Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cỏ Mần Trầu trang 636-637 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là ngưu cân thảo, sam từ thảo, tất suất thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía, cỏ dáng, cỏ bắc, cheung kras (Campuchia), mia pak kouay (Lào).
Tên khoa học Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.)
Thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Mô tả cây
Cỏ sống hàng năm, rễ khoẻ, mọc thành cụm, thân mọc thẳng hoặc mọc bò, cao chừng 10-60cm. Lá mềm, hình dải, dài 10-30cm, rộng 3-7mm, bệ lá có lông. Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5 đến 7 bông mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cần hoa, trồng giống như những ngón tay. Mùa hoa vào hạ và thu. Quả thuôn dài gần như 3 cạnh, dài 1,5mm.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cỏ mần trầu mọc hoang ở bãi cỏ, vệ đường ở khắp nước ta. Còn mọc ở Campuchia, Lào, Trung Quốc và các nước nhiệt đới và á nhiệt đới khác. Gia súc hay ăn, còn dùng để làm thuốc (toàn cây). Mùa thu hái gần như quanh năm.
Thành phần hoá học
Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về hoạt chất chữa bệnh. Có tác giả thấy trong cỏ mần trầu có axit xyanhydric, tuy nhiên trâu bò và súc vật ăn không thấy có hiện tượng trúng độc.
Công dụng và liều dùng
Cỏ mần trầu là một vị thuốc dùng trong nhân dân. Người ta coi mần trầu là một vị thuốc mắt, có tác dụng chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa sốt rét. Còn có tác dụng làm cho mát gan.
Gần đây có người dùng cỏ mần trầu chữa huyết áp cao có kết quả.
Ngày dùng 60-100g cỏ khô, hoặc 300-500g cỏ tươi.
Đơn thuốc có cỏ mần trầu chữa cao huyết áp
Nhổ toàn cây, cả rễ. Rửa sạch, thái hay băm nhỏ. Can chừng 500g. Giã nát. Thêm chừng một bát nước đun sôi để nguội. Vắt lấy nước cốt. Lọc qua vải. Thèm ít đường vào cho ngọt mà uống. Ngày có thể uống 2 lần, vào sáng và chiều (kinh nghiệm nhân dân miền Nam, do ông Thanh truyền lại).