Tổng quan về Lansoprazole
Lansoprazole được cấp bằng sáng chế vào năm 1984, sau đó ra mắt thị trường lần đầu tiên vào năm 1991. Đến năm 1995, FDA đã chính thức phê duyệt và chấp thuận Lansoprazole trở thành thuốc điều trị sử dụng trong y khoa tại Hoa Kỳ. Biệt dược gốc của thuốc là Prevacid, sản xuất bởi hãng dược Takeda Pharmaceuticals (tên phát triển là AG 1749).
Lansoprazole là 1 hỗn hợp racemic chứa 2 đồng phân quang học: Dexlansoprazole và Levolansoprazole, trong đó Dexlansoprazole sau này đã được phát triển và thương mại hóa trở thành 1 thuốc PI riêng biệt.
Đặc điểm dược lý của Lansoprazole
Dược lực học và cơ chế tác dụng của Lansoprazole
Lansoprazol là dẫn chất benzimidazol, thuộc nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPIs) có tác dụng chống tiết acid dạ dày.
Lansoprazol có cấu trúc hóa học liên quan với omeprazol do đó cơ chế hoạt động và tác dụng tương tự như omeprazol. Các phân tử Lansoprazol tiếp cận và gắn vào các hệ enzym H+/K+ATPase (bơm proton) có trong tế bào thành của dạ dày, làm bất hoạt dòng trao đổi H+. bất hoạt quá trình tạo thành và bài tiết HCl tại các tế bào viền trong giai đoạn cuối cùng.
Lansoprazol là một base yếu, không trực tiếp tác dụng mà cần được hoạt hóa trong môi trường acid dạ dày. Chất chuyển hóa chính là sulfenamid có ái lực cao với nhóm sulfhydryl của H+/K+ATPase, gắn kết tại vị trí liên kết đặc hiêu, làm thay đổi cấu trúc và làm bơm proton mất hoạt tính.
Lansoprazol sulfenamid liên kết không thuận nghịch với các bơm, do đó tác dụng ức chế tiết acid kéo dài cho tới khi các kênh enzym mới được tổng hợp, điều này giải thích tại sao thời gian tác dụng của thuốc kéo dài tuy nửa đời huyết tương của thuốc ngắn.
Sử dụng Lansoprazol gây hiệu ứng ức chế tiết acid dạ dày cả ở trạng thái cơ bản lẫn khi bị kích thích bởi bất kỳ tác nhân nào. Hiệu quả của thuốc thay đổi, phụ thuộc vào liều dùng và thời gian điều trị, không có khác biệt giữa đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch với liều lansoprazol 30mg/ngày trong 7 ngày ở người khỏe mạnh.
Việc điều trị bằng Lansoprazol dẫn đến tăng nồng độ gastrin, giảm bài tiết pepsin và tăng pepsinogen trong máu.
Lansoprazol có thể được sử dụng trong liệu pháp kết hợp cùng 1 hay nhiều kháng sinh để loại trừ vi khuẩn Helicobacteria pylori ở người bị loét dạ dày hoặc tá tràng do nhiễm vi khuẩn này.
Dược động học của Lansoprazole
Hấp thu:
Lansoprazol được hấp thu nhanh chóng sau khi uống, nồng độ thuốc tối đa (Cmax) trong huyết tương trung bình đạt được trong khoảng 1,7 giờ kể từ thời điểm dùng thuốc, cho khả dụng sinh học tuyệt đối đạt trên 80%.
Cả Cmax và diện tích dưới đường cong (AUC) đều bị giảm khoảng 50% khi dùng thuốc sau ăn 30 phút.
Phân bố:
Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của thuốc xấp xỉ khoảng 97%. Sản phẩm chuyển hóa của lansoprazol chủ yếu tập trung tại tế bào thành trên dạ dày để ức chế tiết acid, gần như không có trong tuần hoàn chung toàn thân.
Chuyển hóa:
Lansoprazol chuyển hóa nhiều ở gan nhờ hệ enzym cytochrom P450 chủ yếu dưới tác động của CYP2C19 và một phần bởi CYP3A4. Với người có kiểu hình chuyển hóa chậm do thiếu CYP2C19, chuyển hóa Lansoprazole bị chậm lại và nồng độ thuốc trong huyết tương có thể cao gấp 5 lần trở lên so với kiểu hình bình thường.
Các chất tạo thành gồm: chất chuyển hóa không hoạt động: 5-hydroxy-lansoprazole, dẫn xuất sulfide, dẫn xuất sulfone, hydroxysulfide, hydroxysulfone. Lansoprazole cũng ức chế CYP2C19 như nhiều PPIs khác.
Thải trừ:
Thời gian bán thải (t1/2) của lansoprazol là 0.9-1.5 giờ. Thẩm tách máu không giúp loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể.
Độ thanh thải thận (ClR) là 517 mL/phút và tổng thanh thải toàn thân (ClT) là 0.7 L/h/kg. Khoảng 20% thuốc dùng được bài tiết ra ngoài qua phân (mật) 67% và nước tiểu 33%.
Chỉ định của Lansoprazole
Lansoprazole là 1 PPI quen thuộc, được chỉ định trong các trường hợp:
- Điều trị viêm thực quản có trợt loét ở người bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cấp và mạn tính (dùng tới 8 tuần).
- Điều trị loét dạ dày – tá tràng cấp (do nhiễm hoặc không nhiễm H. pylori).
- Điều trị và dự phòng loét đường tiêu hóa ở bệnh nhân đang dùng thuốc chống viêm không steroid.
- Điều trị các bệnh tăng tiết acid dạ dày như hội chứng Zollinger – Ellison, u đa tuyến nội tiết, tăng dưỡng bào toàn thân.
Liều dùng và cách dùng của Lansoprazole
Liều dùng của Lansoprazole
Liều chỉ định ở người trưởng thành
Chỉ định | Liều dùng |
Loét dạ dày | Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần. |
Loét tá tràng | Loét tá tràng thể hoạt động: Uống 15 mg hàng ngày trong 4 tuần.
Liều duy trì: Uống 15 mg hàng ngày. |
Loét dạ dày liên quan đến NSAIDs | Liều điều trị: Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần.
Liều dự phòng: Uống 15 mg hàng ngày trong 12 tuần. |
Trào ngược dạ dày – thực quản | Liều dùng: 15 mg hàng ngày trong 8 tuần. |
Viêm thực quản bào mòn | Liều điều trị: Uống 30 mg hàng ngày trong 8-16 tuần.
Liều duy trì: Uống 15 mg hàng ngày, có thể dùng lâu dài. |
Hội chứng Zollinger-Ellison | Liều khởi đầu: dùng 60 mg hàng ngày, có thể tăng liều lên đến 180 mg mỗi 12 giờ.
Nếu tổng liều chỉ định vượt quá 120 mg mỗi ngày, cần chia liều ra mỗi 2 lần trong ngày. |
Nhiễm trùng H.pylori | Uống 30 mg hàng ngày trong 10-14 ngày kết hợp với kháng sinh diệt H.pylori. |
Ợ nóng | Uống 15 mg hàng ngày trong 14 ngày. Có thể lặp lại mỗi 4 tháng. |
Chỉnh liều ở bệnh nhân suy gan:
- Suy gan giai đoạn nhẹ hoặc trung bình (Tiêu chuẩn Child-Pugh A hoặc B): Không cần chỉnh liều.
- Suy gan nặng (Tiêu chuẩn Child-Pugh C): Uống 15 mg hàng ngày.
Trẻ em
Trào ngược dạ dày – thực quản có kèm viêm thực quản bào mòn
< 1 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được xác lập.
1-12 tuổi:
- < 30 kg: Uống 15 mg hàng ngày trong 8-12 tuần.
- > 30 kg: Uống 30 mg hàng ngày trong 8-12 tuần. Có thể tăng liều lên đến 30 mg mỗi 12 giờ sau hơn 2 tuần nếu vẫn có triệu chứng.
> 12 tuổi: Uống 30 mg hàng ngày trong 8 tuần.
Trào ngược dạ dày – thực quản không bào mòn
- < 12 tuổi: An toàn và hiệu lực chưa được xác nhận.
- ≥ 12 tuổi: Uống 15 mg hàng ngày trong tối đa 8 tuần.
Cách dùng của Lansoprazole
Lansoprazole nên được dùng trước bữa ăn 30 phút với 2 mục đích:
- Tránh ảnh hưởng của thức ăn đến sinh khả dụng của thuốc.
- Uống thuốc trước bữa ăn 30 phút sẽ giúp nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương (Cmax) rơi vào lúc có nhiều bơm hoạt động nhất, cho hiệu quả điều trị tối ưu nhất.
- Với dạng thuốc giải phóng tại ruột (không tan trong dạ dày), khi uống nuốt nguyên viên, không cắn, nhai hay nghiền thuốc.
Chống chỉ định
Không sử dụng Lanzoprazole với người:
Quá mẫn cảm với Lansoprazole, các PPIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
Phối hợp với các thuốc có chứa Rilpivirine, Erlotinib hoặc Nelfinavir.
Phụ nữ mang thai trong giai đoạn 3 tháng đầu.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các phản ứng phụ gặp phải khi sử dụng thuốc lansoprazole là:
Thường gặp, ADR > 1/100
- Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt.
- Tiêu hóa: Ỉa chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón, khó tiêu.
- Da: Phát ban.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
- Toàn thân: Mệt mỏi
- Cận lâm sàng: Tăng mức gastrin huyết thanh, enzym gan, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.
Tương tác thuốc
Tác nhân | Tương tác với Lansoprazole |
Erlotinib, Rilpivirine và Nelfinavir | Chống chỉ định do sinh khả dụng của cả 3 thuốc đều giảm khi pH dạ dày tăng. Ngoài ra, Nelfinavir còn bị ức chế chuyển hóa qua CYP2C19 thành chất chuyển hóa hoạt động M8 |
Acalabrutinib, Dasatinib, Neratinib, Nilotinib, Pazopanib, Pexidartinib, Ponatinib, Delavirdine, Atazanavir, Indinavir, Itraconazole, Ketoconazole, Dapsone, Mesalamine (dạng giải phóng duy trì) | Sinh khả dụng thuốc giảm do độ tan thuốc giảm khi pH dạ dày tăng. Tránh hoặc sử dụng thuốc thay thế. |
Dacomitinib | Nồng độ huyết tương của Dacomitinib giảm và do đó hiệu lực có thể giảm.
Trong trường hợp bệnh nhân đang được chỉ định với Dacomitinib, nên thay thế Lansoprazole bằng thuốc kháng histamine H2. Sử dụng Dacomitinib ít nhất 6 giờ trước hoặc 10 giờ sau khi dùng thuốc kháng histamine H2. |
Digoxin, Nisoldipine | Tránh kết hợp hoặc sử dụng thuốc khác thay thế. |
Apalutamide, Phenytoin và Idelalisib | Apalutamide và Phenytoin là thuốc cảm ứng CYP2C19 và CYP3A4 mạnh, còn Idelalisib cảm ứng CYP3A mạnh, sẽ làm giảm nồng độ trong huyết tương và theo đó là tác dụng của Lansoprazole |
Fedratinib | Lansoprazole làm tăng nồng độ trong huyết tương và có thể tăng tác dụng của Fedratinib |
Lasmiditan | Nồng độ Lansoprazole trong huyết tương tăng do ức chế bơm tống thuốc P-gp (MDR1). Tránh phối hợp này hoặc sử dụng thuốc thay thế. |
Sử dụng PPIs có thể gây ra tăng tiết gastrin quá mức trong xét nghiệm kích thích với secretin, gây ra gợi ý sai lệch về u tiết gastrin. Thời gian cần thiết để nồng độ gastrin huyết thanh trở về ban đầu sau khi ngừng PPIs là đặc hiệu cho từng PPI. Tạm thời ngừng điều trị bằng Lansoprazole ít nhất 30 ngày trước khi đánh giá để cho phép nồng độ gastrin trở về ban đầu.
Sử dụng PPIs có thể gây ra tăng tiết gastrin quá mức trong xét nghiệm kích thích với secretin, gây ra gợi ý sai lệch về u tiết gastrin. Thời gian cần thiết để nồng độ gastrin huyết thanh trở về ban đầu sau khi ngừng PPIs là đặc hiệu cho từng PPI. Tạm thời ngừng điều trị bằng Lansoprazole ít nhất 30 ngày trước khi đánh giá để cho phép nồng độ gastrin trở về ban đầu.
Do Lansoprazole ức chế CYP2C19, các thuốc khác chuyển hóa qua CYP2C19 có thể bị ức chế, hoặc Lansoprazole có thể chịu ảnh hưởng của các thuốc cảm ứng hoặc ức chế CYP2C19 và CYP3A4.
Lưu ý khi dùng và bảo quản
Lưu ý và thận trọng
Sử dụng thuốc lansoprazole có thể tăng khả năng nhiễm khuẩn Clostridium difficile (CDAD) dẫn đến tiêu chảy kéo dài không đỡ.
Thận trọng với bệnh nhân suy giảm chức năng gan và giảm liều đối với bệnh nhân suy gan nặng.
Các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như lupus ban đỏ da (CLE) và lupus ban đỏ hệ thống (SLE) có thể xảy ra, khi đó tạm thời ngừng thuốc và báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.
Loãng xương và nguy cơ gãy xương với PPIs nói chung khi dùng liều cao, kéo dài (> 1 năm): Kết quả không đồng đều giữa các nghiên cứu quan sát.
Lansoprazole có thể làm giảm nồng độ chromogranin A (CgA) huyết thanh và gây dương tính giả trong chẩn đoán khối u thần kinh nội tiết. Chỉ định ngừng sử dụng Lansoprazole một thời gian trước khi tiến hành xét nghiệm chẩn đoán.
Bổ sung magie trong trường hợp cần thiết, đặc biệt khi sử dụng liều cao và kéo dài để dự phòng co giật, loạn nhịp tim do hạ magie máu.
Cải thiện triệu chứng khi điều trị với Lansoprazole, vẫn không thể loại trừ nguy cơ các bệnh ác tính như ung thư dạ dày. Bệnh nhân cần được xét nghiệm xác định loại trừ ung thư dạ dày ác tính trước khi chỉ định dùng thuốc.
Viêm thận kẽ cấp đã được báo cáo ở bệnh nhân sử dụng PPIs, ngừng dùng ngay lập tức và tới cơ sở y tế để được hỗ trợ nếu xuất hiện viêm thận kẽ cấp tính.
Lansoprazole làm tăng nồng độ Methotrexate và chất chuyển hóa của nó trong huyết thanh, dẫn đến nguy cơ độc tính của thuốc với người dùng. Xem xét ngừng tạm thời
Lansoprazole khi sử dụng Methotrexate liều cao.
Sử dụng lâu dài PPIs (> 1 năm) làm tăng nguy cơ polyp tuyến đáy vị. Bệnh nhân thường không có triệu chứng và tình cờ phát hiện khi nội soi. Điều trị trong thời gian ngắn nhất phù hợp với tình trạng đang điều trị.
Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Phụ nữ có thai: Chống chỉ định trong 3 tháng đầu thai kỳ. Không sử dụng trong suốt thời gian mang thai trừ khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn, có tham khảo chuyên gia sản.
Phụ nữ đang cho con bú: Cân nhắc giữa lợi ích cho mẹ và ảnh hưởng của thuốc tới sự phát triển và sức khỏe của trẻ.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Hạ thân nhiệt, an thần, co giật, giảm tần số hô hấp.
Điều trị hỗ trợ: Phương pháp thẩm tách không loại được thuốc.
Bảo quản
Bảo quản thuốc trong điều kiện phòng.
Hạn chế độ ẩm cao và tránh tiếp xúc ánh sáng trực tiếp.
Các chế phẩm có chứa Lansoprazole
Hiện nay trên thị trường, Lansoprazole đang được lưu hành chủ yếu dưới dạng các chế phẩm Viên nang giải phóng chậm (chứa hạt bao, tan trong ruột) với hàm lượng15mg và 30mg.
Một số các chế phẩm có chứa Lansoprazol hiện nay: lansoprazole 15mg, lansoprazole 30mg, Agi-lanzo, Prevacid, Lanzol-30, Lanmax, Lastro, SoPran 30mg, Lansotren, Nefidan, Lanwell, Lansotop, Artlanzo, Lanazol, gastevin, scolanzo, lapracare, Lanzor,….
Các nghiên cứu mở rộng vai trò khác của Lansoprazol
Trong thử nghiệm công bố tháng 12 năm 2019, Ameena Benchamana và các cộng sự của mình đã đưa ra số liệu chứng minh rằng lansoprazole có tác dụng kép: ức chế sự tích lũy mỡ trong mô đồng thời tăng cường quá trình biệt hóa tế bào mỡ thông qua việc tạo ra PPARγ và C/EBPα, hai yếu tố phiên mã tế bào mỡ chính, cũng như hoạt hóa các protein sinh mỡ, ACC1 và FASN, do đó tăng sự hấp thu glucose ở cả trạng thái cơ bản và khi có kích thích bằng insulin. Ngoài ra, điều trị bằng LPZ ở mức 200 mg/kg làm giảm đáng kể mức tăng trọng lượng cơ thể và tổng khối lượng chất béo.
Thử nghiệm của Jan Rybniker và cộng sự vào năm 2015 đã cho thấy ngoài tác dụng ức chế bơm proton tại dạ dày, Lansoprazole còn có hoạt tính nội bào chống lại M. tuberculosi, chủng vi khuẩn gây bệnh Lao ở người bằng cách nhắm mục tiêu phức hợp cytochrom bc1 của vi khuẩn thông qua quá trình khử sulfoxide nội bào thành lansoprazole sulfide.
Tài liệu tham khảo
- Ameena Benchamana và các cộng sự (Ngày đăng: ngày 15 tháng 12 năm 2019). Regulation of adipocyte differentiation and metabolism by lansoprazole, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- Jan Rybniker và cộng sự (Ngày đăng: ngày 09 tháng 07 năm 2015). Lansoprazole is an antituberculous prodrug targeting cytochrome bc1, Thư viện quốc gia Hoa Kỳ. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- Altay Çelebi và cộng sự (Ngày đăng: tháng 9 năm 2016). Comparison of the effects of esomeprazole 40 mg, rabeprazole 20 mg, lansoprazole 30 mg, and pantoprazole 40 mg on intragastrıc pH in extensive metabolizer patients with gastroesophageal reflux disease, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- Mohammed N Abed và cộng sự (Ngày đăng: năm 2020). Comparison of Antioxidant Effects of the Proton Pump-Inhibiting Drugs Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, and Rabeprazole, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- Carmelo Scarpignato và cộng sự (Ngày đăng: tháng 12 năm 2020). Pharmacologic treatment of GERD: Where we are now, and where are we going?, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- Dr. Anthony E. Zimmermann Pharm.D., Dr. Brian G. Katona Pharm.D.(Ngày đăng: năm 2012). Lansoprazole: A Comprehensive Review, Wiley Online Library. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.
- D A Gremse (Ngày đăng: tháng 10 năm 2001). Lansoprazole: pharmacokinetics, pharmacodynamics and clinical uses, Pubmed. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2023.