Dự thảo thông tư Hướng dẫn thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn

1288
Kiểm soát nhiễm khuẩn
5/5 - (1 bình chọn)

Dự thảo Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn 

BỘ Y TẾ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Số:        /2018/TT-BYT Hà Nội, ngày      tháng        năm 2018

Dự thảo 6

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ban hành ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định 101/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

  1. Thông tư này hướng dẫn cơ cấu tổ chức, nhân lực và chức năng nhiệm vụ; hoạt động chuyên môn và tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  2. Thông tư này áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, các trường đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. Nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian người bệnh điều trị, chăm sóc tại bệnh viện mà không hiện diện hoặc ủ bệnh khi nhập viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuất hiện sau 2 ngày kể từ khi người bệnh nhập viện.
  2. Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện là quá trình thu thập, phân tích có hệ thống và liên tục dữ liệu nhiễm khuẩn bệnh viện. Giám sát kết hợp với thông báo kịp thời các kết quả giám sát tới những người cần biết là một biện pháp quan trọng trong thực hành phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn.
  3. Kiểm soát nhiễm khuẩn là quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, quy định, quy trình để phòng ngừa và kiểm soát lan truyền nhiễm trùng đối với người bệnh và nhân viên y tế.

Chương II

TỔ CHỨC, NHÂN LỰC VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN

Điều 3. Hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

  1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có từ 100 giường bệnh trở lên phải thiết lập Hệ thống Kiểm soát nhiễm khuẩn gồm:

a) Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn.

b) Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

c) Mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo yêu cầu chuyên môn và quy mô hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có thể thành lập Trung tâm kiểm soát nhiễm khuẩn.

  1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải thành lập Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn và có nhân viên chuyên trách kiểm soát nhiễm khuẩn.

Điều 4. Tổ chức, nhân lực và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Tổ chức và nhân lực:

a) Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn do Giám đốc (Thủ trưởng) cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Giám đốc) ban hành quyết định thành lập. Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên.

b) Chủ tịch Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn là Giám đốc.

c) Phó Chủ tịch Hội đồng thường trực là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn.

d) Ủy viên thường trực Hội đồng là Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

đ) Ủy viên của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn là Lãnh đạo các khoa lâm sàng, cận lâm sàng và các phòng chức năng, trong đó tối thiểu phải có sự tham gia của Lãnh đạo các Phòng chức năng, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Vi sinh/Xét nghiệm và một số khoa lâm sàng có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện cao.

e) Thành viên của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn phải có chứng chỉ và thường xuyên được cập nhật kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn:

Tham mưu cho giám đốc về:

a) Mục tiêu, kế hoạch, tiêu chí chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống bệnh dịch.

b) Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn, quy trình kỹ thuật chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

c) Sửa chữa, thiết kế, xây dựng mới các công trình y tế trong đơn vị phù hợp với nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn.

d) Hỗ trợ giám sát và đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn.

đ) Họp định kỳ hoặc đột xuất để xem xét, đánh giá và định hướng việc thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Điều 5. Tổ chức, nhân lực và chức năng, nhiệm vụ của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Tổ chức:

a) Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn tùy theo quy mô bệnh viện có các bộ phận do Giám đốc quyết định, trong đó tối thiểu phải có bộ phận giám sát.

b) Lãnh đạo khoa có: Trưởng khoa, Phó trưởng khoa và Điều dưỡng trưởng khoa. Lãnh đạo khoa là bác sỹ, điều dưỡng, dược sỹ có trình độ đại học trở lên và có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa về kiểm soát nhiễm khuẩn.

2. Chức năng, nhiệm vụ của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn:

Là đơn vị đầu mối triển khai thực hiện và tham mưu cho Giám đốc, Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

a) Xây dựng mục tiêu, kế hoạch và nội dung hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm kinh phí cần thiết trình Giám đốc phê duyệt.

b) Xây dựng vị trí việc làm, mô tả công việc của nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

c) Xây dựng, cập nhật và tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, hướng dẫn, quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, bao gồm các quy định về kiểm tra, kiểm soát chất lượng trình Giám đốc phê duyệt và tổ chức thực hiện.

d) Tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá, báo cáo, phối hợp việc triển khai các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn và các đề án cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn

đ) Thực hiện thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu các hoạt động giám sát, bao gồm:

– Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện;

– Giám sát phát hiện, điều tra dịch trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Giám sát tuân thủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn;

– Giám sát môi trường trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Phối hợp giám sát vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh;

– Phối hợp giám sát, tư vấn sử dụng kháng sinh hợp lý.

e) Quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động khử khuẩn, tiệt khuẩn, giặt là, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải hoặc quản lý, giám sát chất lượng các hoạt động này nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng dịch vụ do các đơn vị bên ngoài cung cấp.

g) Đề xuất, mua sắm, định mức, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất liên quan đến hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

h) Theo dõi, đánh giá, báo cáo hiệu quả phòng ngừa phơi nhiễm, rủi ro và tai nạn nghề nghiệp liên quan đến tác nhân vi sinh vật của nhân viên y tế và các đối tượng khác trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

i) Hướng dẫn, chỉ đạo thành viên mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn kiểm tra, giám sát phát hiện, giải quyết các vấn đề liên quan tới kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa.

k) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiểm soát nhiễm khuẩn.

l) Tuyên truyền về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

m) Thực hiện nghiên cứu khoa học, tham gia hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến về kiểm soát nhiễm khuẩn.

Điều 6. Tổ chức và nhiệm vụ của mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Tổ chức: Gồm đại diện các khoa lâm sàng và cận lâm sàng; mỗi khoa cử ít nhất một bác sĩ và một điều dưỡng/hộ sinh tham gia mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn. Hoạt động của mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Các thành viên mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đào tạo, có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn và thường xuyên được huấn luyện cập nhật.
  2. Chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới Kiểm soát nhiễm khuẩn:

a) Tham gia tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa theo phân công của Giám đốc.

b) Tham gia kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các nhân viên y tế và các đối tượng khác tại khoa thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn.

c) Định kỳ và đột xuất báo cáo Lãnh đạo khoa và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn về tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện và công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại khoa.

Điều 7. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ phận Giám sát nhiễm khuẩn

  1. Tổ chức:

a) Bộ phận Giám sát nhiễm khuẩn là bộ phận chuyên môn của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có nhiệm vụ chuyên trách đào tạo, kiểm tra, giám sát về kiểm soát nhiễm khuẩn.

b) Nhân viên chuyên trách thuộc bộ phận Giám sát nhiễm khuẩn phải được đào tạo và có chứng chỉ về giám sát nhiễm khuẩn và thường xuyên được huấn luyện cập nhật chuyên môn.

c) Các bệnh viện có dưới 150 giường bệnh phải có ít nhất 1 nhân viên giám sát chuyên trách; các bệnh viện có trên 150 giường bệnh phải bảo đảm có 1 nhân viên giám sát chuyên trách trên mỗi 150 giường bệnh.

2. Nhiệm vụ:

a) Thực hiện giám sát phát hiện các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật của nhân viên y tế, học sinh, sinh viên, thực tập sinh trong thực hiện các kỹ thuật liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

b) Tham gia các hoạt động giám sát khác như giám sát môi trường, giám sát vi sinh, giám sát sử dụng kháng sinh, đánh giá chất lượng, hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Tham gia xây dựng và triển khai các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

d) Báo cáo Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn về kết quả giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện và mức độ tuân thủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

đ) Thực hiện những nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

3. Quyền hạn:

Có quyền kiểm tra giám sát các hoạt động liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của tất cả các nhân viên y tế, học sinh, sinh viên, người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đề xuất các biện pháp cải thiện.

Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Nhiệm vụ:

a) Tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của Trưởng khoa và chịu trách nhiệm về các hoạt động của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

b) Lập kế hoạch công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trình Giám đốc phê duyệt.

c) Tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo và đề xuất giải pháp can thiệp kịp thời nhằm kiểm soát những trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện và những bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch và cải thiện tỉ lệ tuân thủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

d) Đầu mối xây dựng các hướng dẫn, quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và chỉ đạo việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

đ) Đề xuất mua sắm, định mức và tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị, vật tư tiêu hao, hoá chất phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn đơn vị.

e) Xây dựng nội dung, kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn, huấn luyện kiến thức và kỹ năng kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, học sinh, sinh viên y, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

g) Đầu mối phối hợp với các đơn vị ngoài cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

h) Tổ chức nghiên cứu khoa học, huấn luyện và tham gia chỉ đạo tuyến về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

i) Tư vấn cho Lãnh đạo cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phòng ban có liên quan về các hoạt động sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất phù hợp với công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

k) Phối hợp với các khoa, phòng có liên quan đánh giá hiệu quả thực hiện các kỹ thuật chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn.

l) Tổng kết, báo cáo kết quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

m) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Giám đốc.

2. Quyền hạn:

a) Thực hiện quyền hạn chung của trưởng khoa.

b) Kiểm tra và yêu cầu các khoa, phòng, cá nhân trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện đúng các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.

c) Đề xuất với Giám đốc khen thưởng, kỷ luật các cá nhân, tập thể có thành tích hoặc vi phạm các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.

d) Là Phó chủ tịch hoặc ủy viên thường trực Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn; ủy viên Hội đồng thuốc và điều trị, Hội đồng quản lý chất lượng và Hội đồng khoa học (nếu có).

Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Điều dưỡng trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Nhiệm vụ:

a) Thực hiện nhiệm vụ chung của Điều dưỡng trưởng khoa.

c) Giúp Trưởng khoa lập kế hoạch quản lý trang thiết bị, sử dụng vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ cho hoạt động chuyên môn tại khoa.

d) Tham gia xây dựng các quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

đ) Thực hiện những nhiệm vụ khác theo sự phân công của Trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

  1. Quyền hạn:

Có quyền hạn như các Điều dưỡng trưởng khoa khác và có quyền kiểm tra giám sát các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN

Điều 10. Xây dựng, cập nhật các hướng dẫn, quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở kế hoạch hành động quốc gia, tiêu chí chất lượng về kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với mục tiêu, chiến lược, nguồn lực của bệnh viện.
  2. Xây dựng, cập nhật, ban hành và triển khai thực hiện các hướng dẫn, quy định, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.

Điều 11. Giám sát phát hiện nhiễm khuẩn bệnh viện và các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

  1. Thiết lập hệ thống giám sát giám sát nhiễm khuẩn và các nguồn lực thiết yếu để thực hiện giám sát nhiễm khuẩn đúng quy định.
  2. Thực hiện giám sát, phát hiện, thông báo, báo cáo các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, nhiễm khuẩn bệnh viện theo quy định.
  3. Thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch truyền nhiễm trên cơ sở kết quả giám sát.

Điều 12. Giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Thực hiện giám sát tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật, các can thiệp liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của các khoa/phòng, của tất cả nhân viên y tế, học sinh, sinh viên, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm theo quy định.
  2. Thông tin kết quả giám sát tới các khoa, phòng, đơn vị và cá nhân liên quan định kỳ và khi cần.
  3. Thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm tăng cường tỉ lệ tuân thủ các quy trình kỹ thuật liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn của các khoa/phòng, của nhân viên y tế, học sinh, sinh viên, thực tập sinh, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

Điều 13. Vệ sinh tay và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm thực hiện vệ sinh tay, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.
  2. Thầy thuốc, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên thực tập, người bệnh, người nhà người bệnh phải tuân thủ vệ sinh tay và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân đúng quy định.
  3. Thực hiện giám sát tuân thủ vệ sinh tay, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân của thầy thuốc, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên thực tập, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm theo kế hoạch.
  4. Thông tin kết quả giám sát tới các khoa, phòng, đơn vị và cá nhân liên quan định kỳ và khi cần thiết
  5. Thực hiện đào tạo, truyền thông về vệ sinh tay, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách thăm.

Điều 14. Quản lý và xử lý dụng cụ y tế

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng chính sách, quy định, danh mục, quy trình quản lý và xử lý dụng cụ tái sử dụng trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.
  2. Thực hiện quản lý, xử lý tập trung và kiểm soát chất lượng các dụng cụ, phương tiện chăm sóc và điều trị sử dụng lại theo đúng quy định.
  3. Kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, xử lý dụng cụ tái sử dụng, bảo đảm chất lượng dụng cụ trước khi sử dụng cho người bệnh.
  4. Trường hợp có hợp đồng dịch vụ khử khuẩn, tiệt khuẩn với đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài phải thường xuyên thực hiện giám sát, đánh giá việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, chất lượng công việc. Thông báo kết quả giám sát, đánh giá với đơn vị cung cấp dịch vụ để cải thiện chất lượng dịch vụ.
  5. Nhân viên làm công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn phải được đào tạo và cấp chứng chỉ về khử khuẩn, tiệt khuẩn theo quy định.

Điều 15. Thực hiện phòng chuẩn, phòng ngừa cách ly và quản lý dịch

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng chính sách, quy định, quy trình, cung cấp đủ các điều kiện, cơ sở hạ tầng, phương tiện và vật tư tiêu hao cần thiết cho hoạt động phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa cách ly và quản lý dịch.
  2. Thực hiện đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền cho thầy thuốc, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, khách thăm thực hiện các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa cách ly thích hợp.
  3. Nhân viên y tế phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa trên đường lây truyền khi chăm sóc, điều trị dúng quy định.
  4. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng cùng cấp và các cơ sở y tế trên địa bản để thông báo và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh.

Điều 16. Vệ sinh môi trường bệnh viện

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị bảo đảm thực hiện vệ sinh môi trường theo đúng quy định.
  2. Tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng môi trường nước, môi trường bề mặt, môi trường không khí cho từng khu vực theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.
  3. Trường hợp có hợp đồng dịch vụ vệ sinh môi trường với đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài phải thường xuyên thực hiện giám sát, đánh giá việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, chất lượng công việc. Thông báo kết quả giám sát, đánh giá với đơn vị cung cấp dịch vụ để cải thiện chất lượng dịch vụ.
  4. Hộ lý và nhân viên làm công tác vệ sinh (bao gồm nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được đào tạo và cấp chứng chỉ về vệ sinh trong các cơ sở y tế theo quy định.

Điều 17. Quản lý chất thải y tế

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải đúng quy định, quy trình kỹ thuật đã ban hành, bao gồm cả chất thải rắn, chất thải khí và chất thải lỏng y tế. Trường hợp có hợp đồng dịch vụ xử lý chất thải với đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài, phải lựa chọn đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và thường xuyên thực hiện giám sát, đánh giá việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, chất lượng công việc. Thông báo kết quả giám sát, đánh giá với đơn vị cung cấp dịch vụ để bảo đảm chất thải được xử lý an toàn và đúng quy định pháp luật.
  2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện giám sát việc tuân thủ thực hành phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong đơn vị.

Điều 18. Vệ sinh an toàn thực phẩm

  1. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn có trách nhiệm giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nơi ăn, uống, chế biến thực phẩm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
  2. Các cơ sở trực tiếp chế biến và phân phối thức ăn, nước uống trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, người làm việc trực tiếp trong cơ sở này phải được kiểm tra sức khoẻ định kỳ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
  3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phối hợp với các khoa vệ sinh an toàn thực phẩm, chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tại địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở chế biến thực phẩm cung cấp thực phẩm cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Điều 19. Quản lý và xử lý đồ vải

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện đúng quy chế trang phục y tế cho người bệnh, người nhà và nhân viên y tế; có lịch thay đồ vải và thực hiện việc thay đồ vải cho người bệnh hàng ngày và khi cần.
  2. Đồ vải của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được quản lý, giặt, khử khuẩn tập trung tại khu giặt là tập trung. Các đồ vải nhiễm khuẩn, đồ vải có máu và dịch tiết sinh học phải thu gom, vận chuyển và xử lý riêng đảm bảo an toàn.
  3. Đồ vải sạch phải được bảo quản trong các tủ sạch, đồ vải phục vụ chuyên môn phải bảo đảm quy cách, chất lượng và đáp ứng yêu cầu vô khuẩn, có xe đầy và thùng vận chuyển riêng đồ vải nhiễm khuẩn và đồ vải đã giặt sạch đến các khoa, phòng chuyên môn.
  4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nhà tham gia chăm sóc người bệnh cần bố trí nơi giặt sấy tập trung cho người nhà người bệnh. Không để người nhà người bệnh giặt, phơi đồ vải trong khoa, phòng và trong khuôn viên bệnh viện.
  5. Trường hợp có hợp đồng xử lý đồ vải với các đơn vị bên ngoài cần lựa chọn đơn vị có chức năng giặt, xử lý đồ vải y tế, có quy định kiểm soát chất lượng và phải thường xuyên tiến hành giám sát, kiểm tra quy trình xử lý đồ vải của đơn vị thực hiện.

Điều 20. Quản lý hóa chất và vật tư tiêu hao dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng quy định, quy trình, định mức, kiểm soát chất lượng và thực hiện việc quản lý, sử dụng hóa chất và vật tư tiêu hao dùng trong kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
  2. Phân công bộ phận thực hiện việc đào tạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn quản lý, sử dụng hóa chất và vật tư tiêu hao bảo đảo an toàn, tiết kiệm và phát huy hiệu quả.

Điều 21. An toàn và xử trí sự cố do tai nạn nghề nghiệp

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thiết lập hệ thống quản lý, giám sát, phát hiện, xử trí và báo cáo tai nạn rủi ro nghề nghiệp, phơi nhiễm bệnh ở nhân viên y tế.
  2. Nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tiêm phòng vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có vắc xin như viêm gan B, cúm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
  3. Cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải xây dựng danh mục và sẵn có hoặc nguồn đảm bảo sẵn sàng cung cấp các thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế để điều trị dự phòng cho nhân viên y tế khi có phơi nhiễm với các bệnh truyền nhiễm.

Điều 22. Phối hợp khoa Vi sinh/Xét nghiệm

Khoa Vi sinh/Xét nghiệm vi sinh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm:

  1. Phối hợp với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, các phòng chức năng tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất các chế độ vệ sinh vô khuẩn ở phòng mổ, phòng sinh (phòng đẻ), phòng thủ thuật, các buồng bệnh, kiểm tra vệ sinh vô khuẩn nhân viên y tế, đồ dùng, dụng cụ phục vụ công tác vô khuẩn trong bệnh viện.
  2. Phối hợp khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các phòng chức năng giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện.
  3. Thông báo các kết quả xét nghiệm về vi khuẩn có liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn đa kháng kháng sinh, các vi sinh vật mới nổi có nguy cơ lây lan rộng thành dịch cho khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa phòng liên quan hằng ngày kịp thời
  4. Quản lý, xử lý các mẫu xét nghiệm, chủng vi sinh vật nguy hiểm có nguy cơ lây lan thành dịch theo các quy định về an toàn sinh học phòng xét nghiệm.
  5. Định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình kháng thuốc kháng sinh của các vi khuẩn phân lập tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, Hội đồng thuốc và điều trị. Phối hợp với khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn báo cáo đột xuất khi phát hiện những trường hợp vi khuẩn đa kháng thuốc, siêu kháng thuốc.
  6. Khuyến cáo các thầy thuốc những vấn đề đặc biệt liên quan đến kháng thuốc của vi khuẩn và tình hình nhiễm khuẩn chung và nhiễm khuẩn bệnh viện.
  7. Cập nhật và phổ biến những vấn đề liên quan đến kháng thuốc của vi khuẩn trong nước và tại đơn vị giúp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chính sách thích hợp trong việc sử dụng kháng sinh hợp lý an toàn.

Điều 23. Phối hợp với y tế công cộng và các dịch vụ khác

  1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xây dựng kế hoạch ứng phó với các bệnh dịch và phối hợp với các cơ sở y tế khác trong việc phòng, chống dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp trên địa bàn và theo sự phân công của Sở Y tế, Bộ Y tế.
  2. Sẵn sàng về cơ sở vật chất, phương tiện, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao và nhân lực tham gia phòng, chống bệnh dịch.
  3. Thực hiện thông báo, áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù khi có dịch theo quy định.

Điều 24. Đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn

  1. Đào tạo

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần xây dựng các chương trình, tài liệu và thực hiện đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo đảm tất cả nhân viên trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đào tạo các kiến thức cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn. Việc tham gia các chương trình đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn của nhân viên y tế là điều kiện cần để duy trì chứng chỉ hành nghề.

b) Nhân viên làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đào tạo chuyên sâu về kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp với vị trí chuyên môn.

c) Các nhân viên y tế mới tuyển dụng phải được đào tạo các kiến thức cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

d) Học sinh, sinh viên, thực tập sinh phải được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn trước khi thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Nghiên cứu khoa học

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm phải triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về kiểm soát nhiễm khuẩn và vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh.

b) Đề tài nghiên cứu khoa học định hướng ưu tiên về tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện; tác nhân; đường lây truyền; đối tượng; vị trí có tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao và hiệu quả của các biện pháp can thiệp làm giảm nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh.

3. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn: Khuyến khích các tổ chức, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cá nhân Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo tuân thủ pháp luật.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế

  1. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

a) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là cơ quan thường trực tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh toàn quốc.

b) Đầu mối xây dựng các quy hoạch chiến lược, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các ngành, Bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chuyên môn lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn.

d) Thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, các quy định, hướng dẫn chuyên môn lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn đối với các địa phương và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn quốc.

đ) Thực hiện báo cáo tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, các quy định, hướng dẫn chuyên môn lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn cho Bộ trưởng Bộ Y tế và chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.

  1. Vụ Tổ chức cán bộ

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện quy định, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, người lao động lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn. Tham mưu với Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền xây dựng mã số, chức danh nghề nghiệp, xây dựng vị trí việc làm, chế độ chính sách, phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ, viên chức làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

  1. Vụ Kế hoạch-Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng, bổ sung, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn. Huy động nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, ODA cho việc thực hiện các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

  1. Cục Khoa học công nghệ và đào tạo

a) Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan hướng dẫn, xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo liên tục và đào tạo chuyên sâu về kiểm soát nhiễm khuẩn.

b) Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở đào tạo theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình đào tạo và đào tạo liên tục về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế.

c) Chỉ đạo các trường thuộc khối ngành sức khỏe đưa nội dung kiểm soát nhiễm khuẩn vào chương trình đào tạo cho sinh viên, học sinh; phát triển đội ngũ giảng viên kiểm soát nhiễm khuẩn; đề xuất đầu tư cơ sở thực hành, tiền lâm sàng bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn; thực hiện đào tạo chuyên sâu cho cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn theo nhu cầu.

5. Cục Y tế dự phòng

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan xây dựng, triển khai thực hiện hướng dẫn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở y tế theo quy định. Chỉ đạo các cở y tế dự phòng tổ chức triển khai các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn.

  1. Vụ trang thiết bị công trình y tế

Đầu mối phối hợp với các Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

  1. Vụ Bảo hiểm y tế

Chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

  1. Cục Công nghệ thông tin

Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn để các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh báo cáo tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện.

  1. Cục Quản lý Môi trường Y tế

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan xây dựng hướng dẫn quản lý, giám sát môi trường y tế, hóa chất khử khuẩn và vệ sinh môi trường.

  1. Cục quản lý Y, Dược cổ truyền

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các Vụ, Cục liên quan xây dựng các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn đặc thù chuyên khoa.

  1. Vụ Pháp chế

Phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong xây dựng các văn bản pháp quy có liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, hướng dẫn, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát nhiễm khuẩn.

  1. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng

Phối hợp xây dựng và triển khai các giải pháp thông tin, truyền thông liên quan đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng gắn với việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Điều 26. Các Sở Y tế và Y tế các Bộ, Ngành

a) Thành lập Hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn cấp tỉnh/thành phố. Phân công nhân viên chuyên trách thuộc phòng Nghiệp vụ Y để quản lý công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

b) Xây dựng kế hoạch, định hướng, chiến lược, mục tiêu về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trên cơ sở kế hoạch hành động quốc gia kiểm soát nhiễm khuẩn và phù hợp với thực tế yêu cầu của địa phương.

c) Tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn trên địa bàn theo kế hoạch.

d) Phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, giám sát thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn.

đ) Định kỳ thực hiện báo cáo hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn của ngành y tế điạ phương theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 27. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

  1. Tổ chức thực hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị.
  2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được thiết kế và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn. Khi xây mới hoặc sửa chữa cải tạo có sự tham gia tư vấn của hội đồng, khoa hoặc cán bộ làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
  3. Bảo đảm chi đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn.
  4. Bố trí đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm kiểm soát nhiễm khuẩn chuyên trách.
  5. Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện theo quy định. Thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh an toàn và chất lượng.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Hiệu lực thi hành

  1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày …./…./2018.
  2. Thông tư này thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 29. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế; Giám đốc bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá việc thực hiện Thông tư này./.

Nơi nhận:

– Như Điều 29;

– Văn phòng CP (Công báo; Cổng TTĐT);

– Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra văn bản QPPL);

– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;

– Bộ Y tế: Bộ trưởng, các Thứ trưởng;

– Các trường thuộc khối ngành sức khỏe;

– Lưu VT, KCB, PC.

BỘ TRƯỞNG

 

 

Nguyễn Thị Kim Tiến

 

 DOWNLOAD VĂN BẢN DƯỚI ĐÂY

[sociallocker id=7424]

Thong_tu_KSNK_(Du_thao_6)_TT_BYT_2018_VNRAS

[/sociallocker]

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM

 

 

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!