KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HẬU KIỂM AN TOÀN THỰC PHẨM 2018

2142
Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm 2018
5/5 - (2 bình chọn)

BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Số: 315/KH-BCĐTƯATTP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 2018

KẾ HOẠCH

Triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng phương thức quản lý theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm xây dựng kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018 như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG

  1. Bộ Y tế, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm tổ chức thực hiện hậu kiểm về an toàn thực phẩm thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật; phân công/ giao cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Bộ/ ủy ban nhân dân cắp tỉnh chịu trách nhiệm hậu kiểm về an toàn thực phẩm.
  2. Hoạt động hậu kiểm được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm sau khi cơ sở tiến hành các hoạt động công bố sản phẩm, sản xuất sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm, đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường, quảng cáo sản phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các hoạt động khác có liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh, kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu.
  3. Bảo đảm nguyên tắc tránh chồng chéo về đối tượng, địa bàn và thời gian hậu kiểm. Việc xử lý chồng chéo thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

B. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

  1. Công tác hậu kiểm nhằm kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phàm), cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch hậu kiểm bảo đảm mục tiêu 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.
  1. Thông qua công tác hậu kiểm tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, trách nhiệm của cơ sở/người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phổ biến, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
  2. Công tác hậu kiểm phải ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

II. Yêu cầu

  1. Công tác hậu kiểm có trọng tâm. trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm, sản phâm sản xuất tại các cơ sở không được cấp một trong các giấy chứng nhận sau: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc diện miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩ
  2. Kết hợp hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố/đăng ký bản công bố (hoặc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định pháp luật cơ sở công bố áp dụng).
  3. Phân công trách nhiệm hậu kiểm và phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đúng quy định tại các Điều 36. 37, 38. 39, 40, 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Bộ Y tế chịu trách nhiệm hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ- CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm hậu kiểm và chi đạo hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ- CP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân công, chỉ đạo hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân công, phân cấp. Đối với các trường hợp nêu tại các khoán 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thì cơ quan có trách nhiệm hậu kiểm là cơ quan quản lý quy định tại các khoản này.

C. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. Trách nhiệm hậu kiểm

  1. Tại trung ương:

1.1. Lĩnh vực Bộ Y tế quản lý:

Bộ Y tế giao đơn vị chức năng của Bộ (Cục An toàn thực phẩm) phối hợp với các Viện (Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Nha Trang, Tây Nguyên), các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an và đơn vị liên quan triển khai hậu kiểm về công bố, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp; chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quỵ định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

1.2. Lĩnh vực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

1.3. Lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý:

Bộ Công Thương giao các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan hậu kiểm và chỉ đạo hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và nhóm cơ sở quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

  1. Tại địa phương:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao/phân công cơ quan chức năng của tỉnh hậu kiểm về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, lấy mẫu kiểm nghiệm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II, m, IV và theo đúng nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; hậu kiểm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân công trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm quy định tại Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

II. Thời gian và địa bàn hậu kiểm

  1. Tại trung ương:

a. Hậu kiểm tại các địa bàn trọng điểm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Long (tháng 4, 5, 6/2018); Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, An Giang (tháng 7, 8, 9/2018); Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bắc Ninh, Bắc Giang (tháng 10, 11, 12/2018).

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương điều chỉnh địa bàn và thời gian hậu kiểm cho phù hợp, thông báo cho địa phương để phối hợp thực hiện (riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là các địa bàn ưu tiên triển khai hậu kiểm, tuy nhiên cần bảo đảm nguyên tắc tránh trùng lặp cơ sở nếu không có dấu hiệu vi phạm).

  1. Tại địa phương:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch hậu kiểm của tỉnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện hậu kiểm nhằm đạt mục đích, yêu cầu của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thời gian thực hiện hậu kiểm từ tháng 4/2018 đến tháng 12/2018.

III. Trọng tâm nội dung hậu kiểm

  1. Hậu kiểm về công bố sản phẩm:

Hậu kiểm việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

  1. Hậu kiểm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm:

Hậu kiểm cơ sở thuộc diện cấp và không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sờ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng hậu kiểm đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

  1. Hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu:

Tập trung hậu kiểm, lấy mẫu kiểm nghiệm theo thứ tự ưu tiên sau: Các sản phẩm thuộc diện miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, sản phẩm/lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm, sản phẩm/lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra thông thường (đối với các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II, III, IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP).

  1. Hậu kiểm về ghi nhãn thực hiện theo quy định tại Chương VII Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
  2. Hậu kiểm về quảng cáo:

Tập trung hậu kiểm về quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

  1. Hậu kiểm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm thực hiện theo quy định tại Chương X Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
  2. Hậu kiểm về truy xuất nguồn gốc thực phẩm thực hiện theo quy định tại Chương XI Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.
  3. Đổi với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố

Tập trung hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố.

IV. Xử lý vi phạm

Thông qua công tác hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường. Kết hợp hậu kiểm với tuyên truyền quy định xử lý hình sự đối với tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Việc áp dụng xử lý vi phạm phải đúng quy định pháp luật, kết quả xử lý công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

V. Công tác báo cáo

  1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tổng hợp báo cáo kết quả hậu kiểm thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp báo cáo kết quả hậu kiểm của tỉnh/thành phố gửi Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vàTrưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
  2. Các mốc thời gian báo cáo

a) Báo cáo 6 tháng: Trước ngày 25/6/2018.

c) Báo cáo năm 2018: Trước ngày 25/12/2018.

VI. Tổ chức thưc hiện

  1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai cụ thể Kế hoạch này, phân công/giao cơ quan chủ trì hậu kiểm, cơ quan phối hợp; báo cáo kết quả định kỳ (theo mốc thời gian tại Mục V nêu trên) gửi Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để tổng hợp, cụ thể:

a) Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chịu trách nhiệm giúp Bộ Y tế – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch; chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hướng dẫn địa phương hậu kiểm nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá về công tác hậu kiểm.

b) Đơn vị chức năng được các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phân công/giao chủ trì hậu kiểm có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện của Bộ và phối hợp với Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm tại Phụ lục III và IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hướng dẫn địa phương hậu kiểm nhóm sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

c) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch hậu kiểm tập trung hậu kiểm các sản phẩm/nhóm sản phẩm địa phương tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố theo phân cấp quản lý an toàn thực phẩm tại Điều 40 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

2. Các Viện kiểm nghiệm thuộc Bộ Y tế (Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, Viện Dinh dưỡng, Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Nha Trang, Tây Nguyên); các cơ sở kiểm nghiệm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý an toàn thực phẩm các cấp lấy mẫu hậu kiểm về an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu hậu kiểm thực hiện theo quy định về lấy mẫu thực phẩm phục vụ thanh tra, kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

3. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tuyên truyền về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và Kế hoạch này; phối hợp, chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

  1. Các cơ quan báo, đài ở trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên truyền về Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, sản phẩm vi phạm để người dân biết.
  2. Đề nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chỉ đạo thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đến ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên; tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình số 90/CTrPH/CP-ĐCTƯBTWMTTQVN ngày 30 tháng 3 năm 2016 về phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

D. KINH PHÍ HẬU KIẾM

Kinh phí phục vụ cho công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm do ngân sách nhà nước ở Trung ương và địa phương bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện./

 

Nơi nhận:

–      PTT. Vũ Đức Đam (để báo cáo);

–      BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);

–      Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);

–      Các Bộ: Y tế, NN&PTNT. CT;

–      Thành viên BCĐ liên ngành TƯ về ATTP;

–      Thành viên Tổ Công tác LNTƯ về ATTP;

–      UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Tư;

–      Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Tư;

–      Ban QLATTP TP HCM, Đà Nẵng;

–      Website Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm;

–      Lưu: VT, ATTP.

 

TL. TRƯỞNG BAN

ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC HẬU KIỂM AN TOÀN THỰC PHẨM 2018

DOWNLOAD KẾ HOẠCH TẠI ĐÂY 315_KH_BCHTWATTP_2018_VNRAS

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS 

 

 

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!