Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Bảy Lá Một Hoa trang 90 – 92, tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là thất diệp nhất chi hoa, độc cước liên, thiết đăng đài, chi hoa đầu, tảo hưu, thảo hà xa.
Tên khoa học Paris polyphylla Sm.
Thuộc họ Hành tỏi (Liliaceae).
Mô tả cây
Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất đặc biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2,5-2,5cm rất nhiều đốt, khó bẻ, vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1 mét, phía gốc có một số lá thoái hóa thành vẩy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3 đến 10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2,5-3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15- 21cm, rộng 4-8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài gồm 5 đến 10, thường là 7, màu xanh lá cây, dài 3- 7cm. rời từng cái một, trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số lá đài, hình sợi rủ xuống, màu vàng mẫu, chiều dài bằng hay ngắn hơn chiều dài của lá đài. Nhụy màu tím đỏ, bầu thường gồm 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 3, 4, 5 (vùng Sapa), mùa quả và các tháng 10-11
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây bảy lá một hoa được phát hiện gần đây tại các vùng núi Cúc Phương thuộc Nam Hà, Ninh Bình, Sapa (Lào Cai), Đà Bắc (Hoà Bình), Sơn Động (Hà Giang). Trước đây không thấy mô tả trong Bộ thực vật chí Đông Dương. Đầu năm 1934, Péctelot có phát hiện thấy quanh vùng Sapa nhiều loài khác nhau (xem phần chú thích), nhưng chưa được khai thác sử dụng.
Người ta thường dùng thân rễ với tên tảo hưu, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.
Thành phần hóa học
Trong tảo hưu, người ta đã nghiên cứu thấy có chất glucozit, tính chất saponin gọi là paridin C16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit (theo Lý Thừa Cố, 1960, Trung Quốc dược dụng thực vật đồ giám, Bắc Kinh).
Trong thân rễ và quả loài Paris quadrifolia L. người ta chiết được một glucozit gọi là paristaphin, khi thủy phân paristaphin sẽ cho glucoza và một glucozit mới gọi là paridin, thủy phân paridin, ta lại được glucoza và một chất nhựa gọi là paridol.
Công dụng và liều dùng
Cây bảy lá một hoa còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi dân gian. Theo đông y, vị tảo hưu (thân rễ của cây bảy lá một hoa) có vị ngọt, hơi cay, tính bình không độc. Tác dụng chủ yếu của nó là thanh nhiệt giải độc, nhất là đối với loài rắn độc. Tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc) trong nhân dân có câu ngạn ngữ:
“Ốc hữu thất diệp nhất chi hoa
Độc xà bất tiến gia”
nghĩa là trong nhà mà có cây bảy lá một hoa thì rắn độc không vào được. Ngoài công dụng chữa sốt và rắn độc, vị tảo hưu còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn, dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau.
Ngày dùng 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chú thích
1. Tại châu Âu, người ta dùng thân rễ và quả của loài Paris quadrifolia (4 lá) làm thuốc tẩy, nhưng có chất độc. Dùng với liều vừa phải, thân rễ và quả có tác dụng làm ngủ, chống co thắt và gây nôn, tẩy.
2. Tên khoa học của cây bảy lá một hoa tạm xác định là Paris polyphylla Sm., trên thực tế chúng tôi thấy có nhiều loài khác nhau. Theo sự nghiên cứu của A. Pételot trước đây, ở nước ta ít nhất cũng có 5 loài khác nhau đã được mô tả như sau:
Paris delavayi Franch. Cây có thân gầy, cao chừng 1m cành lá ở khoảng 2/3 phía thân trên. Lá có cuống dài chừng 2cm, phiến lá hình mắc dài, đầu lá nhọn, phía cuống nhọn hơn, dài chừng 20c, rộng khoảng 3,5cm, 3 gần xuất phát từ cuống lá, gần giữa rõ hơn, gần hai bên chạy cách theo mép chừng 5mm. Lá đài 5, cùng dạng với lá, dài 4-4,5cm rộng 8mm. Cánh tràng hình sợi, ngắn hơn lá đài nhiều. Thường thấy mọc ở giữa khoảng 1.400m đến 1.800m trong những rừng ẩm ở Sapa (Lào Cai). Ra hoa vào tháng 4, kết quả vào tháng 6-7.
Paris hainanensis Merr. Cây này có thân to, cao chừng 0,80m, vành lá gồm 6 lá ở vào khoảng 2.3 phía trên thân. Cuống lá dài tới 7cm, phiến lá hình trứng rộng, hơi không đối xứng, dài 20cm, rộng 12cm, đầu phiến tận cùng bởi một mũi nhọn, hình ba cạnh dài 1cm. Lá đài 5, hình trúng mác, dài 5cm, rộng 2cm. Cánh tràng hình sợi, gần dài gấp 2 lá đài. Hoa vào tháng 4, quả vào tháng 6. Loài này hay gặp hơn ở những rừng ẩm thấp quanh Sapa, độ cao chừng 1.500m.
Còn thấy ở Trung Quốc, đảo Hải Nam.
Paris fargesii Franch. Thân cao chừng 1-1,3m vành lá gồm 5 lá ở khoảng 2/3 phía trên thân, cuống lá dài 5-5,5cm, phiến lá hình bầu dục, phía cuống hình tim, đầu nhọn, 5 gân. Lá đài hình mác, dài 6cm, rộng 1,2cm. Cánh tràng hình sợi, ngắn hơn lá đài. Ra hoa vào tháng 4, kết quả vào tháng 6. So với các loài trên thì hiếm hơn. Cũng thấy ở quanh vùng Sapa, vào độ cao 1.500m có thấy ở Trung Quốc.
Trong số 2 loài chưa xác định được tên, có một loài cao tới 2,5m. Pételot phát hiện thấy 2 cây ở gần một khe nhỏ giữa đường Sapa – Bình Lư. Loại thứ hai được phát hiện ở dốc 400m vùng núi Ba Vì (Hoà Bình) và trên bờ suối có nhiều bóng rợp giữa đường Hà Nội-Hòa Bình, độ cao không quá 50m so với mặt biển.
Cần chú ý nghiên cứu.