Cây Vạn Niên Thanh – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

367
Vạn niên thanh
Vạn niên thanh
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

Cây Vạn Niên Thanh trang 606-608 tải bản PDF tại đây.

Cây Vạn Niên Thanh (Rhodea japonica Roth.)

Còn gọi là thiên niên vận, đồng bất điều thảo, cửu tiết liên.

Tên khoa học Rhodea japonica Roth.

Thuộc họ Hành Alliaceae.

Cần chú ý ngay rằng tên vạn niên thanh ở nước ta thường dùng để gọi nhiều cây khác nhau. Cây vạn niên thanh ta trồng làm cảnh là cây Aglaonema siamense Engl, thuộc họ Ráy Araceae. Còn cây vạn niên thanh giới thiệu ở đây thuộc họ Hành tỏi, hiện chúng tôi chưa thấy trồng ở nước ta, nhưng giới thiệu ở đây để tránh nhầm lẫn.

Mô tả cây

Cây vạn niên thanh-Rhodea japonica Roth, là một cây nhỏ, sống lâu năm, không có thần, thân rễ ngắn và thô, rễ nhiều nhưng nhỏ. Lá mọc từ thân rễ, hình mác dài tới 30cm, rộng 5-7cm, dai, mặt bóng nhẵn, gân chạy dọc. Vào xuân hạ có trục mang nhiều hoa nhỏ, màu xanh trắng nhạt, tụ họp thành bóng ngắn. Quả mọng hình cầu, khi chín có màu đỏ hay đỏ vàng. Mùa hoa tháng 4-6.

Cây Vạn Niên Thanh
Cây Vạn Niên Thanh

Phân bố, thu hái và chế biến

Như trên đã nói, loại vạn niên thanh này hiện chưa thấy mọc ở nước ta, chỉ mới thấy trống ở Trung Quốc, Nhật Bản để làm cảnh và làm thuốc. Người ta dùng thân rễ và lá, thu hái vào mùa thu, dùng tươi hay khô.

Thành phần hoá học

Năm 1927, một tác giả Nhật Bản Thôn Đảo Thái (Đông Bắc thực nghiệm y học tạp chí, 8: 405) đã báo cáo chiết được từ cây vạn niên thanh Nhật Bản một chất có tinh thể, không màu có tác dụng trên tim gọi là rodein (rhodein) C30H44O10.5H2O, độ chảy 193°C, khó tan trong nước, dung dịch nước có phản ứng trung tính, vị đắng tan trong cồn, trong cồn metylic, axeton, rất khó tan trong clorofoc, trong ete, không tan trong ete dầu hoả, trong benzen và trong cacbon sunfua.

Một tác giả Nhật Bản Hayao Nawa (Nhật Bản học tạp chí, 1952, 72: 408 hoặc Dược học thông báo, 1954, 2: 505) đã nghiên cứu sâu hơn và đã xác định được rằng hoạt chất của vạn niên thanh không phải là một mà gồm ba chất rodexin A, B và C. Cũng trong năm 1952, tác giả Nhật Bản khác là Mitsuro Norita đã xác định tác dụng dược lý của 3 hoạt chất đó và kết luận rằng rodexin A có tác dụng mạnh hơn rodexin B và chất này lại có tác dụng mạnh hơn rodexin C.

Rodexin A có độ chảy 265°C, α°D=-20°, gồm một genin là sacmentogenin kết hợp với đường ramnoza.

Rodexin B có độ chảy 262°C, αD ở 25° là -59°5, gồm một genin là gitoxigenin kết hợp với I.ramnoza.

Rodexin C có độ chảy 75°C, αD= -17°7, gồm một genin là gitoxiegenin kết hợp với L.ramnoza và glucoza.

Năm 1937, hai tác giả Trung Quốc đã chiết được từ loài vạn niên thanh Trung Quốc Rhodea sinensis một chất có tinh thể xác định là rodenin (thodenin), độ chảy 154-156°C, αD =-87°50 có tác dụng ức chế đối với tim. Ngoài ra trong phần tan trong nước còn chiết được một chất không có tinh thể có tác dụng trên tim ếch có lập giống như digitalin.

Tác dụng dược lý

Tác dụng dược lý của hoạt chất vạn niên thanh đã được các tác giả Nhật Bản nghiên cứu và đi tới những kết luận sau đây:

  1. Đối với bộ máy tuần hoàn, rodein có tác dụng tăng sự co bóp của cơ tim, hưng phấn thần kinh phế vị (mê tẩu thần kinh) và ức chế sự dẫn truyền của cơ tim. Nó còn có tác dụng làm cho tim đập loạn nhịp trở lại bình thường. Ngoài ra rodein làm cho huyết áp tăng và do đó gián tiếp có tác dụng lợi tiểu tiện.
  2. Đối với hệ thống thần kinh khi tiêm rodein cho mèo hay cho thỏ thì thoạt tiên thấy hô hấp tăng nhưng sau chậm lại, nhưng đối với thần kinh cơ xương thì có tác dụng tê liệt, đối với trung khu nôn có tác dụng kích thích, do đó có khi gây nôn.
  3. Đối với cơ trơn rodein có tác dụng hưng phấn đối với cơ trơn của dạ dày, ruột và tử cung, làm cho sự co bóp tăng cao.
  4. Tác dụng kích thích tại chỗ uống hay tiêm rodein có tác dụng kích thích tại chỗ, làm cho nơi tiêm phát đỏ, viêm tấy, khi uống rodein gây nôn.
  5. Độc tính so với digitoxin thì tác dụng của rodein mạnh hơn và cũng tích luỹ nhiều hơn, gây nôn nhiều, cho nên dùng phải hết sức thận trọng.

Công dụng và liều dùng

Tuy trên thí nghiệm, vạn niên thanh và hoạt chất rodein có tác dụng làm mạnh tim gần như digitoxin, lại mạnh hơn, nhưng vì tính chất tích luỹ cao cho nên còn cần nghiên cứu hơn nữa mới dùng được.

Cây Vạn Niên Thanh (Aglaonema siamense Engl.)

Còn gọi là Co vo dinh (Thổ), han phan (Lào), Kom ponh (Campuchia)

Tên khoa học Aglaonema siamense Engl.

Thuộc họ Ráy Araceae

Mô tả cây

Cây thảo cao 35-40cm, đường kính thân 1-1,5cm. Lá hình bầu dục thuôn dài, phía gốc tròn, phía trên hẹp nhọn dần, dài 15-20cm, rộng 5.7cm, cuống dài 5-10cm có bẹ ôm tay thân ở phía dưới. Cụm hoa tận cùng hay mọc ngang, mo dài 3,5-4,5cm trên điểm nhiều chấm trắng nhỏ, bóng mo dài 3,5cm, hình trụ, có chân ngắn, phần hoa cái ngăn cách phần hoa đực bởi những hoa trung tính hoặc bởi những nhị lép. Quả mọng, thuôn dài, mặt điểm những chấm nhỏ trắng, dài 12-18mm, rộng 7-10mm

Mô tả cây Vạn Niên Thanh
Mô tả cây Vạn Niên Thanh

Phân bổ, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang dại và được trống ở khắp nơi trong nước ta làm cảnh, trong các phòng khách vì cây chịu bóng. Còn thấy ở Trung Quốc, Thái Lan.

Làm thuốc người ta dùng toàn thân, thường dùng tươi

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân một số vùng dùng cây vạn niên thanh chữa rắn cắn, sưng đau cổ họng. Dùng toàn cây 20 đến 40g tươi sắc với nước (300ml) uống trong ngày.

Trẻ con lòi dom dùng nước sắc cây này mà rửa. Rửa lúc còn nóng.

Nếu bị mụn nhọt, dùng cây này giã nát đắp lên không kể liều lượng.

Chú thích:

Cây Vạn niên thanh của Quảng Đông được xác định là Aglaonema modestum Schott giống cây Vạn niên thanh ở Việt Nam và có cùng một công dụng.

Hình ảnh cây Vạn Niên Thanh
Hình ảnh cây Vạn Niên Thanh
Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!