Cây Bạch Cập – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

311
Cây Bạch Cập
Cây Bạch Cập
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Bạch Cập trang 766 tải bản PDF tại đây.

Tên khoa học Bletilla striata (Thunb.) Reichb.

Thuộc họ Lan Orchidaceae.

Bạch cập (Rhizoma Bletillae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch cập. Vị thuốc sắc trắng (bạch là trắng) lại mọc liên tiếp do đó có tên bạch cập.

Mô tả cây

Bạch cập là một loại cây thảo, sống lâu năm, mọc hoang và được trồng ở những vùng đất ẩm, mát, có thân rễ, có vẩy. Lá mọc từ rễ lên, chừng 3 đến 5 lá hình mác dài từ 18-40cm, rộng 2,5- 5cm, trên có nhiều nếp nhăn dọc. Vào đầu mùa hạ, ở đầu cành nở hoa rất đẹp màu đỏ tía. Quả hình thoi 6 cạnh.

Cây Bạch Cập
Cây Bạch Cập

Phân bố, thu hái và chế biến

Bạch cập mọc hoang dại ở nhiều vùng cao mát ở nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang… Nhưng khi so sánh thân rễ thu hái chế biến được từ cây này với vị bạch cập nhập của Trung Quốc thấy chưa giống. Thân rễ bạch cập thu hái vào các tháng 2, tháng 8 ở những cây đã mọc được 2-3 năm, bỏ vảy và rễ con, rửa sạch, sấy nhỏ lửa cho khô hoặc để khô cứng mà dùng. Tuy nhiên với thân rễ cây gọi là bạch cập của ta thì chúng ta chỉ thu được những vị thuốc trong như bánh dày nhỏ.

Còn vị bạch cập nhập thì là những khối rắn, cứng, có màu trắng nâu, với hai hoặc ba nhánh con rất đặc biệt. Soi qua kính hiển vi thấy trong bột vị bạch cập có những tế bào biểu bì với những đường vòng vèo, những tế bào nhu mô chứa tinh thể oxalat canxi hình kim. Hiện nay vị bạch cập ở nước ta chưa được khai thác, ít nhất vì hình thức bề ngoài chưa đúng vị bạch cập nhập.

Thành phần hoá học

Trong vị bạch cập có 55% chất nhầy, một ít tinh dầu và glycogen.

Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ, bạch cấp vị đắng, tính bình, vào phế kinh. Có tác dụng bổ phế, sinh cơ, hoá ứ, cầm máu, dùng trong những trường hợp thổ ra máu, máu cam, chữa tà khí vào dạ dày, chứng huyết lỵ, nhiệt sang lâu khỏi.

Hiện nay bạch cập chủ yếu được dùng theo kinh nghiệm cổ của nhân dân, làm thuốc cầm máu, trong những trường hợp nôn ra máu, họ ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu, đau mắt đỏ, dùng ngoài đắp lên những mụn nhọt sưng tấy, bỏng lửa. Ngày dùng từ 4 đến 12g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.

Đơn thuốc có vị bạch cập dùng trong nhân dán

Chữa thổ huyết:

Bạch cập tán nhỏ, uống với nước cơm hay nước cháo. Ngày uống 10-15g.

Đổ máu cam:

Bạch cập tán nhỏ, hoà với nước, đắp lên sống mũi và uống. Ngày uống 1 đến 3g.

Chữa bỏng lửa:

Bạch cập tán nhỏ, hoà với dầu vừng bôi lên.

Vết thương do đâm chém:

Bạch cập 20g, thạch cao 20g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều, rắc lên vết thương rất chóng hàn miệng.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!