Cây Xá Xị (Cây Vù Hương) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

225
Cây Xá Xị
Cây Xá Xị
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cây Xá Xị trang 516-517 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là vù hương, rè hương, cô châu, canh châu, bois de vierge.

Tên khoa học Cinnamomum parthenoxylon Meissn, (Sassafras parthenoxylon Meissn).

Thuộc họ Long não Lauraceae.

Chú thích về tên tên cây xá xị chỉ mới được nhân dân các tỉnh phía Nam đặt ra ít năm gần đây, vì thấy tinh dầu, gỗ thân và gỗ rễ cây này có mùi rất giống mùi nước uống xá xị (Salsepareille) đóng chai, một loại nhập của Mỹ hay của Pháp bao gồm các vị thổ phục linh, cam thảo, salixylat metyl, tinh dầu tiểu hồi, tinh dầu sassafras (xem thổ phục linh và vị sassafras)

Mô tả cây

Xá xị là một cây gỗ cao 12-18m, cảnh trưởng thành hình trụ, cành non hơi 4 cạnh, nhẵn bóng. Lá dài 12-18cm, rộng 5-7cm, 3 gần hoặc gần lông chim, cả hai loại gần cùng xuất hiện trên cùng một cành. Cuống lá gầy, ngắn chừng 4cm. Hoa trắng hơi có mùi thơm, mọc thành ngù ít hoa. Quả mọng hình cầu.

Cây Xá Xị
Cây Xá Xị

Phân bố, thu hái và chế biến

Có mọc ở các tỉnh phía Bắc nhưng nhiều nhất ở các tỉnh phía Nam từ Quảng Trị trở vào, nhiều nhất ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Sông Bé. Còn thấy mọc ở Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia…

Ở nước ta trước đây chỉ thấy khai thác lấy gỗ, dùng trong xây dựng và đóng đồ dùng. Ít thấy làm thuốc. Gần đây ở các tỉnh phía Nam nhân dân một số vùng khai thác cất từ vỏ thân  và gỗ thân một loại tinh dầu mùi thơm dùng pha nước uống và làm thuốc.

Thành phần hoá học

Trong gỗ thân và rễ có từ 1-2% tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm dịu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là safrol với tỷ lệ lên tới 75%

Công dụng và liều dùng

Ở nước ta chưa thấy sử dụng vỏ, gỗ thân hay tinh dầu xá xị làm thuốc. Chỉ mới thấy sử dụng tinh dầu để chế nước xá xị uống giải khát, tiêu cơm. Tại Malaixia, người ta dùng gỗ cây làm thuốc bổ cho con gái lúc tuổi dậy thì. Tại Giava người ta dùng tinh dầu xoa bóp chữa thấp khớp, đau nhức.

Chú thích:

Theo những tài liệu được công bố về công thức cao nước xá xị thì thành phần chính trong nước xá xị là cao thổ phục linh, cao cam thảo được dùng làm thơm với một tỷ lệ rất thấp salixylat metyl, tinh dầu tiểu hồi, tinh dầu sassafras. Tinh dầu sassafras được cất từ vỏ thân và vỏ rễ cùng gỗ thân và gỗ rễ cây Sassafras officinalis L. chưa thấy mọc ở nước ta. Hàm lượng tinh dầu trong vỏ lên tới 6% trong gỗ chỉ có 2%. Tinh dầu rất lỏng quay trái, nặng hơn nước (tỷ trọng 1,070-1,076 chứa tới 80% safrol ête metylenic của allylpyrocatechin) kèm theo pinen, phellandren, một ít eugenol và long não quay phải. Tại các nước châu Âu và châu Mỹ sassafras được dùng làm thuốc ra mồ hôi, chữa thống phong, phong thấp. Tính dầu được làm hương cho xà phòng thơm rẻ tiền và làm nguyên liệu chiết safrol. Từ safrol oxy hoá bằng kali permanganat sẽ được ête metylic của aldehyt protocatechic có mùi heliotrope dùng trong hương liệu với tên heliotropin hay piperonal.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!