Cây Nhội (Thu Phong) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

451
Lá, hoa, quả của cây Nhội
Lá, hoa, quả của cây Nhội
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Nhội trang 61 – 62, tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là thu phong, ô dương, trọng dương mộc

Tên khoa học Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook.f. (Bischofia javanica Blume, Andrachne trifoliata Roxb.)

Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae

Cần chú ý ngay là có 2 cây mang tên nhội. Cây thứ hai thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae, có tên khoa học là Citharexylon quadrangulare Jacq. (Xem chú thích ở cuối).

Mô tả cây.

Nhội là một cây to, có thể cao tới hơn 20m. Lá kép gồm 3 lá chét hình trứng hay hình mác rộng, mép có răng cưa tù dài 8-15cm, đầu lá chét nhọn, đáy lá chét cũng nhọn; cuống chung dài tới 7-10cm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Hoa đơn tính, khác gốc, nhỏ, màu lục nhạt; hoa đực có 5 lá đài, 5 nhị; hoa cái cũng có 5 lá đài; bầu 3 6, mỗi ô chứa 2 noãn. Quả thịt, hình cầu, đường kính 1-1,5cm, màu nâu hay hồng nhạt, vị chát, chứa 2-3 hạt màu nâu; vỏ quả trong dai. Mùa hoa: cuối xuân đầu hạ.

Phân bố, thu hái và chế biến.

Cây nhội được trồng lấy bóng mát ở nhiều thành phố nước ta, nhiều nhất ở Hà Nội. Còn thấy mọc hoang trong rừng. Cũng thấy mọc Ấn Độ, MaLaixia, InĐônêxia, Châu Đại Dương.
Chủ yếu người ta khai thác lấy gỗ nhội màu đỏ nhạt, cứng chắc làm cột nhà, chày giã gạo, ván sàn, tuy nhiên vì gỗ này thường bị sâu bọ ăn cho nên chỉ được coi là loại gỗ hồng sắc, độ bền không quá 20 năm. Lá nhội non thường dùng để ăn gỏi cá. Trước đây ít thấy dùng làm thuốc. Hiện nay người ta bắt đầu dùng lá làm thuốc. Có thể hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào lúc cây đang ra hoa. Quả có thể ăn được; chim rất ưa.

Thành phần hóa học.

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Tác dụng dược lý.

Năm 1963, Bộ môn ký sinh trùng Trường Đại học y dược Hà Nội nghiên cứu có hệ thống những vị thuốc có khả năng trừ giun sán và các ký sinh trùng khác, phát hiện thấy lá nhội có tác dụng rất mạnh đối với trùng roi (Trichomonas vaginalis); đã áp dụng điều trị thí nghiệm bệnh ỉa chảy của khỉ do lỵ trực trùng, kết quả khỏi đạt 88% trên người, dùng chữa khí hư do trùng roi, kết quả rất nhiều triển vọng. Độc tính rất thấp.

Dược liệu Thu Phong
Dược liệu Thu Phong

Công dụng và liều dùng.

Lá nhội non được dùng trong nhân dân làm món ăn (gỏi cá).

Hiện nay đang được dùng thí nghiệm rộng rãi chữa bệnh ỉa chảy, khí hư do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis).
Dùng dưới hình thức thuốc sắc hay chế thành cao. Ngày dùng 20-40g lá tươi, nấu với nước (200ml), uống thay nước. Hoặc có thể nấu thành cao như sau: 1kg lá nhội, nấu với nước nhiều lần; lọc lấy nước cô đặc còn 50 ml; bôi vào âm đạo những người bị khí hư do trùng roi âm đạo.

Lá, hoa, quả của cây Nhội
Lá, hoa, quả của cây Nhội

Chú thích

Ở nước ta có mọc hoang và được trồng một loại cây nhội nữa có tên khoa học Citharexylon quadrangulare Jacq thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây này cũng là một loại cây to, cành vuông, lá đơn, khía răng cưa. Hoa trắng, mọc thành chùm thông xuống. Quả hạch màu đỏ. Trồng làm cảnh, lấy bóng mát và lấy gỗ làm đàn. Như vậy muốn phân biệt chỉ cần chú ý một cây có lá kép gồm có 3 lá chét, một bên lá đơn. Cây nhội cho lá ăn gỏi và làm thuốc có cụm hoa thành chùy hình chóp, còn cây nhội kia có cụm hoa thống xuống.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!