểm nghiệm thuốc và được cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai nghiên cứu y sinh học trên đối tượng con người.
  3. Thuốc nghiên cứu phải được sản xuất, quản lý, lưu giữ phù hợp với hướng dẫn Thực hành tốt sản xuất (GMP), Thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP) và chỉ được sử dụng cho nghiên cứu được phê duyệt.
  4. Cơ sở nghiên cứu có trách nhiệm quản lý các nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của thuốc do mình triển khai.

Chương II

ĐÁNH GIÁ VIỆC ĐÁP ỨNG

ĐỦ ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ THỬ TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC CỦA THUỐC

Điều 4. Hồ sơ tài liệu làm căn cứ để đánh giá đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc

1. Hồ sơ tài liệu làm căn cứ để đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc bao gồm:
a) Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Điều 38 của Luật dược và quy định tại Điều 32 của nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2017/NĐ-CP);
b) Tài liệu kỹ thuật về cơ sở được trình bày theo hướng dẫn về hồ sơ tổng thể quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này hoặc hồ sơ tổng thể được cập nhật trong trường hợp bổ sung phạm vi hoạt động.
Điều 5. Trình tự đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này đến Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
2. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có văn bản thông báo, hướng dẫn cụ thể cho cơ sở bổ sung cho đến khi hồ sơ hợp lệ.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo thành lập Đoàn kiểm tra, thông báo cho cơ sở về Đoàn kiểm tra và dự kiến thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản thông báo, Đoàn kiểm tra tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở.
Điều 6. Quy trình đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Quy trình đánh giá
a) Bước 1. Đoàn kiểm tra công bố Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, mục đích đánh giá, nội dung đánh giá và kế hoạch đánh giá dự kiến tại cơ sở.
b) Bước 2. Cơ sở được kiểm tra báo cáo tóm tắt về tổ chức, nhân sự và hoạt động triển khai, áp dụng các nguyên tắc GCP, GLP hoặc các nội dung cụ thể theo nội dung của đợt kiểm tra.
c) Bước 3. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế việc triển khai áp dụng các nguyên tắc GCP, GLP tại cơ sở.
d) Bước 4. Đoàn kiểm tra họp với cơ sở để thông báo các tồn tại phát hiện trong quá trình kiểm tra; đánh giá mức độ của từng tồn tại; thảo luận với cơ sở trong trường hợp cơ sở không thống nhất với các tồn tại theo đánh giá của Đoàn kiểm tra; đánh giá về mức độ đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP, GLP của cơ sở;
đ) Bước 5. Lập và ký biên bản đánh giá
Biên bản đánh giá được Lãnh đạo cơ sở cùng Trưởng đoàn kiểm tra ký xác nhận; biên bản đánh giá phải thể hiện thành phần Đoàn kiểm tra, địa điểm, thời gian, phạm vi đánh giá, các vấn đề chưa thống nhất giữa Đoàn kiểm tra và cơ sở; biên bản được làm thành 02 bản: 01 bản lưu tại cơ sở, 01 bản lưu tại Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo.
e) Bước 5. Hoàn thiện Báo cáo đánh giá:
Đoàn kiểm tra có trách nhiệm lập Báo cáo đánh giá theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này, liệt kê và phân tích, phân loại mức độ tồn tại mà cơ sở cần khắc phục, sửa chữa, đối chiếu điều khoản tương ứng của quy định pháp luật, phân loại về mức độ đáp ứng của cơ sở và gửi cho cơ sở được đánh giá.
Điều 7. Xử lý kết quả đánh giá việc đáp ứng đủ điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Trường hợp cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự bao gồm: địa điểm, phòng thí nghiệm phân tích dịch sinh học, trang thiết bị thí nghiệm dùng trong phân tích dịch sinh học, khu vực lưu trú và theo dõi người sử dụng thuốc phục vụ cho việc đánh giá tương đương sinh học, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày ký Báo cáo đánh giá.
2. Trường hợp cơ sở phải thực hiện hành động khắc phục: Cơ sở phải thực hiện các hành động khắc phục và có báo cáo bằng văn bản về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo kèm theo các bằng chứng chứng minh. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục những tồn tại đã được nêu trong báo cáo kiểm tra, Đoàn kiểm tra đánh giá báo cáo khắc phục, tiến hành thông báo việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở nếu cần thiết. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đánh giá báo cáo khắc phục đạt yêu cầu, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc cho cơ sở.
3. Trường hợp cơ sở không đáp ứng đủ điệu kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc: cơ sở tiến hành nộp hồ sơ đề nghị lại từ đầu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Điều 8. Đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Thời gian định kỳ đánh giá việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc là 03 năm kể từ ngày kết thúc lần kiểm tra đánh giá gần nhất (không bao gồm các đợt đánh giá đột xuất, đánh giá giám sát của cơ quan có thẩm quyền).
2. Tháng 10 hằng năm, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo công bố trên Trang thông tin điện tử của mình kế hoạch đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc trong năm kế tiếp.
3. Căn cứ vào kế hoạch đánh giá định kỳ do Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo công bố, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo quy định tại khoản 4 Điều này về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trong thời gian tối thiểu 30 ngày trước thời điểm đánh giá theo kế hoạch đã được công bố.
4. Trường hợp cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản yêu cầu cơ sở giải trình về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ.
5. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo có văn bản yêu cầu cơ sở giải trình về việc chưa nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ, nếu cơ sở không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ theo quy định thì Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trình Bộ trưởng Bộ Y tế thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện dịch vụ kinh doanh dược theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Luật Dược hoặc có văn bản yêu cầu dừng hoạt động.
6. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc theo quy định, cơ sở tiếp tục được phép hoạt động theo phạm vi quy định tại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đang còn hiệu lực.
7. Hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc:
a) Đơn đề nghị đánh giá định kỳ theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Tài liệu kỹ thuật cập nhật về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở (nếu có thay đổi).
c) Báo cáo tóm tắt hoạt động của cơ sở trong thời gian 03 năm gần đây.
8. Trình tự, quy trình đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc được thực hiện theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư này.
Điều 9. Xử lý kết quả đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Trường hợp cơ sở đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự bao gồm: địa điểm, phòng thí nghiệm phân tích dịch sinh học, trang thiết bị thí nghiệm dùng trong phân tích dịch sinh học, khu vực lưu trú và theo dõi người sử dụng thuốc phục vụ cho việc đánh giá tương đương sinh học, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày ký Báo cáo đánh giá.
2. Trường hợp cơ sở phải thực hiện hành động khắc phục: Cơ sở phải thực hiện các hành động khắc phục và có báo cáo bằng văn bản về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo kèm theo các bằng chứng chứng minh. Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục những tồn tại đã được nêu trong báo cáo kiểm tra, Đoàn kiểm tra đánh giá báo cáo khắc phục, tiến hành thông báo việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở nếu cần thiết. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày đánh giá báo cáo khắc phục đạt yêu cầu, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc cho cơ sở.
3. Trường hợp cơ sở không đáp ứng đủ điệu kiện kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc: cơ sở tiến hành nộp hồ sơ đề nghị lại từ đầu theo quy định tại Điều 4 của Thông tư này.
Điều 10. Kiểm soát thay đổi
1. Trong khoảng thời gian giữa các đợt đánh giá định kỳ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 36 Luật dược hoặc báo cáo thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 36 Luật dược;
2. Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học có thay đổi theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, cơ sở phải gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 38 Luật dược.
Trình tự đánh giá việc đáp ứng GSP, phân loại kết quả và xử ký kết quả đánh giá việc đáp ứng GSP thực hiện theo quy định tại các Điều 6, 7 và 8 Thông tư này.
3. Trường hợp cơ sở bảo quản có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điểm b và/hoặc Điểm c Khoản 1 Điều này, cơ sở bảo quản phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đỏi về Cơ quan tiếp nhận.
a) Cơ quan tiếp nhận thực hiện đánh giá thực tế tại cơ sở bảo quản. Trường hợp cơ sở bảo quản đáp ứng yêu cầu, Cơ quan tiếp nhận có văn bản đồng ý với thay đổi của cơ sở bảo quản.
b) Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở bảo quản có thay đổi theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 6, 7 và 10 Thông tư này.
c. Trình tự đánh giá, phân loại kết quả và xử lý kết quả đánh giá đối với cơ sở bảo quản có thay đổi theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại các điều 6, 7 và 10 Thông tư này.
4. Trường hợp cơ sở bảo quản có thay đổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này, cơ sở bảo quản phải nộp báo cáo thay đổi kèm tài liệu kỹ thuật tương ứng với sự thay đổi về Cơ quan tiếp nhận. Cơ quan tiếp nhận thực hiện đánh giá báo cáo thay đổi của cơ sở bảo quản.
a) Trường hợp việc thay đổi đáp ứng yêu cầu: trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo việc đồng ý với nội dung thay đổi;
b) Trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu: trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản thông báo, Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản thông báo về các nội dung cần khắc phục, sửa chữa;
c) Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày Cơ quan tiếp nhận có văn bản thông báo, cơ sở bảo quản phải hoàn thiện việc khắc phục, sửa chữa và có văn bản thông báo kèm theo các bằng chứng (hồ sơ tài liệu, hình ảnh, video, giấy chứng nhận) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa các tồn tại được nêu trong văn bản thông báo;
d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo khắc phục kèm theo các bằng chứng chứng minh, Cơ quan tiếp nhận đánh giá báo cáo kết quả hành động khắc phục của cơ sở bảo quản và kết luận về tình trạng đáp ứng GSP của cơ sở bảo quản:
– Trường hợp việc khắc phục đã đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận hfo sơ ban hành văn bản thông báo về việc đồng ý với nội dung thay đổi;
– Trường hợp việc khắc phục chưa đáp ứng yêu cầu: Cơ quan tiếp nhận thực hiện đánh giá giám sát/đánh giá đột xuất, xử lý kết quả đánh giá theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.
Điều 11. Đánh giá giám sát, đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Hằng năm, trên cơ sở đánh giá nguy cơ ảnh hưởng của thuốc đối với sức khỏe của người sử dụng và mức độ đáp ứng GCP và GLP của Cơ sở thử tương đương sinh học, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo xây dựng kế hoạch và thực hiện đánh giá giám sát việc duy trì đáp ứng GCP và GLP, tuân thủ quy trình thử tương đương sinh học tại cơ sở thử tương đương sinh học.
2. Cơ sở thử tương đương sinh học phải được đánh giá giám sát việc duy trì đáp ứng GCP và GCP ít nhất 01 lần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt đánh giá kỳ trước.
3. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đánh giá đột xuất việc duy trì đáp ứng GCP và GLP tại cơ sở thử tương đương sinh học trong trường hợp có thông tin phản ánh, kiến nghị hoặc kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng kết luận có vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP hoặc GCP.
4. Trình tự đánh giá và việc xử lý kết quả đánh giá tại cơ sở bảo quản thực hiện theo quy định tại điều 5,6 và 7 Thông tư này.
Thành phần Đoàn kiểm tra do Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo quyết định theo phạm vi và mục đích tiến hành đánh giá.
5. Xử lý kết quả đánh giá đột xuất, đánh giá giám sát:
Căn cứ vào tồn tại phát triển trong quá trình đánh giá giám sát, đánh giá đột xuất, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo ra quyết định mở rộng phạm vi đánh giá hoặc có văn bản thông báo về không đáp ứng GCP hoặc GCP, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động bảo quản của cơ sở thử tương đương sinh học: trình hoặc kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế thu hẹp phạm vi hoạt động trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc thu thồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đã cấp cho cơ sở kinh doanh dược theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật dược.
Điều 12. Đoàn kiểm tra việc duy trì đáp ứng các điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc
1. Thành phần và tiêu chuẩn thành viên Đoàn kiểm tra
a) Bộ trưởng Bộ Y tế thành lập Đoàn kiểm tra bao gồm các thành phần sau đây:
– Đại diện Lãnh đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm Trưởng đoàn;
– Đại diện chuyên viên Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, trong đó có 01 chuyên viên làm Thư ký Đoàn kiểm tra;
– Đại diện Vụ Pháp chế làm Phó trưởng đoàn;
– Đại diện Ban Đánh giá vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học;
– Đại diện Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của thuốc đặt trụ sở chính;
– Các thành phần khác có liên quan: Đại diện Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh.
b) Cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
– Có trình độ đại học trở lên, chuyên ngành y, dược, hóa học, sinh học hoặc Luật;
– Có chứng chỉ đào tạo, tập huấn về GCP hoặc GLP;
– Trung thực, khách quan và nghiêm chỉnh chấp hành các quy chế, quy định pháp luật trong quá trình kiểm tra, không có xung đột lợi ích với cơ sở được đánh giá theo quy định tại điểm c Khoản này;
– Trưởng đoàn kiểm tra phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành y, dược và có kinh nghiệm trong công tác quản lý y dược 05 năm trở lên.
c) Nguyên tắc đánh giá xung đột lợi ích: thành viên Đoàn kiểm tra được coi là có xung đột lợi ích với cơ sở thử tương đương sinh học nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đã từng làm việc trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở được đánh giá;
– Đã tham gia hoạt động tư vấn trong vòng 05 năm gần đây cho cơ sở được đánh giá;
– Đang có quyền lợi về tài chính với cơ sở được đánh giá;
– Có vợ/chồng, con, bố/mẹ, anh/chị/em ruột đang làm việc cho cơ sở được đánh giá.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của Đoàn kiểm tra
a) Trách nhiệm của Đoàn kiểm tra:
– Đánh giá toàn bộ các hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học theo các nguyên tắc tiêu chuẩn GCP và GLP tương ứng tại Điều 3 Thông tư này, các phiên bản cập nhật nguyên tắc, tiêu chuẩn GCP và GCP và quy định chuyên môn hiện hành có liên quan; ghi nhận cụ thể các nội dung đánh giá, tồn tại phát hiện được, lập biên bản đánh giá và Báo cáo đánh giá GCP và GLP;
– Báo cáo kết quả đánh giá hoặc giải trình về báo cáo kết quả đánh giá GCP và GCP trong trường hợp cơ sở có ý kiến không thống nhất với nội dung Báo cáo đánh giá GSP;
– Bảo mật toàn bộ thông tin liên quan về đợt đánh giá và toàn bộ thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ thử tương đương sinh học của cơ sở; trừ trường hợp có sự đồng ý của cơ sở hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra.
b) Quyền hạn của Đoàn kiểm tra:
– Kiểm tra toàn bộ các khu vực thuộc cơ sở và có quyền đề nghị kiểm tra các khu vực khác có liên quan đến hoạt động thử tương đương sinh học của cơ sở;
– Yêu cầu cung cấp các hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, quản lý chất lượng và thử tương đương sinh học của cơ sở;
– Thực hiện việc thu thập các hồ sơ tài liệu bằng chứng (sao chụp tài liệu, chụp ảnh, quay video) về các tồn tại phát hiện trong quá trình đánh giá;
– Lập biên bản và yêu cầu cơ sở tạm dừng hoạt động thử tương đương sinh học nếu trong quá trình dánh giá, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở có vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, an toàn của người tham gia thử thuốc và báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định xử lý chính thức.

Chương III
HƯỚNG DẪN THỬ TƯƠNG ĐƯƠNG SINH HỌC CỦA THUỐC
Điều 13. Quy định chung về thử tương đương sinh học
Việc triển khai nghiên cứu thử tương đương sinh học của thuốc phải tuân thủ Hướng dẫn tiến hành nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học của Asean ASEAN Guideline for the conduct of bioequivalence studies) phiên bản hiện hành.
Điều 14. Thiết kế, tiến hành và đánh giá các nghiên cứu tương đương sinh học
Thiết kế nghiên cứu phụ thuộc vào đặc tính hóa lý của hoạt chất, đặc tính dược động học và tỷ lệ tương ứng các thành phần trong thuốc và phải được lý giải hợp lý, lưu ý tới việc đánh giá ở trạng thái ăn no và lúc đói.
Thiết kế chuẩn được khuyến cáo khi so sánh hai thuốc là thiết kế ngẫu nhiên, bắt chéo, hai giai đoạn, liều đơn trong đó giai đoạn sạch thuốc giữa hai giai đoạn điều trị cần kéo dài ít nhất 5 chu kỳ bán thải của thuốc để đảm bảo nồng độ thuốc thấp hơn giới hạn phân tích sinh học ở tất cả các đối tượng vào đầu giai đoạn thứ hai.
Trong những trường hợp nhất định, việc thiết kế nghiên cứu không nhất thiết phải được thực hiện theo thiết kế chuẩn nhưng phải có các lý giải hợp lý.
Điều 15. Cỡ mẫu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu
Số lượng đối tượng đưa vào nghiên cứu phải dựa trên cơ sở tính toán cỡ mẫu thích hợp. Cỡ mẫu khuyến cáo trong các nghiên cứu theo thiết kế chuẩn là từ 12 đến 36 bệnh nhân.
Để giảm thiểu biến thiên giữa các đối tượng nghiên cứu, các nghiên cứu tương đương sinh học cần được thực hiện trên người tình nguyện khỏe mạnh trừ khi có những mối quan ngại về an toàn khiến cho việc thực hiện trên người tình nguyện khỏe mạnh là không đảm bảo vấn đề đạo đức.
Điều 16. Nguyên tắc lựa chọn thuốc đối chứng
Thuốc đối chứng phải được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc với đầy đủ các số liệu đã được thiết lập về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đã được cấp phép và đang được lưu hành tại Việt Nam, có trong Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành.
2. Thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc với đầy đủ các số liệu đã được thiết lập về chất lượng, an toàn và hiệu quả, đã được cấp phép và đang được lưu hành tại một trong các nước thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc, Thụy Sỹ, Na Uy.
3. Khi không thể xác định được thuốc biệt dược gốc theo các tiêu chí nêu tại khoản 1và khoản 2 của Điều này, tiêu chuẩn lựa chọn thuốc đối chứng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Thuốc đã được cấp phép và đang được lưu hành tại một trong các nước thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc, Thụy Sỹ. Trong số các thuốc đáp ứng điều kiện này, ưu tiên lựa chọn thuốc đã được cấp phép và đang được lưu hành tại Việt Nam, tiếp theo là thuốc đã được cơ quan quản lý dược một trong các nước thuộc ICH và các nước liên kết gồm Canada, Úc, Thụy Sỹ, Na Uy công nhận là thuốc đối chứng nếu có.
b) Thuốc đã được tiền thẩm định bởi Tổ chức Y tế Thế giới.
Đối với cả hai trường hợp a và b trên, thuốc phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn trong phiên bản mới nhất của một trong các Dược điển tham chiếu gồm Dược điển Việt Nam, Dược điển Anh, Dược điển Mỹ, Dược điển Nhật, Dược điển Quốc tế- nếu có tồn tại các tiêu chuẩn này.
Trong trường hợp không tìm được thuốc đối chứng phù hợp trong Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành, cơ sở đăng ký thuốc hoặc nhà sản xuất cần có đơn gửi Cục Quản lý Dược đề nghị xác định thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học. Thuốc được lựa chọn làm thuốc đối chứng theo quy trình này sẽ được công bố trên website của Cục Quản lý Dược để các công ty có nhu cầu lựa chọn thuốc đối chứng tương tự biết và tự động áp dụng.
Điều 17. Quy định đối với thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu.
1. Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các thuốc generic đơn thành phần ở dạng bào chế giải phóng ngay có chứa dược chất thuộc Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc được quy định kèm theo trong Danh mục.
Nếu nghiên cứu đã thực hiện sử dụng thuốc đối chứng là thuốc biệt dược gốc nhưng không phải thuốc biệt dược gốc đã được lựa chọn làm thuốc đối chứng quy định kèm theo trong Danh mục do được sản xuất tại các nhà máy khác của chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc hoặc tại các nhà sản xuất khác theo hợp đồng với chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc, yêu cầu bổ sung báo cáo thử tương đương độ hòa tan giữa thuốc đối chứng đã sử dụng trong nghiên cứu và thuốc đối chứng quy định trong Danh mục nhằm chứng minh biểu đồ hòa tan giữa 02 thuốc này là tương đồng với nhau.
2. Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các thuốc còn lại không thuộc quy định tại khoản 1 của điều này phải được lựa chọn phù hợp với các nguyên tắc lực chọn thuốc đối chứng quy định tại Điều 7, với các lưu ý sau:
a) Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các thuốc ở dạng bào chế giải phóng biến đổi phải là thuốc có cùng tốc độ phóng thích dược chất với thuốc thử.
b) Thuốc đối chứng dùng trong nghiên cứu tương đương sinh học của các thuốc phối hợp cố định liều (bao gồm cả thuốc có một/ một vài thành phần dược chất thuộc Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc) phải là thuốc có phối hợp cố định liều tương tự. Chỉ sử dụng các thuốc đối chứng đơn thành phần tương ứng khi không lựa chọn được thuốc đối chứng có phối hợp cố định liều tương tự với thuốc thử và phối hợp cố định liều của thuốc đang xem xét là để thay thế cho việc phải sử dụng cùng lúc các thuốc đơn thành phần với chế độ liều tương tự công thức phối hợp cố định liều đang xem xét. Trong trường hợp này, các thuốc đối chứng đơn thành phần sẽ là thuốc đối chứng quy định kèm theo trong Danh mục các dược chất yêu cầu báo cáo nghiên cứu tương đương sinh học khi đăng ký thuốc (nếu dược chất đang xem xét thuộc Danh mục các dược chất này) hoặc là thuốc được lựa chọn phù hợp với các nguyên tắc lựa chọn thuốc đối chứng.
c) Nếu thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu là thuốc biệt dược gốc nhưng không phải là thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký tại Việt Nam do Bộ Y tế ban hành do được sản xuất tại các nhà máy khác của chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc hoặc tại các nhà sản xuất khác theo hợp đồng với chủ sở hữu thuốc biệt dược gốc, yêu cầu bổ sung báo cáo thử tương đương độ hòa tan giữa thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu và thuốc đối chứng tương ứng thuộc Danh mục các thuốc đối chứng đã được cấp số đăng ký tại Việt Nam nhằm chứng minh biểu đồ hòa tan giữa 02 thuốc này là tương đồng với nhau.
3. Các thuốc đối chứng đã dùng trong nghiên cứu phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ thuốc đối chứng cần nộp kèm theo báo cáo nghiên cứu gồm:
– Bản sao nhãn thuốc thể hiện đầy đủ, rõ ràng các thông tin: tên thuốc, tên và địa chỉ nhà sản xuất thuốc, số lô sản xuất, hạn dùng.
– Bản cam kết có chữ ký của giám đốc cơ sở đăng ký/ nhà sản xuất về tính xác thực của các tài liệu đã cung cấp trên, cam kết thuốc đối chứng đã được mua từ đúng thị trường nước nơi thuốc được cấp phép lưu hành, được bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản thuốc ghi trên nhãn từ thời điểm mua đến thời điểm bắt đầu thực hiện nghiên cứu.

Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày … tháng … năm 2017.
Điều 19. Điều khoản chuyển tiếp
Các tổ chức đã thực hiện hoạt động nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học trước ngày Thông tư này có hiệu lực, phải hoàn thành các thủ tục để đăng ký theo qui định của Thông tư này trước ngày 19 tháng 5 năm 2015.
Điều 20. Điều khoản tham chiếu
Trường hợp các văn bản được viện dẫn trong Thông tư này được thay thế, sửa đổi, bổ sung thì áp dụng theo văn bản thay thế hoặc văn bản sửa đổi, bổ sung.
Điều 21. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Y tế giao Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư cho các đối tượng biết và thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế để xem xét giải quyết./.

Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (để b/cáo);
– Các Phó Thủ tướng (để b/cáo);
– Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
– Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, VPB;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ;
– Công báo, Cổng TTĐT Bộ Y tế;
– Lưu: VT, PC, K2ĐT (5b). BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Thị Kim Tiến

Dự thảo tháng 9 thông tư thử tương đương học

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!