Cây Cà Gai Leo – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

266
Cà Gai Leo
Cà Gai Leo
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cà Gai Leo trang 563-564 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là cà quính, cà quánh, trap khai (Campuchia), Blou xít (Lào).

Tên khoa học Solanum procumbens Lour. (Solanum hainanense Hance)

Thuộc họ Cà Solanaceae

Mô tả cây

Cà gai leo thuộc loại cây nhỡ leo, thân dài 0,60-1m hay hơn, rất nhiều gai, cành xòa rộng, trên phủ lông hình sao. Lá hình trứng hay thuôn, phía gốc lá hình rìu hay hơi tròn, mép nguyên hay hơi lượn và khóa thùy, hai mặt, nhất là mặt dưới phủ lông trắng nhạt, phiến dài 3-4cm, rộng 12-20mm, có gai, cuống dài 4-5mm. Hoa tím nhạt, nhị vàng, họp thành xim gồm 2-5 hoa. Quả hình cầu, khi chín có màu vàng, bóng, nhẵn, đường kính 5-7mm. Hạt màu vàng, hình thận, có mạng, dài 4mm, rộng 2mm.

Cà Gai Leo
Cà Gai Leo

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây cà gai leo mọc hoang ở khắp nơi tại các tỉnh miền Bắc, tới Huế. Ở Lào và Campuchia cũng có.

Thường người ta đào rễ quanh năm, rửa sạch thái mỏng phơi hay sấy khô làm thuốc. Không phải chế biến gì khác.

Thành phần hoá học

Toàn cây và nhiều nhất ở rễ có ancaloit. Trong rễ còn có tinh bột, saponozit, flavonozit solasodin. solasodinon…

Công dụng và liều dùng

Rễ cà gai leo được nhân dân dùng làm thuốc chữa phong thấp, đau nhức răng, sâu răng chảy máu chân răng.

Có nơi nhân dân coi như có tác dụng chữa Say rượu. Người ta cho rằng trong khi uống rượu thỉnh thoảng sát răng bằng rễ cà gai leo thì tránh được say rượu. Nếu bị say uống nước sắc của rễ. Ngoài ra còn dùng chữa bệnh lậu. Mỗi ngày uống từ 16-20g rễ khô dưới dạng sắc.

Có nơi còn dùng chữa rắn cắn: Nhai rễ nuốt nước, bã đắp lên vết bị rắn cắn.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!