Mật Gấu (Hùng Đởm) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

200
Mật Gấu
Mật Gấu
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Mật Gấu trang 503-505 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là hùng đởm.

Tên khoa học Fel Ursi.

Thuộc họ Gấu Ursidae.

Mặt gấu (Fel Ursi) là túi mật phơi hay sấy khô của nhiều loài gấu Ursus sp.

Ở Việt Nam, thường là loài gấu ngựa Selenarctos thibetanus G. Cuvier, có khoang như chữ V trắng ở ngực. Đôi khi có loài gấu chó hay gấu đen, gấu xám (hiếm hơn) Ursus arctos lisiotus Gray.

Lấy và chế biến mật gấu

Tuỳ theo gấu to hay nhỏ, ta có mật gấu to hay nhỏ. Bất cứ mùa nào bắt được gấu đều có thể lấy mật được. Theo kinh nghiệm vào mùa đông mật gấu nhiều hơn, nhưng mật gấu bắt được vào mùa xuân tuy ít hơn nhưng phẩm chất lại tốt hơn.

Đầu năm 1983, Đỗ Khắc Hiếu Trung tâm Sinh lý-Hoa sinh, Viện khoa học Việt nam) đã nghiên cứu quy trình khai thác mật gấu thường kỳ mà không phải giết gấu: Cấu tạo một túi mật phụ (có màng bọc bằng chất liệu đặc biệt) rồi cấy vào dưới lớp da gấu. Túi mật phụ được nổi thông với túi mật thật của gấu, chỉ việc dùng ống tiêm hút mật từ túi mật phụ, vẫn bảo đảm con vật vẫn sinh sống bình thường.

Mật gấu lấy được phải phơi khô trong mát, sau đó gói kín để vào hộp, hộp kín, đáy hộp có gói với chưa tôi để hút ẩm. Có thể dùng một chất hút ẩm khác. Để ở nơi mát. Bảo quản như vậy. Có thể để rất lâu.

Nếu để ở nơi ẩm, có nhiệt độ cao, mật gấu sẽ chảy nước. Mặt gấu còn nguyên thường là những túi được ép bẹp, có cuống dài. Khi ép bẹp chiều rộng có thể tới 5-6cm, chiều dài 14-15cm, chiều dày 1-2mm, một mép phẳng, một mép cong trông giống lưỡi dao. Khi cắt túi mật sẽ thấy ở trong có chất đen nhánh, giữa đám đen có những hạt lổn nhổn màu vàng óng ánh như hổ phách. Năm sẽ thấy vị đắng, sau ngọt, dính lưỡi. Ngậm lâu sẽ tan hết trong miệng. Ngửi có khi có mùi khói do ở một số nơi đem phơi trên gác bếp. Đốt không cháy.

Mật gấu được dùng ở các nước Triều Tiên, Trung Quốc và nước ta. Tại Triều Tiên, người ta quy định tiêu chuẩn mật gấu như sau: Độ ẩm phải dưới 15%, độ tro dưới 7%, tro không tan trong axit clohydric dưới 4%, cao rượu trên 60%.

Mật Gấu
Mật Gấu

Thành phần hoá học

Trong mật gấu chủ yếu người ta đã phân tích được các chất sau đây:

– Muối kim loại của các axit cholic.

– Cholesterola.

– Sắc tố mặt như bilirubin.

Các axit cholic trong mật gấu có axit cholic, axit cheno desoxycholic, axit urso desoxycholic. Axit urso desoxycholic là một axit đặc biệt chỉ có trong mật gấu, có độ chảy 202 °C, độ quay cực +57°07. Nhờ những đặc điểm này ta có thể thí nghiệm phân biệt mật gấu thật hay giả.

Thử mật gấu

Theo kinh nghiệm nhân dân, cách thử mật gấu như sau:

  1. Khi nếm, lúc đầu thấy có vị đắng, sau ngọt mát và dính lưỡi, ngậm lâu sẽ tan hết trong miệng. Mật những con vật khác đăng mà không mát, không dính lưỡi, không bóng, không giòn, mùi tanh, khó ngửi.
  2. Lấy vài hạt mật gấu thả trên mặt nước, sẽ thấy có những sợi màu vàng thõng thẳng xuống đáy bắt nước. Nếu hạt mật gấu lại quay tít lại càng tốt.
  3. Mật gấu đốt không cháy.

Thử bằng phản ứng hóa học

  1. Hoà tan 0,5g mật gấu vào dung dịch kali hydroxit 5%. Đun sôi, sau khi hoà tan axit hoá bằng axit clohydric, rồi lắc với ête êtylic 3 lần mỗi lần dùng 10ml. Hợp các dung dịch ete lại rửa sạch, rồi bốc hơi hết ete đi. Ta sẽ có hỗn hợp axit chenodesoxycholic và axit ursodesoxycholic. Hoà tan cặn này trong 10ml dung dịch amoniac 12%, rồi thêm 10ml dung dịch 10% bary clorua. Lọc lấy kết tủa, ta sẽ có muối bary của các axit trên. Thêm 10ml dung dịch 10% natri cacbonat đun nóng để loại bỏ bary. Rồi axit hoá bằng axit clohydric. Lúc với ete etylic 3 lần, mỗi lần dùng 10ml ete. Hợp các dung dịch ete lại, cất thu hồi ete. Hoà tan cặn trong etylaxetat. Để yên cho kết tinh, sau đó lọc lấy tinh thể axit chenodesoxycholic không kết tinh. Để khô. Đo độ chảy phải thấy 202°C là độ chảy của axit ursodesoxycholic.
  2. Cần thật chính xác 0,05g mật gấu, rồi tiến hành như trên. Rồi cần axit ursodesoxycholic chiết suất được. Phải được 0,10 g tức là trong mật gấu phải có tới trên 20% axit ursodesoxycholic.

Phản ứng màu:

  1. Phản ứng Pettenkofer Lấy ít hạt nhỏ tinh thể axit ursodesoxycholic hoà tan trong Iml nước cất và một ít sacaroza rồi thêm 1-2 giọt axit sunfuric t đặc sẽ thấy xuất hiện màu đỏ rất đẹp.
  2. Phản ứng Lieberman-Surchard: Hoà tan một hạt tinh thể axit ursodesoxycholic trong 0,5ml clorofoc thêm 0,5ml anhydrit axetic và 1 giọt axit sunfuric đặc. Bắt đầu có màu đỏ hồng, sau chuyển xanh lam và xanh lục.

Công dụng và cách dùng

Theo tài liệu cổ mật gấu vị đắng tính hàn, vào 3 kinh tâm, can và vị. Có tác dụng thanh nhiệt sát trùng. Dùng chữa mắt đỏ có màng, đau răng, đinh nhĩ, ác thường. Dùng trong chữa thấp nhiệt đa vàng, lỵ lâu ngày, hồi hộp sợ hãi, co quắp.

Hiện nay mật gấu là một vị thuốc rất quý trong nhân dân để chữa những bệnh đau dạ dày, đau nhức, giúp sự tiêu hoá, giải độc, hoàng đản.

Dùng ngoài, mật gấu có tác dụng làm hết sung huyết, nhỏ mắt chữa đau mắt; xoa bóp chữa những chỗ sưng đau do ngã hay bị thương.

Liều dùng: Ngày có thể uống từ 0,5 đến 1 hoặc 2g.

Đơn thuốc có mật gấu

Thuốc nhỏ mắt chữa mắt sưng đỏ:

Mật gấu một lượng bằng hạt gạo mài với nước đun sôi để nguội. Nhỏ vào mắt chữa mắt sưng đỏ.

Thuốc xoa bóp chỗ sưng đau:

Mật gấu 5g, hoà tan trong 100ml rượu 35. Dùng xoa bóp chỗ sưng đau.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!