Cây Khoai Lang (Phan Chư, Cam Thự, Cam Chư) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

187
Cây Khoai Lang
Cây Khoai Lang
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Khoai Lang trang 446-447 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là Phan Chư, Cam Thự, Hồng Thự, Cam Chư

Tên khoa học Ipomoea batatas (L.) Poir. 

Thuộc họ Bìm bìm Convolvulaceae.

Mô tả cây

Khoai lang là một loại cỏ sống lâu năm thân mọc bò, dài 2-3m, rễ mẫm thành củ, màu đỏ, trắng hay vàng. Lá có nhiều hình, thường hình tim xẻ 3 thuỷ, có cuống dài. Hoa màu tím nhạt hay trắng, mọc thành xim ít hoa ở đầu cành. Rất ít khi thấy quả và hạt 

Cây Khoai Lang
Cây Khoai Lang

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây khoai lang được trồng ở nhiều nước nhiệt đới để lấy củ ăn thay gạo. Công dụng làm thuốc chỉ là rất phụ.

Thành phần hoá học

Củ chứa 24,6% tinh bột, 4,17% glucoza.

Khi còn tươi chứa 1,3% protein, 0,1% chất béo, các diattaza, tro có Mn, Ca, Cu, các vitamin A, B, C, 4,24% tanin, 1,375 pentozan.

Khi đã phơi khô (chỗ mát) chứa inozit, gồm, dextrin, axit clorogenic, phytosterol, carotin, adenin, betain, cholin.

Trong dây khoai lang có adenin, betain, cholin, theo Garcia F. (1944, Philip. I. Sci., 76: 7-8) trong ngọn dây khoai lang đỏ có một chất gần giống insulin, ở lá già không có chất này. Do đó người bị đi đái đường có thể dùng dây khoai lang mà ăn.

Qua tác dụng nhuận tràng của lá khoai lang, chúng tôi cho rằng có thể có chứa chất nhựa tẩy, định lượng chúng tôi thấy tỷ lệ chừng 1,95-1,97% (Đỗ Tất Lợi và Bùi Tá Hoan, 1961).

Tác dụng dược lý

Thí nghiệm trên chuột và trên người tác dụng của nước sắc lá khoai lang, chúng tôi thấy tác dụng nhuận tràng rõ rệt, cả đối với chuột và người, không có hiện tượng nào khó chịu. Kết quả này phù hợp với nhận xét trong nhân dân: Một số lớn người ăn rau khoai lang thường đi đại tiện dễ dàng (Đỗ Tất Lợi và Bùi Tá Hoan, 1961. Tài liệu học tập dược,tập 3).

Tại Liên Xô cũ, một số bệnh viện đã rửa củ khoai cho sạch, gọt vỏ, nghiền nát vắt lấy nước, buổi sáng sớm, cho bệnh nhân uống vào lúc đói bụng 1/2 cốc to, trước bữa ăn 1/2 cốc nữa. Sau 2- 3 ngày bệnh nhân khỏi táo bón, một số chỉ khỏi sau 3-4 ngày, nếu có bệnh trĩ phải tới 6 ngày, một số cá biệt đến 12-20 ngày sau mới khỏi.

Công dụng và liều dùng

Ngoài công dụng thực phẩm, làm nguyên liệu chế tinh bột khoai, ta có thể dùng khoai lang làm thuốc nhuận tràng: Phân mềm, không lỏng, không đau bụng. Ngày uống nước sắc, ăn cả lá với liều 60-100g lá tươi hoặc 30-40g lá khổ, hoặc dùng củ như trên giới thiệu.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!