Thông tin về Acetylcystein – thuốc tiêu chất nhầy, tan đờm

36
Acetylcystein
Acetylcystein
Đánh giá

Thông tin chung về hoạt chất Acetylcystein

Acetylcystein có tác dụng điều hòa chất nhầy theo kiểu làm tan đờm. Acetylcystein được dùng làm thuốc tiêu chất nhầy và thuốc giải độc khi quá liều paracetamol. Thuốc làm giảm độ quánh của đờm ở xoang, tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học.

Acetylcystein
Công thức cấu tạo của Acetylcystein

Dược lý và cơ chế tác dụng của Acetylcystein

Đặc tính dược lực học

Acetylcystein (N-acetylcystein) là dẫn chất N-acetyl của L-cysteine, một acid amin tự nhiên. Acetylcystein có công dụng tiêu chất nhầy do sulfhydryl tự do làm giảm độ quánh của đờm ở phổi có mủ hoặc không bằng cách tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng cách ho, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học. Tác dụng này mạnh nhất ở pH 7 – 9 và không bị tác động do DNA.

Acetylcystein được dùng làm thuốc giải độc khi quá liều paracetamol và cơ chế chính xác của tác dụng bảo vệ cho gan chưa được biết đầy đủ. Theo nghiên cứu in vitro và trên động vật cho thấy rằng một lượng paracetamol bị chuyển hóa bởi enzym cytochrom P450 tạo thành chất chuyển hóa trung gian có độc tính (N-acetyl p-benzoquinoneimin, N-acetyl iminoquinon, NAPQI) gây hoại tử cho tế bào gan, các chất này được tiếp tục chuyển hoá bằng liên hợp với glutathion để được thải trừ qua nước tiểu. Trong quá liều paracetamol có thể gây ra thiếu hụt glutathione và vì vậy giảm sự bất hoạt các chất chuyển hóa trung gian có độc tính này, đồng thời đường chuyển hóa bằng liên hợp acid glucuronic và acid sulfuric trở thành bão hòa. Acetylcystein có tác dụng bảo vệ gan bởi đã duy trì hoặc khôi phục nồng độ glutathion của gan là chất cần thiết để làm bất hoạt chất chuyển hóa trung gian của paracetamol gây độc cho gan hoặc như một chất nền đối với sự liên hợp của các chất chuyển hoá trung gian có độc tính. Acetylcystein có tác dụng bảo vệ gan tốt nhất nếu dùng trong vòng 8 giờ sau khi bị quá liều paracetamol và có thể có tác dụng sau 24 giờ. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy rằng, khi uống acetylcystein thì nồng độ thuốc ở gan cao hơn so với khi tiêm tĩnh mạch nhưng hay gây nôn. Có thể phải dùng thuốc chống nôn. Tiêm tĩnh mạch cho nồng độ huyết tương cao hơn uống và có thể có tác dụng ích lợi ngoài gan, nhưng có thể gây phản ứng phản vệ.

Cơ chế hoạt động của Acetylcystein trên Paracetamol

Ngoài những công dụng được trích dẫn trong tài liệu, N-acetylcystein có thể được coi là hữu ích trong các liệu pháp chống lại các bệnh thoái hóa thần kinh và sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, hợp chất này đã được đánh giá về khả năng bảo vệ thần kinh trong việc ngăn ngừa chứng mất trí do lão hóa nhận thức.

Một số cơ chế có thể cho hoạt động phân hủy chất nhầy của acetylcystein đã được đề xuất. Các nhóm sulfhydryl của acetylcystein có thể thủy phân các liên kết disulfua trong chất nhầy, phá vỡ các oligomer và làm cho chất nhầy ít nhớt hơn. Acetylcystein cũng đã được chứng minh là làm giảm tiết chất nhầy trong mô hình chuột. Bản thân nó là một chất chống oxy hóa nhưng cũng bị khử acetyl thành cysteine, tham gia vào quá trình tổng hợp glutathione chống oxy hóa. Hoạt tính chống oxy hóa cũng có thể làm thay đổi các phản ứng oxi hóa khử nội bào, làm giảm quá trình phosphoryl hóa EGFR và MAPK, làm giảm quá trình phiên mã của gen MUC5AC tạo ra chất nhầy.

Trong trường hợp quá liều acetaminophen, một phần thuốc được chuyển hóa bởi CYP2E1 để tạo thành chất chuyển hóa có khả năng gây độc N-acetyl-p-benzoquinone imine (NAPQI). Lượng NAPQI được tạo ra khi dùng quá liều sẽ bão hòa và làm cạn kiệt nguồn dự trữ glutathione. NAPQI tự do liên kết bừa bãi với protein trong tế bào gan, dẫn đến hoại tử tế bào. Acetylcystein có thể liên hợp trực tiếp NAPQI hoặc cung cấp cysteine ​​để sản xuất glutathione và liên hợp NAPQI.

Acetylcystein đối với các chứng rối loạn thần kinh. N-acetylcysteine (NAC), được biết đến rộng rãi như một loại thuốc giải độc cho quá liều acetaminophen, hiện đang nổi lên như một phương pháp điều trị các rối loạn thần kinh mạch máu và không mạch máu. NAC là tiền thân của glutathione chống oxy hóa điều chỉnh các con đường glutamatergic, thần kinh và viêm.

Đặc tính dược động học

Hấp thu: Sau khi hít qua miệng hoặc nhỏ thuốc vào khí quản, phần lớn thuốc tham gia vào phản ứng sulfhydryl-disulfide, số còn lại được biểu mô phổi hấp thu. Sau khi uống, acetylcystein được hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 0,5 – 1 giờ sau khi uống liều 200 – 600 mg, bị gan khử acetyl thành cystein và sau đó được chuyển hóa. Sinh khả dụng khi uống thấp và có thể do chuyển hóa trong thành ruột và chuyển hóa bước đầu trong gan.

Phân bố: 83% thuốc gắn với protein huyết tương. Thể tích phân bố là 0,47 lít/kg; tỷ lệ gắn protein huyết tương 83%.

Thải trừ: Độ thanh thải thận có thể chiếm 30% độ thanh thải toàn thân. Sau khi tiêm tĩnh mạch, nửa đời thải trừ là 5,6 giờ ở người lớn và 11 giờ ở trẻ sơ sinh; nửa đời thải trừ tăng trung bình khoảng 80% ở người bị suy gan nặng.

Chuyển hóa: Acetylcystein có thể bị khử acetyl bởi aminoacylase 1 hoặc các deacetylase không xác định khác trước khi trải qua quá trình chuyển hóa bình thường của cysteine.

Chỉ định của Acetylcystein

Acetylcystein được chỉ định làm tiêu chất nhầy đối với các bệnh nhầy nhớt như xơ nang tuyến tụy,… hay bệnh lý liên quan đến hô hấp có đờm nhầy quánh lại như trường hợp bị viêm phế quản mạn và cấp tính.

Acetylcystein được chỉ định trong trường hợp giải độc khi bị quá liều paracetamol.

Chỉ định sử dụng tại chỗ trong trường hợp điều trị tình trạng bị khô mắt kết hợp với tiết bất thường chất nhầy.

Chống chỉ định của Acetylcystein

Chống chỉ định sử dụng Acetylcystein với các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử bị bệnh hen.
  • Bệnh nhân bị dị ứng hay quá mẫn với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Trẻ em có độ tuổi dưới 2.

Liều dùng và cách dùng Acetylcystein

Cách dùng:

Nếu dùng làm thuốc tiêu chất nhầy, có thể phun mù, cho trực tiếp hoặc nhỏ vào khí quản dung dịch acetylcystein 10 – 20%. Thuốc tác dụng tốt nhất ở pH từ 7 đến 9, và pH của các chế phẩm bán trên thị trường có thể đã được điều chỉnh bằng natri hydroxyd. Nếu dùng làm thuốc giải độc trong quá liều paracetamol, có thể cho uống dung dịch acetylcystein 5%. Cũng có thể dùng đường tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch để điều trị quá liều paracetamol nhưng nên chọn cách uống.

Thuốc nhỏ mắt acetylcystein 5% dùng tại chỗ để làm giảm nhẹ các triệu chứng do thiếu màng mỏng nước mắt.

Liều lượng:

Làm thuốc tiêu chất nhầy, acetylcystein có thể được dùng:

Hoặc phun mù 3 – 5 ml dung dịch 20% hoặc 6 – 10 ml dung dịch 10% qua một mặt nạ hoặc đầu vòi phun, từ 3 đến 4 lần mỗi ngày. Nếu cần, có thể phun mù 1 đến 10 ml dung dịch 20% hoặc 2 đến 20 ml dung dịch 10%, cách 2 đến 6 giờ 1 lần.

Hoặc nhỏ trực tiếp vào khí quản từ 1 đến 2 ml dung dịch 10 đến 20% mỗi giờ 1 lần. Có thể phải hút đờm loãng bằng máy hút.

Hoặc uống với liều 200 mg, ba lần mỗi ngày, dưới dạng hạt hòa tan trong nước. Trẻ em dưới 2 tuổi uống 200 mg/ngày chia 2 lần và trẻ em từ 2 đến 6 tuổi uống 200 mg, hai lần mỗi ngày.

Ðiều trị khô mắt có tiết chất nhầy bất thường: Thường dùng acetylcystein tại chỗ, dưới dạng dung dịch 5% cùng với hypromellose, nhỏ 1 đến 2 giọt, 3 đến 4 lần mỗi ngày.

Dùng làm thuốc giải độc quá liều paracetamol bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch hoặc uống:

Tiêm truyền tĩnh mạch: Liều đầu tiên 150 mg /kg thể trọng, dưới dạng dung dịch 20% trong 200 ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong 15 phút, tiếp theo, truyền nhỏ giọt tĩnh mạch 50 mg/kg trong 500 ml glucose 5%, trong 4 giờ tiếp theo và sau đó 100 mg/kg trong 1 lít glucose 5% truyền trong 16 giờ tiếp theo. Ðối với trẻ em thể tích dịch truyền tĩnh mạch phải thay đổi.

Hoặc uống: Liều đầu tiên 140 mg/kg, dùng dung dịch 5%; tiếp theo cách 4 giờ uống 1 lần, liều 70 mg/kg thể trọng và uống tổng cộng thêm 17 lần.

Acetylcystein được thông báo là rất hiệu quả khi dùng trong vòng 8 giờ sau khi bị quá liều paracetamol, hiệu quả bảo vệ giảm đi sau thời gian đó. Nếu bắt đầu điều trị chậm hơn 15 giờ thì không hiệu quả, nhưng các công trình nghiên cứu gần đây cho rằng vẫn còn có ích.

Tác dụng không mong muốn của Acetylcystein

Acetylcystein có giới hạn an toàn rộng. Tuy hiếm gặp co thắt phế quản rõ ràng trong lâm sàng do acetylcystein, nhưng vẫn có thể xảy ra với tất cả các dạng thuốc chứa acetylcystein.

Thường gặp, ADR > 1/100

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn (đường uống); phản ứng quá mẫn (truyền tĩnh mạch).
  • Tim mạch: Đỏ bừng, phù, tim đập nhanh.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

  • Thần kinh: Buồn ngủ, nhức đầu, ù tai.
  • Hô hấp: Viêm miệng, chảy nước mũi nhiều, ran ngáy.
  • Da: Phát ban, mày đay.

Hiếm gặp, ADR < 1/1 000

  • Toàn thân: Co thắt phế quản kèm phản ứng dạng phản vệ toàn thân, sốt, rét run.

Độc tính của Acetylcystein

Bệnh nhân bị quá liều có thể bị nôn, buồn nôn, co thắt phế quản, phù mạch quanh hốc mắt và hạ huyết áp. Điều trị bệnh nhân bằng các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Chạy thận nhân tạo có thể loại bỏ một số acetylcystein khỏi tuần hoàn vì nó phần nào gắn với protein.

Tương kỵ của Acetylcystein

Acetylcystein phản ứng với một số kim loại, đặc biệt sắt, niken, đồng và với cao su. Cần tránh thuốc tiếp xúc với các chất đó.

Không được dùng các máy phun mù có các thành phần bằng kim loại hoặc cao su.

Dung dịch natri acetylcystein tương kỵ về lý và/hoặc hóa học với các dung dịch chứa penicilin, oxacilin, oleandomycin, amphotericin B, tetracyclin, erythromycin lactobionat, hoặc ampicilin natri. Khi định dùng một trong các kháng sinh đó ở dạng khí dung, thuốc đó phải được phun mù riêng.

Dung dịch acetylcystein cũng tương kỵ về lý học với dầu iod, trypsin và hydrogen peroxide.

Tương tác của Acetylcystein

Acetylcystein là một chất khử nên tương kỵ hóa học với các chất oxy hóa.

Không được dùng đồng thời các thuốc ho khác hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản trong thời gian điều trị bằng acetylcystein.

Thận trọng khi sử dụng Acetylcystein

Phải giám sát chặt chẽ người bệnh có nguy cơ phát hen nếu dùng acetylcystein cho người có tiền sử dị ứng; nếu có co thắt phế quản, phải dùng thuốc phun mù giãn phế quản như salbutamol (thuốc beta2 adrenergic chọn lọc, tác dụng ngắn) hoặc ipratropium (thuốc kháng muscarin) và phải ngừng acetylcystein ngay. Khi điều trị với acetylcystein, có thể xuất hiện nhiều đờm loãng ở phế quản, cần phải hút để lấy ra nếu người bệnh giảm khả năng ho. Sốc phản vệ dẫn đến tử vong khi dùng acetylcystein đã được báo cáo, thường xảy ra trong thời gian 30 – 60 phút, cần theo dõi và ngừng thuốc nếu phản ứng xảy ra và xử trí kịp thời.

Phải hết sức chú ý điều chỉnh lượng dịch truyền khi điều trị quá liều paracetamol để tránh truyền dịch quá tải gây ra triệu chứng hạ natri huyết, co giật, tử vong. Kiểm soát chặt chẽ hơn đối với trẻ em, người bệnh có thể trọng dưới 40 kg.

Nếu có nôn dữ dội khi uống thuốc thì cần theo dõi chảy máu dạ dày hoặc giãn thực quản, loét dạ dày

Đối với phụ nữ đang mang thai

Điều trị quá liều paracetamol bằng acetylcystein ở người mang thai có khả năng ngăn chặn được độc tính cho gan ở thai nhi cũng như ở người mẹ

Bà mẹ đang cho con bú
Thuốc dùng an toàn cho người cho con bú.

Cách bảo quản Acetylcystein
Phải bảo quản lọ dung dịch natri acetylcystein ở 15 – 30 độ C.

Sau khi mở tiếp xúc với không khí, dung dịch phải bảo quản ở 2 – 8 độ C để làm chậm oxy hóa và phải dùng trong vòng 96 giờ.

Acetylcystein đậm đặc dùng để pha thuốc tiêm nên bảo quản ở 20 – 25 độ C. Khi pha loãng với dung dịch dextrose 5%, dung dịch thu được bền ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ.

Quá liều và xử trí

Quá liều acetylcystein có triệu chứng tương tự như triệu chứng của phản vệ, nhưng nặng hơn nhiều: Đặc biệt là giảm huyết áp.

Các triệu chứng khác bao gồm suy hô hấp, tan máu, đông máu rải rác nội mạch và suy thận. Tử vong đã xảy ra ở người bệnh bị quá liều acetylcystein trong khi đang điều trị nhiễm độc paracetamol. Quá liều acetylcystein xảy ra khi tiêm truyền quá nhanh và với liều quá cao. Điều trị quá liều theo triệu chứng.

Acetylcystein có bao nhiêu hàm lượng và dạng bào chế?

Viên nén: 200 mg.

Gói thuốc bột: 200 mg.

Dung dịch thuốc hít qua miệng, thuốc nhỏ vào khí quản và thuốc uống: 100 mg/ml, 200 mg/ml.

Dung dịch tiêm đậm đặc: 200 mg/ml để pha dịch truyền.

Thuốc nhỏ mắt: Acetylcystein 5%, hypromellose 0,35%.

Thuốc Acetylcystein giá bao nhiêu?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng bào chế cũng như hàm lượng Acetylcystein với giá thành khác nhau, quý bạn đọc có thể tham khảo và tìm mua các sản phẩm phù hợp.

Một số sản phẩm có chứa thành phần Acetylcystein
Các sản phẩm trên thị trường hiện nay có chứa thành phần Acetylcystein chủ yếu được bào chế dưới dạng viên nén, bột pha dung dịch bao gồm các hàm lượng khác nhau dưới tên thương mại như Franxomuc, Xumocolat,…

Acetylcystein
Các biệt dược chứa Acetylcystein

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư quốc gia năm 2018 ( cập nhật năm 2018), Dextromethorphan, Trang 111 – 112. Dược Thư Quốc Gia Việt Nam. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2023
  2. Chuyên gia Pubmed. N-acetylcysteine (NAC) in neurological disorders: mechanisms of action and therapeutic opportunities, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 04 năm 2023.
  3. Chuyên gia Pubmed. Overview on the Effects of N-Acetylcysteine in Neurodegenerative Diseases, Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 04 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!