Cây Ngưu Tất (Cỏ Xước) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

531
Cây Ngưu Tất
Cây Ngưu Tất
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cây Ngưu Tất trang 48 – 49, tải bản PDF tại đây.

Còn có tên là cây cỏ xước, hoài ngưu tất.

Tên khoa học Achyranthes bidentata Blume.

Thuộc họ Giền Amaranthaceae.

Ta dùng rễ phơi hay sấy khô- Radix Achyranthis bidentatae- của cây ngưu tất.

Sách cổ nói: vị thuốc giống đầu gối con trâu nên gọi là ngưu tất (ngưu là trâu, tất là đầu gối).

Mô tả cây

Cây ngưu tất là một loại cỏ xước cho nên người ta nhầm với cây cỏ xước Achyranthes aspera L. Cỏ có thân mảnh, hơi vuông, thường chỉ cao 1m, cũng có khi tới 2m. Lá mọc đối có cuống, dài 5-12cm, rộng 2-4cm, phiến lá hình trứng, đầu nhọn, mép nguyên. Cụm hoa mọc thành bông ở đầu cành hoặc kẽ lá

Cây và lá ngưu tất
Cây và lá ngưu tất

Phân bố, thu hái và chế biến

Hiện ta đang trồng giống ngưu tất di thực của Trung Quốc có rễ to hơn cây cỏ xước mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta. Có thể tìm loại cỏ xước ở nước ta dùng làm ngưu tất được. Rễ đào về rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Rễ ngưu tất được phơi và sấy khô
Rễ ngưu tất được phơi và sấy khô

Thành phần hoá học

Trong rễ ngưu tất người ta chiết xuất ra một chất saponin, khi thuỷ phân sẽ cho axit oleanic C30H48O3 và galactoza, rhamnoza, glucoza. Ngoài ra còn có ecdysteron, inokosteron và muối kali.

Tác dụng dược lý

Trương Diệu Đức, Trương Phát Sơ và Lưu Thiệu Quang (1935, Trung Hoa y học tạp chí) đã dùng cao lỏng ngưu tất tiến hành 90 thí nghiệm trên tử cung có lập của thỏ, chuột bạch, mèo và chó (có chửa hoặc không có chửa) đi tới kết luận sau đây:

1. Cao lỏng ngưu tất có tác dụng làm dịu sức căng của tử cung chuột bạch (có chửa hay không có chửa cũng vậy).

2. Đối với tử cung của thỏ có chửa hay không, đều phát sinh tác dụng co bóp.

3. Cao lỏng ngưu tất có tác dùng làm dịu tử cung của mèo không có chửa nhưng đối với tử cung của mèo có chửa lại có tác dùng co bóp mạnh hơn.

4. Đối với tử cung của chó có chửa hay không có chửa, cao lỏng ngưu tất khi thì gây co bóp, khi thì gây dịu, tác dùng không nhất định, hoặc lúc đầu gây co bóp về sau có tác dụng dịu.

5. Tác dụng của cao lỏng ngưu tất có lẽ do tác dụng trực tiếp kích thích dây thần kinh phía dưới bụng.

Theo Kinh Lợi Bân, Viện nghiên cứu quốc lập Bắc Kinh, Sở nghiên cứu sinh lý học (1937) thì ngưu tất có tác dụng như sau:

1. Đối với động vật đã gây mê, ngưu tất có thể gây giảm huyết áp tạm thời, sau vài phút trở lại bình thường nhưng sau lại hơi tăng.

2. Ngưu tất có tác dụng làm yếu sức co bóp của tim ếch.

3. Ngưu tất có tác dụng ức chế sự co bóp của khúc tá tràng.

4. Ngưu tất hơi có tác dụng làm lợi tiểu.

5. Liều cao, ngưu tất có tác dụng kích thích sự vận động của tử cung.

Chất saponin của ngưu tất có tác dụng phá huyết và làm cho vốn anbumin (albumin).

Ecdysteron và inokosteron có tác dụng làm kìm hãm sự phát triển của một số sâu bọ.

Đoàn Thị Nhu phát hiện ngưu tất có tác dụng hạ cholesterol trong máu và tác dụng hạ huyết áp.

Công dụng và liều dùng

Tính vị theo đông y: Vị chua, đắng, bình, không độc, vào hai kinh can và thận. Có tác dụng phá huyết, hành ứ (sống), bổ can thận, mạnh gân cốt (chế biến chín).

Trong nhân dân, ngưu tất được dùng trong bệnh viêm khớp, đau bụng, kinh nguyệt khó khăn.

Ngày dùng 3-9g dưới dạng thuốc sắc.

Người có thai không được dùng.

Viên ngưu tất (0,25 cao khô)hoặc thuốc ống (4g ngưu tất khô/ống) chữa bệnh cholesterol máu cao, huyết áp cao, vữa xơ động mạch. Ngày uống hai lần, mỗi lần 5viên hoặc một ống sau bữa ăn. Dùng liền 1-2 tháng lại nghỉ.

Chú thích:

Hồng cần thảo là một loại ngưu tất có thân lá và rễ đỏ cùng loài Achyranthes bidentata Blume. Ta còn dùng loại cỏ xước cũng gọi là ngưu tất Achyranthes aspera L, cùng một công dụng.

Nên chú ý nghiên cứu thêm.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!