Thông tin thuốc Sucralfat – thuốc điều trị và phòng bệnh loét dạ dày

29
Sucralfate
Sucralfate
Đánh giá

Lịch sử ra đời và phát triển của Sucralfat

Sucralfate lần đầu được FDA Hoa Kỳ phê duyệt và chấp nhận sử dụng trong y tế vào năm 1981 để điều trị các tổn thương tại niêm mạc tá tràng tích cực do tăng quá mức acid gây ra, không liên quan đến việc sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Vào những năm 1990s, Sucralfate được sử dụng như 1 loại thuốc trị sẹo và các tổn thương khác nhau trên biểu bì da cũng như niêm mạc dạ dày bất chấp việc chưa được FDA chấp thuận chỉ định này. Nhờ tính phổ biến và nhu cầu ngày càng tăng cao, Sucralfate dần trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ trong suốt hơn 30 năm qua. Theo thống kê từ các bệnh viện lớn nhỏ trên toàn lãnh thổ, sucralfate là loại thuốc được kê đơn phổ biến thứ 186 ở Hoa Kỳ, với hơn 3 triệu đơn thuốc trong năm 2019.

Mặc dù việc sử dụng sucralfate trong điều trị bệnh loét dạ dày đã giảm gần đây, tuy nhiên nó vẫn là tác nhân được ưa thích để ngăn ngừa các vết loét do stress gây ra.

Sucralfate
Công thức cấu tạo của Sucralfate

Đặc điểm dược lý của Sucralfat

Dược lực học và cơ chế tác dụng

Sucralfate là thuốc gì?

Sucralfat có công thức của 1 muối nhôm sulfat disacarid, thường được chỉ định trong điều trị ngắn ngày loét hành tá tràng, dạ dày. Thuốc có tác dụng tại chỗ (ổ loét) hơn là tác dụng toàn thân thông qua cơ chế tạo thành một phức hợp giống như bột hồ dính, bảo vệ vùng niêm mạc bị tổn thương khi có acid dịch vị.

Sucralfat không giảm đáng kể lượng acid có trong dạ dày. Ở liều điều trị, thuốc không có tác dụng kháng acid, tuy nhiên khi bám dính vào niêm mạc dạ dày – tá tràng, tác dụng trung hòa acid của sucralfat có thể trở thành yếu tố quan trọng để bảo vệ tại chỗ loét. Nhờ ái lực mạnh gấp 6 – 7 lần đối với vùng loét so với niêm mạc bình thường, các phân tử Sucralfat dễ dàng phân biệt và tập trung tại các vị trí có tổn thương. Hiệu quả của thuốc đối với loét tá tràng lớn hơn loét dạ dày.

Hàng rào bao quanh ổ loét được tạo ra bởi sucralfate gây bất hoạt quá trình tiêu protein của pepsin thông qua việc ngăn chặn pepsin gắn vào Albumin, fibrinogen… có trên bề mặt ổ loét. Hơn nữa, do sự cản trở của hàng rào này, các ion H+ cũng không thể khuếch tán ngược trở lại bằng cách tương tác trực tiếp với acid trên bề mặt ổ loét.

Sucralfat còn có khả năng hấp thụ các acid mật, ức chế sự tái hấp thu của acid glycocholic và bảo vệ niêm mạc dạ dày không bị tổn thương do acid taurocholic. Tuy nhiên tác dụng của sucralfat đối với acid mật trong điều trị loét dạ dày tá tràng vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Ngoài ra, sucralfat được coi là thuốc bảo vệ tế bào niêm mạc đường tiêu hóa với khả năng tạo một hàng rào ở ổ loét để bảo vệ ổ loét tránh khỏi các tác động tiêu cực của pepsin, acid và mật, từ đó giúp cho ổ loét có thể hồi phục.

Dược động học

Hấp thu

Sucralfate được hấp thu rất ít qua đường tiêu hóa (< 5%). Nguyên nhân có thể do tính phân cực cao và độ hòa tan thấp của thuốc trong dạ dày. Tác dụng của thuốc xuất hiện sau khi uống từ 1 – 2 giờ và kéo dài đến 6 giờ.

Phân bố

Khả năng phân bố của sucralfate vẫn chưa được xác định.

Chuyển hóa

Sucralfate không chuyển hóa.

Thải trừ

Khoảng 90% lượng thuốc được bài tiết vào phân, trong khi một lượng rất nhỏ được hấp thu và bài tiết vào nước tiểu dưới dạng nguyên vẹn.

Chỉ định của Sucralfate

Sucralfate được chấp thuận để dùng trong các trường hợp sau:

  • Ðiều trị loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày mạn tính, loét lành tính.
  • Phòng tái phát loét tá tràng, phòng loét do stress.
  • Ðiều trị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

Liều dùng và cách dùng Sucralfate

Liều dùng của Sucralfate

Sucralfate
Liều dùng của Sucralfate

Cách dùng của Sucralfate

Sucralfate nên được sử dụng vào trước các thời điểm acid dạ dày tăng cao, để đảm bảo thuốc phát huy tối đa hiệu quả đặc biệt là buổi sáng ngay khi thức dậy, trước các bữa ăn 30 phút đến 1 tiếng và trước khi đi ngủ.

Thuốc được dùng theo đường uống, nuốt nguyên viên hoặc sử dụng trực tiếp đối với các chế phẩm dạng gel.

Chống chỉ định

Không được chỉ định Sucralfate trong các trường hợp bệnh nhân:

Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.

Tác dụng không mong muốn

Sucralfate nhìn chung có tính an toàn và độ lành tính cao, các tác dụng phụ thường ở mức độ nhẹ, ít ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và không để lại độc tính trường diễn cho người sử dụng

Thường gặp, ADR >1/100

Tiêu hóa: Táo bón.

Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100

Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, đầy hơi, khô miệng.

Ngoài da: Ngứa, ban đỏ.

Thần kinh: Hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, buồn ngủ.

Các tác dụng phụ khác: Ðau lưng, đau đầu.

Hiếm gặp, ADR <1/1000

Phản ứng mẫn cảm: mày đay, phù Quincke, khó thở, viêm mũi, co thắt thanh quản, mặt phù to.

Dị vật dạ dày.

Tương tác thuốc

Có thể dùng các thuốc kháng acid cùng với sucralfate trong điều trị loét tá tràng để giảm nhẹ chứng đau. Tuy nhiên, nên sử dụng các thuốc cách xa nhau vì các thuốc kháng acid có thể ảnh hưởng đến sự khả năng gắn kết của các phân tử sucralfate trên niêm mạc đường tiêu hóa. Tốt nhất, bệnh nhân nên uống thuốc antacid trước hoặc sau khi uống sucralfate tối thiểu 30 phút.

Sử dụng đồng thời sucralfate với các thuốc như cimetidin, ranitidin, Ciprofloxacin, Norfloxacin, Phenytoin, theophylin, Ofloxacin, Digoxin, warfarin, tetracyclin sẽ làm giảm hấp thu của các thuốc này, do đó nên uống các 2 giờ trước hoặc sau khi uống sucralfate.

Lưu ý khi dùng và bảo quản

Lưu ý và thận trọng

Dùng thận trọng khi chỉ định sucralfate cho bệnh nhân suy thận do có nguy cơ gây tăng nồng độ nhôm trong huyết thanh; nhất là khi dùng dài ngày. Trường hợp suy thận nặng, nên tránh dùng.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Sucralfate được coi là thuốc nhóm B đối với phụ nữ mang thai. Chỉ sử dụng sucralfate trong thai kỳ khi đã cân nhắc giữa các yếu tố lợi ích và nguy cơ trên mẹ và thai nhi.
Lượng Sucralfate được hấp thu vào cơ thể người là rất ít, do đó nếu thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ thì liều lượng này cũng không đáng kể. Chưa có bằng chứng chắc chắn về an toàn khi sử dụng Sucralfate cho phụ nữ cho con bú, do đó chỉ sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc
Chưa có thông tin về ảnh hương hay lưu ý khi dùng Sucralfate đối với lái xe và vận hành, điều khiển máy móc.

Quá liều và xử trí

Quá liều sucralfate chưa từng được ghi nhận trong quá trình lưu hành thuốc.

Trong các thử nghiệm trên động vật, sử dụng liều tối đa lên đến 12 g/kg/trọng lượng cơ thể ở một số loài động vật không gây tử vong.

Tuy nhiên, sử dụng quá liều quy định sucralfate có khả năng dẫn đến táo bón.

Bảo quản

Bảo quản dưới 25oC. Dạng nhũ dịch không để đóng băng.

Các chế phẩm có chứa Sucralfate hiện nay

Hiện nay, sucralfate lưu hành trên thị trường chủ yếu dưới 2 loại bào chế chính là:

  • Viên nén: 1 g/viên.
  • Thuốc sucralfate gel: 0,5 g/5 ml, 1 g/5 ml.
  • Bột pha hỗn dịch uống.

Các dạng bào chế khác chưa được nghiên cứu và lưu hành do đặc tính hoạt chất không đáp ứng độ ổn tính, tính ra và hấp thu khi vào cơ thể.

Một số thuốc thương mại với hoạt chất sucralfate đang có hiện nay ở nước ta là: Arges 1g, Sumastop, Subica, AT.Sucralfate 1000mg, Sucrahasan, Ventinat Granules 1g/2g, Linaflon, Gellux, Sucar, Sucrate, BiviGas, Sucrapi, Sucralfate Suspension, Antepsin, Gastrofait, Crafate,………

Sucralfate phục hồi tổn thương trên niêm mạc da

Từ đầu những năm 90, Sucralfate đã được sử dụng trong việc điều trị tổn thương trên nhiều niêm mạc da khác nhau, mặc dù tại thời điểm đóm, FDA mới chấp thuận để sử dụng Sucralfate trong điều trị loét tá tràng. Tổng hợp các nghiên cứu của các nhà khoa học, sucralfate tại chỗ có một số lợi ích lâm sàng trong một số tình trạng da niêm mạc, bao gồm tình trạng viêm niêm mạc da (ví dụ: phản ứng sau xạ trị, viêm da tã lót, viêm giác mạc khô, v.v.), rối loạn nhiễm trùng niêm mạc da (ví dụ, phản ứng vết thương nhu động / Nhiễm trùng); loét; bỏng, và cũng giảm đau.

Cùng với sự phát triển của ngành Mỹ phẩm, Sucralfate đã được nghiên cứu và đưa vào công thức của 1 số loại gel bôi da để dùng trong các trường hợp mẩn ngứa do côn trùng cắn, làm mờ sẹo trên da, sẹo do bỏng, do vết cắt hoặc chấn thương,… với đặc điểm mờ sẹo và tái tạo vùng da bị tổn thương nhanh, đặc biệt an toàn và lành tính, không gây kích ứng cho vùng da tiếp xúc.

Mới đây, sucralfat tại chỗ được chứng minh có thể là một tác nhân an toàn đầy hứa hẹn để điều trị hoại tử mô do epinephrine gây ra, và đã được đưa vào trong liệu pháp điều trị các vết loét hoại tử da đầu cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chỉ định với epinephrine.

Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Zahra Pourmoghaddas và cộng sự (Cập nhập: tháng 4 năm 2023). Scalp necrotic wound and hyperinflammatory shock related to COVID‐19: Topical sucralfate as a promising topical agent, PMC. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
  2. Tác giả I N Marks (Ngày đăng: năm 1991). Sucralfate–safety and side effects, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
  3. Tác giả Bahareh Abtahi-Naeini và cộng sự (Ngày đăng: tháng 4 năm 2022). Topical sucralfate for treatment of mucocutaneous conditions: A systematic review on clinical evidences, Thư viện dữ liệu Wiley. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
  4. D Hollander, A Tarnawski (Ngày đăng: năm 1990). The protective and therapeutic mechanisms of sucralfate, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
  5. M Candelli và cộng sự (Ngày đăng: tháng 3 năm 2000). Role of sucralfate in gastrointestinal diseases, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
  6. Laura Masuelli và cộng sự (Ngày đăng: tháng 1 năm 2010). Topical use of sucralfate in epithelial wound healing: clinical evidences and molecular mechanisms of action, Pubmed. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!