Cây Húng Quế – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

120
Húng Quế
Húng Quế
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Húng Quế trang 676-677 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là húng giổi, rau é, é tía, é quế, hương thái, pak bua la phe, phak y tou (Lào) mreas preoul (Campuchia), grand basilic, basilic commun.

Tên khoa học Ocimum basilicum L. var. basilicum.

Thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae)

Mô tả cây

Cây thuộc thảo, sống hằng năm, thân nhẵn hay có lông, thường phân cành ngay từ dưới gốc, cao 50-60cm. Lá mọc đối có cuống, phiến lá hình thuôn dài, có thứ màu xanh lục, có thứ màu tím đen nhạt. Hoa nhỏ màu trắng hay hơi tía, mọc thành chùm đơn hay phân nhánh với những hoa mọc thành vòng 5 đến 6 hoa một. Quả chứa hạt đen bóng, khi ngâm vào nước có chất nhầy màu trắng bao quanh.

Húng Quế
Húng Quế

Phân bố, thu hái và chế biến

Người ta cho rằng cay này vốn nguồn gốc ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng hiện nay được trồng ở nhiều nước nhiệt đới và ôn đới thuộc châu Á, châu Âu (như Pháp, Đức, các nước thuộc Liên Xô cũ, Ý, Tây Ban Nha…). Tại những nước này thường trồng với mục đích như hái lá và toàn cây cất tinh dầu dùng làm thuốc hay trong công nghiệp chất thơm.

Ở nước ta, tại miền Bắc trước đây chỉ thấy trồng lấy lá và ngọn làm gia vị. Từ năm 1975, tại một số tỉnh đã trồng trên quy mô lớn để cải tinh dầu húng quế dùng trong công nghiệp chất thơm ở trong và ngoài nước. Ở miền Nam, ngoài mục đích như làm gia vị như ở miền Bắc, người ta còn thu hoạch quả (gọi nhầm là hạt-Fructus Ocimi) để ăn cho mát và giải nhiệt gọi là hạt é.

Để làm thuốc, người ta chỉ hái lá và ngọn có hoa (Herba Ocini) phơi hay sấy khô. Để cất tinh dầu người ta hải toàn cây, cất tươi hay để hơi héo mới cất.

Thành phần hoá học

Trong cây húng quế có từ 0,4 đến 0,8% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng nhạt, thơm nhẹ, dễ chịu. Tùy theo nơi trồng, các chỉ số hoá lý có thay đổi. Ví dụ tinh dầu húng quế của Pháp, Đức, Angiêri, Tây Ban Nha có tỷ trọng 0,904-0,930, α ở từ -66° đến -22°, chỉ số khúc xạ 1,481 đến 1,425, chỉ số axit dưới 3,4, chỉ số este I đến 15, tan trong 1 đến 2 thể tích cồn 80°.

Tinh dấu của cây trồng ở đảo Reuynion có tỷ trọng 0,945 đến 0,987, α =+0,36° đến +12°, chỉ số khúc xạ 1,512 đến 1,518, chỉ số axit dưới 3, chỉ số ete từ 9 đến 22.

Tinh dầu húng quế Việt Nam cất tại một số địa phương chứa tới 80-90% metylchavicola.

Tinh dầu Liên Xô cũ có tỷ trọng 0,905 đến 0,930, αD ở -6° đến -22°.

Tinh dầu của những nước châu Âu chứa từ 30 đến 57% estragola hay metylchavicola, linalola, xineola (1,5-2%), xinamat metyl. eugenola (0,3-2%), sesquitecpen chưa xác định được (5-9%).

Trong khi đó thì Iskenderov (1938) cho rằng thành phần chủ yếu của tinh dầu Ocimum basilicum Liên Xô cũ có 32% tymola, 48% dipenten, 7% p. xymen, 1% andehyt và 8% ancola chưa xác định.

Tinh dầu Ocimum của đảo Rêuynion không chứa linalola mà lại chứa camphora quay phải, xineola, pinen…

Tinh dầu các loài Ocimum khác như Ocimum viride có thành phần chủ yếu là xinamat metyl, 35 đến 65% tymola, Ocimum sanctum có thành phần chủ yếu là linalola hoặc xineola (14-15%), các phenola (7-22%) chủ yếu là chavibetola và các tecpen không xác định, Ocimum gratissimum có thành phần chủ yếu hoặc là eugenola hoặc là tymola, Ocimum canum hay Ocimum americanum có thành phần chủ yếu hoặc camphora mà không có tymola hoặc chủ yếu tymola và không có camphora hoặc nữa chủ yếu là xitral với một ít xitronelola, mycxen và oxymen; Ocimum pilosum có thành phần chủ yếu là xitrala…

Ngay trong loài Ocimum basilicum có thứ var. nisatum hay basilic anisé hay basilic à odeur anisé (basilic mùi hồi) và có thứ trồng ở đảo Reuynion không chứa linalola mà lại chứa chủ yếu là camphora quay phải, xineola và pinen…

Qua thành phần thay đổi này chúng ta thấy tuy cùng mang tên tinh dầu Ocimum (Oleum Ocimi) nhưng do loài rất khác nhau cho nên thành phần không giống nhau, công dụng cũng không giống nhau và giá trị kinh tế cũng không giống nhau. Thành phần chủ yếu của tỉnh đầu húng quế Việt Nam là metylchavicola

Quả húng quế (thường gọi là hạt húng quế, hạt é) chứa chất nhầy, khi ngâm vào trong nước sẽ nở ra bao quanh hạt thành một màng nhầy trắng.

Công dụng và liều dùng

Ở nước ta trước đây húng quế chỉ thấy được trồng làm gia vị. Tại miền Nam, ngoài công dụng làm gia vị người ta còn thu hoạch hạt để ăn cho mát, hơi có tác dụng chống táo bón: Cho từ 6 đến 12g hạt vào nước thường hay nước đường. Đợi cho chất nhầy nở ra rồi uống.

Tại các nước khác người ta trồng húng quế chủ yếu làm nguồn cây cho nguyên liệu cất tinh đầu, hoặc lấy cây sắc uống chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa đau dạ dày, ăn uống không tiêu, thông tiểu, nấu nước súc miệng và ngậm chữa đau, sâu răng. Mỗi ngày uống từ 10 đến 25g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc pha. Hạt có thể dùng đắp lên mắt đau đỏ.

Từ năm 1975, tại miền Bắc một số tỉnh đã trồng húng quế với mục đích dùng cây cất tinh dầu dùng trong công nghiệp chất thơm trong nước và xuất khẩu.

Chú thích: Ngoài cây húng quế, ở nước ta còn có cây trà tiên giới thiệu sau đây cũng mới phát hiện và khai thác.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!