Cây Thốt Nốt – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

220
Cây Thốt Nốt
Cây Thốt Nốt
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Thốt Nốt trang 265-266 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là thnot, (Campuchia), mak tan kok (Lào), palmier à sucre, rondier

Tên khoa học Borassus flabellifer L., (Pholidocarpus tunicatus H. Wendl.).

Thuộc họ Dừa Palmaceae.

Mô tả cây

Cây thân cột, chia thành từng khoanh, có thể cao tới 30m, trên ngọn có 1 tán lá xòe rộng. Lá  có cuống dài, mặt lá màu xanh đậm, bóng mỡ trông tựa tàu lá cọ.

Cụm hoa là những bông mo, đực, cái khác gốc. Bong mo đực to hơn, phân nhánh nhiều hơn.

Quả thốt nốt to, tròn như quả dừa, nhưng bên trong đặc, trong suốt thường chứa ba nhân cứng, dẹt, đầu có một lỗ thủng

Cây Thốt Nốt
Cây Thốt Nốt

Phân bố thu hái và chế biến

Cây thốt nốt trồng phổ biến ở miền Nam nhiều nhất từ Tây Ninh đến Đồng Tháp, Kiên Giang. Ngoài ra còn thấy trồng ở Campuchia, Lào. Tại Campuchia người ta trồng thốt nốt ở quanh nhà, góc vườn, dọc đường đi. Cây chịu cả khô hạn và úng ngập. Trồng bằng hạt, sống lâu hàng trăm năm, khi cây 15-20 tuổi bắt đầu ra quả.

Tại Ấn Độ, người ta trồng thốt nốt trên quy mô lớn: mỗi tỉnh đủ sản xuất tới 15 tấn đường thốt nốt một năm.

Thốt nốt được trồng chủ yếu làm nguyên liệu chế đường rượu, một số ít được dùng làm thuốc. Những bộ phận được dùng làm thuốc bao gồm cuống cụm hoa, đường thốt nốt là dịch chảy từ cụm hoa, cây non, rễ.

Khi thốt nốt ra hoa, vào chiều tối, người ta buộc ống vào đầu cụm hoa, sau khi đã cắt một đoạn đầu hoa, bằng đốt ngón tay. Để suốt một đêm, thu được chừng một lít nước thốt nốt. Nước thốt nốt lấy ban đêm ít chua, vị ngọt rất thơm, ủ với men nhẹ được thứ rượu nhẹ như bia, dùng men nặng hơn sẽ được rượu nặng. Cây thốt nốt đã lấy nước thì không cho quả nữa. Quả thốt nốt non ăn mát như thạch. Quả già có màu vàng thơm, mùi mít chín, nếu giã ra lọc sẽ được thứ bột dẻo, trắng như bột nếp. Nhiều nơi đợi quả già, giã lấy bột làm bánh tôm, bánh ú hoặc nấu chè. Một cây thốt nốt cho từ 20-30 quả, đặc biệt có những cây 50-60 quả. Cây đực không có quả, không có nước, nhưng vẫn có hoa. Hoa ra được một tháng thì teo lại.

Thành phần hóa học

Trong nước chảy từ bông mo thốt nốt chứa rất nhiều đường sacaroza (từ 10 đến 15%).

Công dụng và liều dùng

Cuống cụm hoa được nhân dân dùng làm thuốc chữa sốt và lợi tiểu, dùng trong những trường hợp kèm theo viêm tấy, sốt rét, lá lách to: Cắt cuống cụm hoa thành từng miếng mỏng, cấn 100g, thêm 600ml nước. Đun sôi, giữ sôi 15 phút. Chia nhiều lần uống trong ngày. Cuống cụm hoa nướng nóng, vắt lấy nước, thêm ít đường mỗi sáng uống 100ml, uống luôn trong nhiều sáng có thể ra giun.

Nước chảy từ cụm hoa: Sáng sớm, cắt cụm hoa lấy nước chảy ra mà uống làm thuốc nhuận tràng.

Đường thốt nốt ngoài công dụng làm chất ngọt, nhân dân Campuchia dùng đường thốt nốt làm vị thuốc giải chất độc trong những trường hợp ngộ độc do mã tiền. Thốt nốt non sắc uống chữa vàng da, lỵ, tiểu tiện khó khăn.

Rễ thốt nốt sắc uống làm thuốc lợi tiểu tiện như thốt nốt non. Mỗi ngày uống 50- 60g dưới dạng thuốc sắc.

Các bộ phận khác của cây thốt nốt cũng sử dụng: thân cây dùng làm cột nhà, dầm cầu, ghe thuyền. Lá dùng lợp nhà, làm nón, tước nhỏ lấy lạt buộc.

Chú thích:

Ở những nơi không có thốt nốt ta có thể dùng mía hay cam giá.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!