Cây Bách Hợp (Cây Tỏi Rừng) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

202
Cây Bách Hợp
Cây Bách Hợp
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Bách Hợp trang 736-737 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là cây tỏi rừng (Sơn Pha, Sơn Đông, Lạng Sơn).

Tên khoa học Lilium brownii F. F. Br. var. colchesteri Wils.

Thuộc họ Hành Alliaceae.

Bách hợp (Bulbus) là dò phơi hay sấy khô của cây bách hợp và một số cây cùng chi. Tên bách hợp là do chữ bách =trăm, hợp=kết lại vò dò của cây này do nhiều lá kết lại như vẩy cá.

Mô tả cây

Bách hợp là một loại cỏ nhỏ cao độ 60-90cm, mọc hoang ở rừng và sống lâu năm, có dò. Lá mọc so le hình mác, nhẫn, dài 2-15cm, rộng 0,5- 3,5cm. Hoa đầu cành gồm 2-6 hoa lớn, hình loa kèn dài 14-16cm, miệng có 6 cánh màu trắng hay hơi hồng, cuống dài 3-4cm. Quả nang dài 5-6cm, mở theo 3 van. Hạt rất nhiều, xếp thành chồng, hình trái xoan, đường kính 1cm hay hơn.

Phân bố, thu hái và chế biến

Phát hiện ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Tây Bắc, mọc hoang trên các đồi cọ Sapa (Lào Cai). Tại Trung Quốc mọc hoang ở nhiều tỉnh (Hồ Nam, Tứ Xuyên, Triết Giang, Hồ Bắc, Giang Tô, Quảng Đông).

Trồng bằng dò như trồng hành, tỏi. Sau một năm thu hoạch. Muốn dò to cần ngắt hết hoa. Cuối hạ đầu thu sau khi hoa nở, cây bắt đầu khô héo thì đào lấy dò, rửa sạch đất, cắt bóc ra từng phiến, đồ nước sôi 5-10 phút (lâu quá sẽ bị nhũn), sau đó phơi hay sấy thật khô.

Thành phần hoá học

Trong bách hợp có tinh bột (30%) chất proti (4%) chất béo (0,1%) và một ít vitamin C.
Có tác giả tìm thấy trong bách hợp chất colchixein C21G23O6N.1/2H2O.

Hình ảnh Cây Bách Hợp
Hình ảnh Cây Bách Hợp

Tác dụng dược lý

Chứa thấy tài liệu nghiên cứu.

Công dụng và liều dùng

Vị thuốc mới được dùng trong phạm vi nhân dân làm thuốc bổ, thuốc chữa ho, họ có đờm, các chứng viêm khí quản, thổ huyết. Còn có tác dụng chữa sốt, thần kinh suy nhược. Ngày dùng 15-30g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc.

Theo tài liệu cổ bách hợp vị đắng, tính hơi hàn, vào 2 kinh tâm và phế. Còn có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt lợi tiểu. Dùng chữa họ lao thổ huyết, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù, thũng. Những người trúng hàn không dùng được.

Đơn thuốc có bách hợp

1. Chữa các triệu trứng đau ngực, thổ huyết:

Bách hợp giã tươi lấy nước uống.

2. Chữa viêm phế quản, các chứng ho:

Bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, thiên môn đông 10g tang bạch bì 12g, ý dĩ nhân 15g, nước 1.000ml. Sắc còn 400ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

Chú ý đừng nhầm cây bách hợp với cây tỏi voi hay loa kèn đỏ Amaryllis belladona Sw, họ Thuỷ tiên Amaryllidaceae (1) có tép to, mỏng uống vào dễ bị nôn.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!