Cây Bọ Mẩy (Đại Thanh) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

308
Bọ Mẩy
Bọ Mẩy
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Bọ Mẩy trang 67 – 68, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là đại thanh, đắng cay, mẩy kỳ cáy, thanh thảo tâm, bọ nẹt.

Tên khoa học Clerodendron cyrtophyllum Turcz. (Clerodendron amplius Hance, Clerodendron formosanum Maxim., Cordia venosa Hemsl.).

Thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae.

Mô tả cây

Cây nhỏ, cành tròn, lúc non có lông sau nhẵn. Lá hình mác đầu nhọn, phía cuống cũng nhọn, hay hơi tròn, hai mặt đều nhẵn, màu xanh lục sẫm, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, gần nổi rõ ở mặt dưới. Cụm hoa hình ngù chùy, nhẵn, mang những nhánh hoa thưa, màu trắng, đôi khi màu hồng. Đài và tràng hoa có lông. Nhị thòi dài gấp 2 ống hoa. Nhụy có vòi dài bằng hay gần bằng nhị, núm xẻ hai. Quả nhỏ bọc trong đài

Hoa và lá cây bọ mẩy
Hoa và lá cây bọ mẩy

Phân bố, thu hái chế biến

Mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Còn mọc ở Lào, Campuchia, Trung Quốc. Hay ưa đồi đất đỏ.

Thường hái toàn cây, bỏ rễ đem về phơi hay sấy khô mà dùng. Không phải chế biến gì, hoặc chỉ sao vàng cho thơm.

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ chúng tôi thấy có ancaloit.

Công dụng và liều dùng

Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân. Thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh nở; sao vàng sắc uống cho ăn ngon cơm, chóng lại sức. Ngày dùng từ 10 đến 15g.

Một vài vùng thường hái lá non về nấu canh ăn

Nhân dân tỉnh Hồ Nam Trung Quốc dùng bọ mẩy chữa sốt phát ban, viêm amidan, cổ họng, lỵ trực trùng.

Chú thích:

Cho đến nay cây này chưa được chính thức đưa vào khai thác ở nước ta. Nhưng một số tỉnh đã thu mua rễ cây này và bán với tên địa cốt bì. Đây là một sự nhầm lẫn cần tránh (Xem vị địa cốt bì).

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!