Thỏ Ty Tử (Cây Tơ Hồng) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

455
Thỏ Ty Tử
Thỏ Ty Tử
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Thỏ Ty Tử trang 869-870 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là cây tơ hồng, miễn tử, đậu ký sinh, hạt cây tơ hồng.

Tên khoa học Cuscuta sinensis Lamk. (Cuscuta hygrophilae Pears., C. hyalina Wight.).

Thuộc họ Bìm bìm Convolvulaceae.

Thỏ ty tử (Semem Cuscutae sinensis) là hạt phơi hay sấy khô của cây tơ hồng.

Mô tả cây tơ hồng

Cây tơ hồng hay dây tơ hồng là một loại dây ký sinh cuốn trên các cây khác, thân thành sợi màu vàng hay đỏ nâu nhạt, không có lá. Lá biến thành vẩy, cây có rễ mút để hút các thức ăn từ cây chủ. Hoa ít thấy, hình cầu màu trắng nhạt, gần như không có cuống, tụ thành 10-20 hoa một. Quả hình cầu, chiều ngang rộng hơn chiều cao, rộng độ 3mm, nứt từ dưới lên. Hạt 2 đến 4, hình trứng. đỉnh dẹt, dài chứng 2mm.

Tại miền Bắc hay gặp nó ký sinh trên cây cúc tần Pluchea indica thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).

Thỏ Ty Tử
Thỏ Ty Tử

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây tơ hồng mọc khắp nơi ở nước ta nhưng thường ít dùng hạt, ta thường hái cà cây phơi khô. Hạt cây tơ hồng tức là vị thỏ ty tử thì ta vẫn phải nhập của Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, vào các tháng 8-9 người ta hái cả cây về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch tạp chất là được.

Thành phần hóa học

Trong hạt thỏ ty tử người ta mới thấy có một chất nhựa, tính chất glucozit gọi là cuscutin. Hoạt chất khác chưa rõ.

Tác dụng dược lý 

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Công dụng và liều dùng

Thỏ ty tử là một vị thuốc nhân dân.

Đông y coi thỏ ty tử là một vị thuốc bổ chữa bệnh liệt dương, di tinh, đau lưng, mỏi gối, tai ù, mắt mờ, sốt khát nước, dùng lâu đẹp nhân sắc. Liều dùng: Ngày uống 8-16g.

Theo tài liệu cổ, thỏ ty tử có vị ngọt, cay, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ can, thận ích tinh tủy, mạnh gân cốt. Dùng chữa thận hư tính lạnh, liệt dương, di tinh, chàn lưng mỏi đau, tiểu tiện đục. Những người dễ cường dương, bí đại tiện không nên dùng.

Đơn thuốc có thỏ ty tử trong nhân dân

  1. Thuốc bổ-cố tinh

Thỏ ty tử 8g, ngũ vị tử 1g, xa tiền tử 1g, khởi tử 8g, phúc bồn tử 4g.

Các vị tán nhỏ trộn với mật ong, làm thành viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 4g.

  1. Đơn thuốc chữa đi đái đêm, di tinh

Thỏ ty tử 7g, phúc bồn tử 4g, kim anh tử 6g, nước 400ml. Sắc còn 100m1. Lọc bỏ bã. Chia 2,3 lần uống trong ngày.

Chú thích:

  1. Nhân dân ta ít dùng hạt hoặc nếu dùng hạt thì nhập của Trung Quốc, mà dùng cả dây hái về phơi khô sắc uống làm thuốc bổ, chữa di mộng tinh hoặc chữa bệnh lở sài (gourme) của trẻ con.
  2. Ngoài hạt cây tơ hồng nói trên, tại Trung Quốc còn dùng một loại cây tơ hồng nữa gọi là đại thỏ ty tử Cuscuta japonica cùng họ và cùng một công dụng.
  3. Việt Nam ta còn dùng dày và hạt một cây nữa cũng mang tên tơ hồng nhưng thuộc họ thực vật khác khắc hẳn. Đó là cây Cassytha filiformis L. Thuộc họ Long não (Lauraceae).

Đây là một loại dây leo, nhẵn, thân dạng sợi quấn vào nhau, màu xanh lục, không lá hoặc giảm thành vẩy, hoa nhỏ trắng, không cuống mọc thành bông dài 1.5-5cm. Quả hình cầu to bằng hạt tiêu, đựng trong một ống của bao hoa mẫm.

Toàn cây chứa một chất nhầy. Người ta thường giã nhỏ, trộn với với bột để trát thuyền. Trong cây còn chứa một ít laurotetanin.

Nhân dân dùng làm thuốc bổ, thuốc họ và thuốc lọc máu, chữa lậu, đắp các vết lở loét, chữa sốt.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!