Cây Xoài – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

401
Cây Xoài
Cây Xoài
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Xoài trang 386-588 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là muỗm, swai (Campuchia), makmounang (Vientian), manguier.

Tên khoa học Mangifera indica L. 

Thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae.

Mô tả cây

Cây to cao 15-20m. Lá nguyên, mọc so le, đơn, thuôn dài, nhãn, bóng, dài 15-30cm, rộng 5-7cm. Hoa nhỏ, màu vàng nhạt, thành chùy ở đầu cành. Quả hạch khá to, hạch dẹt, hình thận, cứng trên có những thớ sợi khi nảy mầm thì hơi mở ra. Hạt có lớp vỏ mỏng, màu nâu, không phối nhũ, lá mầm không đều.

Phân bố, thu hái và chế biến

Nguồn gốc ở các nước nhiệt đới châu Á, hiện được phổ biến trồng ở khắp những nước nhiệt đới khác. Tại miền nam xoài là một cây được trồng rất phổ biến. Tại miền Bắc, mấy năm gần đây có chú ý trồng tại một số tỉnh. Riêng tỉnh Sơn La, năm 1970, sản lượng xoài mỗi vụ đã thu tới hàng trăm tấn quả, trọng lượng mỗi quả trung bình 135-230g. Ở Sơn La, xoài nổi tiếng nhất là xoài Yên Châu và Mộc Châu.

Ngoài quả ra, người ta còn dùng vỏ thân, nhựa thân, hạt và lá làm thuốc. Quả thu hoạch vào mùa hè, các bộ phận khác thu hái quanh năm.

Tại miền Bắc, ngoài cây xoài ra còn có hai loài gắn với xoài là cây quéo (Mangifera reba) và cây muỗm (Mangifera foetida).

Thành phần hoá học

Trong quả xoài tỷ lệ thịt quả chiếm 60-70%, thịt xoài chứa rất nhiều chất bột (quả xoài xanh chứa nhiều hơn xoài chín), chất đường 16-20%, chất gôm, axit hữu cơ chủ yếu là axit xitric, caroten 121 đến 363,8mg trong 1.000g, vitamin C 13,2-80mg%, vitamin B.

Hạt xoài có vị đắng và chất chứa rất nhiều axit galic tự do.

Vỏ thân chứa mangiferin (hợp chất flavonoit) tới 3%, tanin.

Lá xoài chứa khoảng 1,6% mangiferin, một chất độc chưa xác định, bài tiết qua nước tiểu có thể làm cho nước tiểu màu vàng.

Cây Xoài
Cây Xoài

Muốn chiết mangiferin, ta cần 100g vỏ thân hay vỏ cành hoặc lá. Dùng 400ml cồn metylic, đun sôi trên nồi cách thủy trong vòng 60-90 phút. Chiết 2 lần. Để nguội, mangiferin thô kết tỉnh. Hoà tan mangiferin thô vào cồn metylic nóng, thêm than hoạt vào, đun cách thuỷ, lọc nóng. Để nguội cho kết tinh. Tinh thể mangiferin hình phiến dài mỏng, vàng nhạt, tan nhiều trong cồn metylic, cồn etylic, clorofom, ít tan trong nước lạnh. Độ chảy 258-261 °C.

Nhựa xoài là một loại gồm nhựa với 16% gôm và 81% nhựa. Nhựa tan trong đa số dung mỗi hữu cơ và tinh dầu thông. Độ chảy 69-74°C, chỉ số xà phòng 81, chỉ số iốt 110-118, chỉ số axit 50,4.

Gôm gốm 22% pentoza, 38% hexoze, 24,1% anhydrit uronic, 2.8% metoxyl, d.galactoza, l. arabinoza, l. ramnoza, axit glucuronic, (Farogi M. I. H., 1972, Scien, Cult., 38 (1):39).

Công dụng và liều dùng

Quả xoài là một thứ quả ngon có giá trị lớn so với nhiều quả khác. Thường người ta thái thành từng miếng mỏng ngâm trong rượu vang và đường, thêm ít quế cho thơm. Người ta còn dùng chế mứt, đóng hộp (thường hai loại hàng: Nước xoài và xoài ngâm nước đường hay được ưa chuộng nhất). Tại một số nước như Ấn Độ, người ta thái quả xoài xanh thành miếng mỏng phơi hay sấy khô dùng làm nguồn vitamin C thiên nhiên.

Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khái huyết, chảy máu ruột dưới dạng cao lỏng với liều 10g cao lỏng cho vào 120ml nước rồi cứ cách một hay hai giờ cho uống một thìa cà phê.

Nhân xoài sấy khô tán bột được nhân dân Malaysia, Ấn Độ và Braxin dùng làm thuốc giun với liều 1,5 đến 2g. Tại Malaisia nhân dân còn dùng chữa chảy máu tử cung, trĩ. Tại Philipin người ta còn dùng chữa ỉa chảy: Nghiền 20 đến 25g nhân với 2 lít nước, nấu kỹ cho tới khi cạn còn hơn 1 lít thì lọc để bỏ bã, thêm vào nước lọc 300-400g đường và tiếp tục đun cho tới khi còn 1 lít. Mỗi ngày dùng hai hay ba lần, mỗi lần dùng 50 đến 60g thuốc chế như trên.

Vỏ thân xoài dùng tươi hay khô. Tươi thì giã vắt lấy nước, được dùng như vỏ quả, vỏ khô dùng dưới dạng thuốc sắc. Nhân dân Campuchia dùng chứa thấp khớp (đắp nóng bên ngoài), hoặc rửa khí hư bạch đới của phụ nữ. Đôi khi dùng rửa chữa tôkơlô. Tại miền Bắc, vỏ xoài được dùng sắc uống chữa sốt hay chữa đau răng (ngậm và nhổ đi).

Nhựa vỏ cây xoài chảy ra có màu đen không mùi, vị đắng hắc, ra không khí đặc lại, hoà vào nước chanh dùng bôi ghẻ.

Lá xoài được dùng tại một số vùng ở Ấn Độ để nuôi trâu bò nhưng lá già chứa một lượng nhỏ chất độc cho nên nếu cho trâu bò ăn lâu ngày có thể gây ngộ độc chết trâu bò.

Đơn thuốc có vỏ xoài

Chữa đau răng:

Vỏ xoài phơi khô 3 phần, quả me 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô tán nhỏ. Cho vào nơi răng đau đã rửa sạch.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!