TẦM VÓC LÃNH ĐẠO – RẤT DÀI & RẤT SÂU

1257
5/5 - (1 bình chọn)

Đó là một ngày tháng 3 năm 2010.

Đã nhiều lần gặp anh ở các kỳ họp mặt doanh nhân trẻ Việt Nam mấy năm trước đó, nhưng đấy là lần đầu tiên tôi làm việc trực tiếp với anh. Thaco của anh đang muốn nâng cấp hệ thống quản trị và liên lạc với bên tôi để nghiên cứu ứng dụng BSC (Balanced Scorecards – Thẻ điểm cân bằng).

Cũng như đến tận bây giờ, anh đơn giản trong một chiếc áo sơ mi gọn gàng. Gần gũi trong giao tiếp, trực tiếp vào vấn đề, thẳng thắn trong trao đổi, và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Tôi khá ngạc nhiên khi một người lãnh đạo một công ty hàng đầu Việt Nam, lúc đó cũng đã hơn 20 ngàn nhân viên, nhớ đến từng chi tiết trong một bản mô tả công việc. Nghe xong một vài trao đổi, ngay lập tức anh đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể của đơn vị. Dường như với anh, không có một thông tin trôi qua mà anh không tìm cách liên hệ và tự vấn để cải thiện hệ thống của doanh nghiệp.

Sau này, khi tìm hiểu thêm về leadership, tôi biết đó là cảnh giới “Ta là tổ chức, tổ chức là ta: Kết nối tổ chức với bên ngoài” của những người lãnh đạo kiệt xuất: luôn tự hào về tổ chức, luôn là đại diện tiêu biểu nhất của tổ chức tại bất cứ nơi đâu, luôn tìm kiếm và khai thác mọi thông tin và cơ hội có lợi cho tổ chức từ môi trường bên ngoài (điều mà tôi thấy anh Long Do cũng đang thực hành mỗi ngày tại Quản trị và Khởi nghiệp).

Anh giữ chúng tôi lại ăn trưa, bữa trưa đủ chất nhưng đơn giản và nhẹ nhàng. Suốt bữa ăn, anh kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện nghề của mình. Từ cái quạt hút đã được cải tiến ra sao, từng cái layout đã được chuyển đổi thế nào. Từng chi tiết, từng con ốc, từng sự kiện được anh nhớ rõ và mô tả sinh động các bài học và nguyên lý rút ra.

Anh, tôi hiểu, là người học từ thực tế. Học một biết mười.
Anh, tôi hiểu, là người rất sâu. Sâu sát và sâu sắc.
Với tố chất đó, tôi tin rằng làm gì anh cũng sẽ thành công.

Anh kể cho chúng tôi nghe vì sao anh khởi nghiệp. Rồi vì sao anh lại bỏ hết để ra Chu Lai, chấp nhận gần như làm lại từ đầu. Tại sao anh lại làm thêm hệ thống phân phối, rồi bất động sản công nghiệp.

Anh, tôi hiểu, là người quyết liệt và và quyết thắng.
Anh, tôi hiểu, là người không bằng lòng với những gì chưa ổn xung quanh công việc của mình.
Với tố chất đó, tôi tin rằng anh sẽ không bao giờ dừng lại.

Năm 2012, khi tổ chức Vietnam CEO Forum, anh là một trong vài người lãnh đạo đầu tiên tôi nhớ và trân trọng mời đến để chia sẻ với mọi người. Chủ đề năm ấy là CEO 3.0 chia sẻ về những phẩm chất cần có của một người lãnh đạo doanh nghiệp thế hệ thứ 3. Và anh đã là một case study hoàn hảo. CEO1.0: thành công nhờ được thừa hưởng những lợi thế sẵn có đến mức bất bình đẳng của nhà nước hoặc gia đình; CEO2.0: thành công nhờ được bảo bọc bởi những lợi thế tự nhiên như tính địa phương, ngôn ngữ hay văn hoá tiêu dùng; và CEO3.0: sẵn sàng cạnh tranh ngang tầm với các tay chơi quốc tế tại Việt Nam hoặc ngoài Việt Nam.

Lâu lâu, gặp những thế hệ đàn em như chúng tôi, anh lại động viên. Và thỉnh thoảng, anh tổ chức một chuyến cho anh em ra thăm Chu Lai: đấy, tụi em xem làm được gì, cung cấp được gì thì nói anh.

Tôi biết, anh không cần chúng tôi. Anh chỉ đang muốn giúp anh em doanh nhân trẻ chúng tôi.

Tôi không biết rằng tầm vóc đó làm nên thành công, hay thành công tạo điều kiện cho tầm vóc ấy nảy mầm.

Thế nhưng anh là anh!

Anh là Trần Bá Dương – người thợ đúc vàng – không làm thì thôi, đã làm thì nhất định thành công, nhất định dẫn đầu. Ước mơ sản xuất xe tại Việt Nam. Mong muốn trở thành nhà phân phối xe lớn nhất. Mong muốn xây dựng một tiêu chuẩn mới cho khu dân cư đô thị. Và còn nhiều nữa những ước mơ đang được anh dần chia sẻ với cộng đồng.

Trong 16 năng lực của một lãnh đạo kiệt suất, theo bạn, anh mạnh nhất ở những năng lực nào? Hãy thử trả lời bây giờ (trước hội thảo), và xem xét lại lần nữa sau hội thảo.

———–

Tôi cùng ở Bình Dương với anh.

Nhưng thú thực rằng tôi chẳng biết gì về anh cho đến khi anh làm Chủ tịch Doanh nhân trẻ của tỉnh. Phần vì tôi đi học Đại học, ở lại Sài Gòn rồi đi nước ngoài ngay. Về nước thì tất bật tập trung ngay vào ngành gia công phần mềm cho nước ngoài, ngành chẳng có giao tiếp gì với cộng đồng xung quanh cả. Phần vì anh rất kín tiếng. Đến tận bây giờ, khi anh đã đầu tư vào hơn 50 công ty, giải cứu thành công nhiều công ty ngàn tỷ, trải qua hầu hết những chức vụ quan trọng nhất của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hội liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn Vovinam, phân hội YPO… rồi 2 khoá liền làm đại biểu Quốc hội thì người ta vẫn biết rất ít về anh.

Ít ai biết được quyết tâm của một chàng trai vượt khó đạp xe 30km mỗi ngày để đi học tiếng Anh và sau đó trở thành người Sông Bé đầu tiên đạt điểm TOEFL 650 ở tuổi 19 gần 30 năm trước. Từ một phiên dịch tiếng Anh cho Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé, anh đã tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm, quan hệ và vốn sống để 10 năm sau bắt đầu lập nghiệp.

Từ những công việc nhỏ ban đầu, với thái độ công việc, khả năng kết nối tốt, và năng lực vượt trội, anh đã dần phát triển thành một đế chế thực sự với nhiều doanh nghiệp trong 8 ngành nghề. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp là dẫn đầu ngành: giấy Sài Gòn, gỗ Trường Thành, bồn nước Toàn Mĩ, nông sản Unifarm…

Không chỉ lo cho riêng mình, anh còn giúp cho nhiều anh em bạn bè. Những người biết việc vẫn kể cho nhau nghe những lần giải cứu ngoạn mục của anh. Và sự thú vị nằm ở chỗ là dù anh đầu tư vào nhiều hay ít, thì đa phần các ban lãnh đạo cũ vẫn rất vui vẻ ở lại tiếp tục cộng tác, vui vẻ cống hiến và tự hào vì những điều đó.

Phần vì họ thấy được giá trị mà anh mang đến không chỉ đơn thuần là số tiền đầu tư mà còn là tầm nhìn, quan hệ và kinh nghiệm quản trị phong phú. Phần vì có lẽ anh không tham gia vào điều hành, không can thiệp vào hoạt động thường ngày của doanh nghiệp. Một phần khác, có thể, vì cách đối nhân xử thế của anh.

Tôi cũng ít thấy ai ham học như anh. Học nhiều. Học thật. Hết tiến sĩ đến học bổng Eisenhower (nỗi khát khao của tôi). Hết dọc ngang Mỹ Úc đến lăn lê bò toài trên những sa mạc Israel.

Anh có lẽ cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được mời làm lãnh đạo một tổ chức doanh nhân bên ngoài Việt Nam. Anh là chủ tịch Hội doanh nhân trẻ ASEAN+ hoạt động rất hiệu quả và tạo được nhiều tiếng vang.

Anh rất quan tâm đến anh em. Chân thành khuyên nhủ. Nhiệt tình giúp đỡ. Đôi khi đầu tư chỉ đơn giản vì “anh tin vào con người của em”. Anh chia sẻ về góc nhìn, về kinh nghiệm, anh cùng phân tích vấn đề và gợi ý giải pháp.

Thế nhưng anh rất ít nói về mình. Có lẽ phải khó lắm anh Đỗ Long mới mời được anh ấy cùng tham gia và chia sẻ (chia sẻ đến đâu thì còn tuỳ thuộc vào mức độ nhiệt thành của khán giả).

Tôi không biết rằng tố chất đó làm nên thành công, hay thành công tạo điều kiện cho tầm vóc ấy nảy mầm.

Thế nhưng anh là anh!

Anh là Mai Hữu Tín – Bàn tay ma thuật – không đầu tư thì thôi, đầu tư là thành công!

Người ta biết đến anh nhiều khi anh đã rất thành công. Nhưng anh em quý anh ngay từ khi khởi nghiệp.

Trong 16 năng lực của một lãnh đạo kiệt suất, theo bạn, anh mạnh nhất ở những năng lực nào? Hãy thử trả lời bây giờ (trước hội thảo), và xem xét lại lần nữa sau hội thảo.

Ngày viết:
Vietnam Regulatory Affairs Society. Join us, VNRAS, feel free to contact. We'll provide you all information and regulatory affairs update related to products covered by the Ministry of Health of Vietnam (drug, vaccine, biological, pharmaceutical raw material, excipient, capsule, traditional medicine, herbal medicine, medical equipment, invitro diagnostic medical devices, cosmetic, food supplements, chemical and preparation for medical and household use).
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!