Cây Dướng (Cây Chử Đào Thụ) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

195
Cây dướng
Cây dướng
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Dướng trang 675-676 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là chử, chử đào thụ, pắc sa, po sa (Viêntian), sa le (Xiêng khoảng), xa (Thổ), murier à papier.

Tên khoa học Broussonetia papyrifera Vent. (Morus papyrifera L..).

Thuộc họ Dâu tằm Moraceae.

Người ta dùng quả chín phơi hay sấy khô làm thuốc với tên là chử thực (Fructus Broussonetiae).

Mô tả cây

Dướng là một cây to cao, có thể cao tới 16m. Vỏ thân nhẫn, màu tro. Thần lá đều có nhũ dịch. cảnh non hơi có lông nhỏ, khi già sẽ rụng đi.

Lá mọc so le, cuống lá dài 3-10cm, có lông tơ, phiến lá hình trứng, dài 6-20cm, rộng 3-8cm, đầu lá hơi nhọn, phía cuống tròn hoặc hình tim, có khi không đối xứng, mép có răng cưa rõ, đôi khi xẻ 3 thuỳ, đặc biệt có khi xẻ 5 thuỳ, nhưng độ nông sâu của vết cắt không nhất định. Có khi phiến lá không chia thùy. Mặt trên lá có lông ngắn, mặt dưới có lông mềm màu xám trắng. Hoa đơn tính, đực cái khác gốc. Hoa đực mọc thành bóng ở ngọn cành, hoa cái mọc thành cụm hoa hình cầu. Hoa đực có 4 lá đài, 4 nhị, hoa cái có đài hợp 3-4 răng, 1 vòi nhụy. Quả hạch, tụ thành hình cầu, màu vàng hay đỏ, đường kính chừng 2cm. Mùa hoa vào các tháng 5-6, mùa quả vào các tháng 8-11.

Cây dướng
Cây dướng

Phân bố, thu hái và chế biến

Cây dướng mọc hoang và được trồng ở khắp nơi, nhiều nhất ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Có thấy mọc ở Lào.

Còn thấy ở Ấn Độ, Inđônêxya, Trung Quốc, Nhật Bản.

Hái lá và quả về phơi hay sấy khô dùng dần. Có khi dùng tươi.

Thành phần hoá học

Theo Diệp Quyết Tuyền, trong quả dướng có 4,75% lignin, canxi cacbonat, axit xerotic, các men lipaza, proteaza và zymaza.

Mới đây, hệ dược của Viện y học Bắc Kinh nghiên cứu thấy trong quả của cây này có chứa một chất saponin chừng 0,51%.

Công dụng và liều dùng

Cây này mới được dùng trong phạm vi nhận dân. Trung Quốc và Việt Nam đều thấy dùng.

Nhân dân Việt Nam dùng lá làm thuốc nhuận tràng cho trẻ con hay có khi dùng nấu nước để xông khi bị cảm, quả được coi là một vị thuốc bổ có tác dụng chữa ho, vỏ thân cây dùng chữa lỵ, cầm máu, nhựa mủ của cây dùng đắp lên các vết rắn cắn, chó cắn hoặc ong đốt.

Tính chất quả dướng theo đông y như sau: Tính hàn, vị ngọt, nhập hai kinh tỳ và tam. Có tác dụng làm sáng mắt, lợi tiểu tiện, bổ gân cốt, bổ thận.

Đông y dùng chữa thuỷ thũng, mắt mờ, dùng riêng hay phối hợp với phục linh hoặc đại phúc bì. Liều dùng hằng ngày 6-12g, dưới dạng thuốc sắc.

Trong các sách đông y có nói những người có tỳ thận hư nhược thì không nên dùng.

Ngoài công dụng làm thuốc, cây dướng còn là một cây công nghệ vì vỏ cây được dùng làm thừng và làm giấy, lá có thể dùng nuôi lợn.

Đơn thuốc có quả dướng dùng trong nhân dân

  1. Dùng chữa những người già yếu suy nhược, tiểu tiện nhiều, chân phù (đơn thuốc của Diệp Quyết Tuyền).

Quả dướng 12g, phục linh 10g, đỗ trọng 10g, câu kỷ tử 10g, ngưu tất 8g, tiểu hồi hương 3g, bạch truật 10g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

  1. Chữa hội chứng lỵ.

Lá dướng tươi 50-100g, giã nát vắt lấy nước uống (kinh nghiệm nhân dân Lai Châu).

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!