Trầu Không – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

350
Trầu Không
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Trầu Không trang 118 – 119, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là trầu, thược tương, mô-lu (Campuchia), hruè êhang (Buôn Mê Thuột).

Tên khoa học Piper betle L.(Piper siriboa L.)

Thuộc họ Hồ tiêu Piperaceae.

Mô tả cây

Trầu không là một loại cây mọc leo, thân nhắn. Lá mọc so le, cuống có bẹ, dài 1,5-3,5cm, phiến lá hình trái xoan, dài 10-13cm, rộng 4,5- 9cm, phía cuống hình tim (đối với những lá phía gốc) đầu lá nhọn, khi soi lên thấy rất nhiều điểm chứa tinh dầu rất nhỏ, gần lá thường 5. Hoa khác gốc mọc thành bông. Quả mọng không có vòi sót lại

Lá trầu không
Lá trầu không

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây trầu không được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy lá ăn trầu. Nó còn được trồng tại nhiều nước khác ở châu Á, vùng nhiệt đới như Malaixia, Inđônêxia, Philipin.

Làm thuốc người ta cũng dùng lá trầu không hái như đối với lá dùng ăn trầu.

Thành phần hóa học

Trong lá trầu không có 0,8-1,8%, có khi đến 2,4% tinh dầu tỷ trọng 0,958-1,057 thơm mùi creozot (củi đốt), vị nóng. Trong tinh dầu người ta đã xác định có hai chất phenol là betel-phenol (đồng phân với chất eugenol chavibetol C10H12O2 và chavicol), kèm theo một số hợp chất phenolic khác.

Hoạt chất khác chưa rõ.

Tác dụng dược lý

Ít có tài liệu nghiên cứu. Năm 1956, Bộ môn ký sinh Trường đại học y dược Hà Nội có nghiên cứu thấy trầu không có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi trùng: Tụ cầu, Subtilit và trực trùng Coli (Y học tạp chí số 4, tháng 11/ 1956).

Năm 1961, Phòng đông y thực nghiệm thuộc Viện vi trùng học cũng thí nghiệm lại và cũng xác định tính chất kháng sinh bay hơi của lá trầu không.

Một số bệnh viện của ta đã dùng cao nước trầu không thí nghiệm điều trị bệnh viêm cận răng (paradentose) có kết quả.

Công dụng và liều dùng

Ngoài công dụng dùng để ăn trầu (lá trầu không, vôi, cau và vỏ cây), nhân dân nhiều nơi còn dùng lá trầu không giã nhỏ, cho thêm nước sôi vào rồi dùng rửa những vết loét, mẩn ngứa, viêm mạch hạch huyết. Nước pha lá trầu không còn được dùng làm thuốc nhỏ mắt chữa viêm kết mạc, chữa bệnh chàm mặt của trẻ em. Ít dùng trong. Chỉ hay dùng ngoài, liều lượng tùy tiện Có nơi còn giã lá trầu không đắp lên ngực để chữa họ và hen, hoặc đắp lên vú để cho sữa không ra nữa.

Đơn thuốc có trầu không

Chúng ta giới thiệu sau đây đơn thuốc dùng lá trầu không để chữa các vết lở loét, mụn nhọt, vết chàm của trẻ em mới đẻ (Đỗ Tất Lợi). Lá trầu không tươi: 2 hoặc 3 lá, cắt thật nhỏ, cho vào một cốc con. Dội nước sôi vào cho vào cho ngập lá trầu không. Làm như khi ta pha chè. Đợi chừng 10-15 phút cho chất thuốc trong lá trầu thôi ra nước. Dùng nước này rửa các vết loét, vết chàm, mụn nhọt.

Ngày làm như vậy 2 hoặc 3 lần, nếu vết loét rửa bằng lá trầu không, còn có nước vàng rỉ ra thì có thể dùng giấy bản đốt lấy tro mà đắp vào. Rất chóng khỏi.

Nếu vết loét quá to, thì có thể dùng số lượng lá trầu không nhiều hơn.

Đáng lẽ pha thuốc như trên, ta có thể đem lá trầu không đun với nước cho sôi kỹ để ấm mà dùng.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!