Cây Sắn Thuyền (Sắn Sàm Thuyền) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

606
Cây Sắn Thuyền
Cây Sắn Thuyền
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Sắn Thuyền trang 143 – 144, tải bản PDF tại đây

Còn gọi là sắn sàm thuyền.

Tên khoa học Syzygium resinosum (Gagnep) Merr. et Perry (Eugenia resinosa).

Thuộc họ Sim Myrtaceae.

Mô tả cây

Sắn thuyền là một cây có thân thẳng đứng, hình trụ, có thể cao tới 15m. Cành nhỏ gầy và dài, lúc đầu dẹt sau hình trụ, màu nâu nhạt, nhằm nheo. Lá mọc đố,, hai đôi lá gần nhau mọc theo hai hướng thẳng góc với nhau. Lá mọc sum suê, phiến lá hình mác thuôn nhọn ở gốc, nhọn tù ở đỉnh, dài 6-9cm, rộng 20-45mm, đen nhạt ở trên khi khô, mặt dưới nhạt có những điểm hạch hình điểm. Cụm hoa mọc ở kẽ các lá rụng hay chưa rụng, thành chùy dài 2-3cm, thưa họp thành nhóm dài 20cm, trục gầy nhỏ, tận cùng bởi 3 hoa không có cuống. Nụ hoa hình lê, gần hình cầu dài 3-4mm, rộng 2,5-3mm. Mùa thu ra quả thành từng chùm như chùm với,khi chín có màu tím đỏ, có vị ngọt, chát chát. Nhân dân ta vẫn dùng vỏ cây để xàm thuyền cho nên có tên sắn xàm thuyền. Lá non còn được dùng ăn gỏi.

Cây Sắn Thuyền
Cây Sắn Thuyền

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang và được trồng ở gần khắp miền Bắc, Hà Nội cũng có, các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Tây, Hoà Bình, Nam Hà, Nam Định, Ninh Bình vv… Dùng làm thuốc, thường người ta chỉ dùng lá tươi đem về giã nát để đắp lên nơi vết thương. Đang được nghiên cứu dùng phơi khô tán bột.

Thành phần hóa học

Chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Sơ bộ thấy có tinh dầu, chất nhựa, chất nhầy, tamin.

Tác dụng dược lý

Dựa vào kinh nghiệm nhân dân dùng lá sắn thuyển đắp lên vết thương, Đỗ Phú Đông, Bùi Như Ngọc và Phan Văn Nông và cộng sự ở Bệnh viên Hữu nghị Việt-Tiệp đã nghiên cứu trong thực nghiệm đã đi tới những kết luận sau đây:

1. Lá sắn thuyền giã nhỏ với muối hoặc không có muối và thêm nước, đều có tác dụng ức chế khuẩn như một số thuốc kháng sinh thường dùng đối với chủng Staphylococcus aureus và Pyogenes cũng như với Bacillus proteus.

2. Lá sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương thực nghiệm có tác dụng làm se vết thương, chống nhiễm trùng, tổ chức hạt mọc nhanh, toàn trạng con vật thí nghiệm mạnh khỏe.

Bột lá sắn thuyền khô mịn cũng có tác dụng tốt.

3. Tìm khả năng tăng quá trình thực bào đối với viêm của lá sắn thuyền, các tác giả cho rằng lá sắn thuyền có tác dụng động viên nhanh mạnh bạch cầu tới ổ viêm, thúc đẩy nhiều tế bào đơn phân Plaxmôxit, fibroxit, tế bào sao, lymphoxit tạo thành kháng thể mạnh hơn nên có tác dụng chống tác nhân gây viêm, kích thích tổ chức hạt, làm vết thương chóng liền.

4. Tìm tác dụng dãn mạch dẫn mạch tại chỗ trên tai thỏ, các tác giả thấy lá sắn thuyền có làm dãn mạch tai của thỏ và cho rằng việc động viên các tế bào hàn gắn tổ chức tới ổ viêm là do lá sắn thuyền có tác dụng làm dãn mạch tại chỗ.

Lá cây Sắn Thuyền
Lá cây Sắn Thuyền

Công dụng và liều dùng

Ngoài công dụng dùng lá non ăn gỏi, vỏ thân để xàm thuyền, lá sắn thuyền tươi giã nát đắp lên vết thương chảy mủ dai dẳng, bỏng vết mổ nhiễm trùng, gãy xương hở, hoại tử da… Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã dùng có kết quả chữa những vết thương nhiễm trùng thông thường, làm cho vết thương chóng khô, bớt nhiễm trùng, tổ chức sẹo có điều kiện phát triển, làm cho vết thương chóng lên da non, đặc biệt dùng lá sắn thuyền chưa có trường hợp nào vết sẹo bị lồi là một điều các nhà tạo hình và vá da rất mong muốn (Báo cáo trong Hội nghị thuốc nam châm cứu toàn ngành lần thứ VI, năm 1969). Sau đây là cách dùng và kết quả của một trong những trường hợp điển hình:

Vũ Văn Th. 35 tuổi, được mổ cắt đoạn đại tràng. Sau mổ, vết thương bị nhiễm trùng kéo dài, đã dùng các biện pháp thông thường để chữa, nhưng mủ vẫn chảy kéo dài trên một diện tích 3x15cm, thịt sùi. Định khâu da kỳ 2 cũng không được. Dùng lá sắn thuyền tươi giã đắp trong vòng 10 ngày đã thu hẹp hẳn chỉ còn 0,5x11cm, đắp thêm 10 ngày nữa sẹo liền hẳn. Cho ra viện.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!