Cây Diếp Cá (Cây Lá Giấp) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

416
Cây diếp cá
Cây diếp cá
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cây diếp cá trang 40 – 41 tải bản PDF tại đây.

Còn có tên là cây lá giấp, ngư tinh thảo.

Tên khoa học Houttuynia cordata Thunb.

Thuộc họ Lá giấp Saururaceae.

Mô tả cây

Cây diếp cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Rễ nhỏ mọc ở các đốt, thân mọc đứng cao 40cm, có lỏng hoặc ít lỏng. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá, hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng nhạt, không có bao hoa, mọc thành bóng, có 4 lá bắc màu trắng; trong toàn bộ bề ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây và có mùi tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8.

Rễ và hoa của cây diếp cá
Rễ và hoa của cây diếp cá

Phân bố thu hái và chế biến

Mọc hoang ở khắp nơi ẩm thấp trong nước ta. Nhân dân thường hái về ăn với cá. Toàn cây hái về dùng tươi hay phơi khô hoặc sấy khô.

Cây diếp cá khô và tươi
Cây diếp cá khô và tươi

Thành phần hoá học

Trong cây có chừng 0,0049% tinh dầu và một ít chất ancaloit gọi là cocdalin (cordalin). Thành phần chủ yếu của tinh dầu là metylnonylxeton CH3CO(CH2)8CH3 (có mùi rất khó chịu), chất miecxen (myrcen) C10H46, axit caprinic C9H19COOH và laurinaldehyt.

Hoa và quả chứa chất isoquexitrin và không chứa quexitrin. Độ tro trung bình là 11,4%, tro không tan trong HCI là 2,7%.

Tác dụng dược lý

1. Diếp cá có tác dụng lợi tiểu; tính chất lợi tiểu này do chất quexitrin và các chất vô cơ chứa trong diếp cá. Dung dịch có 1/100.000 phân tử lượng quexitrin vẫn còn có tác dụng lợi tiểu rất mạnh. Chất isoquexitrin cũng có tác dụng lợi tiểu (Nhật được chỉ 1936).

2. Một ý kiến khác cho rằng những dẫn xuất của đioxyflavonon (3-4dioxyflavonol) đều có tính chất của rutin nghĩa là tăng sức chịu đựng của vi ti huyết quản làm cho huyết quản khó đứt vỡ ( Nhật chí dược 1951)

3. Chất cocdalin có tác dụng kích thích da, gây phỏng.

Công dụng và liều dùng

Tính vị theo đông y: Cay, hơi lạnh, hơi có độc, vào phế kinh. Có tác dụng tán nhiệt, tiêu ung thũng, dùng chữa phế ung, ngoài dùng chữa ung thũng, trĩ, vết lở loét.

Nhân dân dùng cây diếp cá trong những trường hợp tụ máu như đau mắt (giã nhỏ lá ép vào hai miếng giấy bản đắp lên mắt khi ngủ, làm như vậy hai ba lần) hoặc trong bệnh trĩ lòi dom (sắc uống nước với liều 6-12g đồng thời sắc nước lấy hơi xông rồi rửa). Nhiều người dùng thấy hiệu nghiệm.

Ngoài ra còn có tác dụng thông tiểu, chữa bệnh mụn nhọt, kinh nguyệt không đều.

Liều dùng trung bình: 6-12g một ngày(sắc, bột viên).

Đơn thuốc kinh nghiệm dùng cây diếp cá:

– Cây diếp cá khô 20g
– Táo đỏ 10 quả
– Nước 600 ml

Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày, chữa bệnh viêm sưng tai giữa, sưng tắc tia sữa.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!