Phá Cố Chỉ (Bổ Cốt Chỉ, Phá Cốt Tử) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

375
Phá Cố Chỉ
Phá Cố Chỉ
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Phá Cố Chỉ trang 873-874 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là phá cốt tử, hoặc cố tử, bổ cốt chỉ, hạt đậu miêu.

Tên khoa học Psoralea corylifolia L.

Thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

Phá cố chỉ (Semen Psoraleae) hay bổ cốt chi là hạt phơi khô của cây phá cố chỉ hay cây đậu miêu.

Cốt là xương, chỉ là mỡ vì nhân dân coi vị thuốc có tính bổ xương tủy.

Mô tả cây

Cây nhỏ mọc hằng năm, cao 0,3-1m. Trên thân có lông trắng, lá mọc so le, hình trứng đầu nhọn, đáy lá tròn, mép có răng cưa dài 6-9cm, rộng 5- 7cm, cuống lá dài 2-4cm, có lá kèm. Hoa mọc thành chùm dài 6-10cm ở kẽ lá, cành hoa màu vàng nâu nhạt. Quả hình trứng màu đen dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình thận hay hình trứng dẹt dài 5mm, rộng 3mm có màu nâu đen hay đen. Trên mặt hạt có văn hình những hạt nhỏ giữa hơi lõm, mùi thơm, vị cay.

Phá Cố Chỉ
Phá Cố Chỉ

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây nguồn gốc ở Ấn Độ. Có mọc ở Việt Nam nhưng ít khai thác.

Gần đây, ta di thực từ Trung Quốc, cây mọc khỏe. Gieo hạt vào mùa xuân, phù ít đất lên. Sau nửa tháng cây mọc, mỗi cây trồng cách nhau 10-29cm. Vào mùa thu quả chín hái về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch vỏ và đất cát là được. Khi dùng để nguyên hoặc sao, hoặc tẩm muối rồi mới sao khô.

Thành phần hóa học

Trong hạt phá cố chỉ có chừng 20% chất dầu, một ít tinh dấu trong đó có psoralen, isopsoralen (angelixin), ancaloit, glucozit và 9,2% chất nhựa

Hoạt chất là tinh dầu, có tác dụng đối với vi trùng streptocoe trên da, dùng chữa bệnh bạch biến (da bị trắng từng khoảng) vì nó kích thích sự bài tiết các sắc tố đen (mélanoblastes).

Công dụng và liều dùng

Phá cố chỉ là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi nhân dân, làm thuốc bổ dùng cho người già yếu, đau lưng, con trai đau lưng, mỏi gối, tiểu tiện nhiều, hoạt tinh.

Phụ nữ dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, khí hư. Hạt ngâm rượu, dùng bôi ngoài da chữa bệnh bạch biến (da bị trắng từng chỗ). Ấn Độ dùng làm thuốc chữa hủi, bệnh ngoài da.

Liều dùng: Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hoặc thuốc viên.

Đơn thuốc có phá cổ chỉ

  1. Chữa bệnh đi đái nhiều, tinh khí không kiên định:

Phá cố chỉ (ngâm rượu rồi sao) 100g, tiểu hồi (sao) 100g. Tán nhỏ, trộn đều, làm thành viên. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2-5g viên này.

  1. Bài thuốc chữa ho lao:

Phá cố chỉ 400g, tẩm rượu một đêm rồi phơi khô. Sau đó lấy một nắm vùng trộn lẫn với phá cố chỉ rang lên cho đến khi vùng hết nổ (tiêu chuẩn giúp cho ta biết khi nào là được vì vị phá cố chỉ màu đen không biết như thế nào là vừa). Sàng bỏ vừng đi. Lấy phá cố chỉ tán thành bột, làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên chia làm 2-3 lần uống. Chữa chứng ho, mệt, người gầy yếu hay ra mồ hôi.

Theo tài liệu cổ, phá cố chỉ có vị cay, đắng, tính đại ổn, vào 3 kinh tỳ, thận và tâm bào. Có tác dụng bổ mệnh môn trướng hỏa nạp thận khí, là thuốc cường tráng dùng chữa các chứng ngũ lao, thất thương, cốt tủy thương bại, phụ nữ khí huyết xấu, trụy thai, tỳ thận hư hàn, đái són, lưng gối lạnh đau. Phàm những bệnh âm hư hỏa động đi tiểu ra huyết, máu đỏ, đại tiện táo kết không dùng được.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!