Cây Bạch Truật (Ư Truật) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

451
Bạch Truật
Bạch Truật
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

Bạch Truật trang 391-392 tải bản PDF tại đây.

Còn gọi là Ư Truật, Đồng Truật, Triết Truật.

Tên khoa học Atractylodes macrocephala Koidz. Atractylis macrocephala (Koidz) Hand. Mazz.; Atractylis ovata Thunb.

Thuộc họ Cúc Compositae.

Bạch truật (Rhizoma Atractylodis macrocephalae) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây bạch truật.

Chữ macrocephala có nghĩa là đầu to, ý nói cụm hoa hình đầu mà lại to.

Mô tả cây

Bạch truật là một cây mọc lâu năm, cao tới 80cm. Rễ phát triển thành củ to và mẫm. Lá mọc so le, dai. Lá ở phía dưới thân có cuống dài, phiến lá chia làm 3 thùy rõ rệt, cắt sâu, trống gần như lá riêng, lá ở ngọn không chia thùy, cuống ngắn, mép phiến lá có răng cưa đều và nhọn. Cụm hoa hình đầu, lớn, tổng bao hình chuông, phiến tổng bao gồm 7 lớp trông như ngói lợp. Tràng hoa hình ống phía dưới màu trắng, phía trên màu tím đỏ, chia làm 5 thùy hình, sợi dài, 5 nhị (trong những hoa cái ở phía ngoài của cụm hoa có nhị thoái hóa). Bầu nhụy có phủ lông trắng, ở đình mang một chùm lông dài mượt (dùng để phát tán quả nhờ gió)

Bạch Truật
Bạch Truật

Phân bố, thu hái và chế biến

Trước đây ta phải nhập bạch truật của Trung Quốc. Tại đây người ta trồng nhiều nhất ở Triết Giang và Hồ Nam.

Gần đây đã đi thực được bạch truật. Nhưng mới bắt đầu đưa ra trồng rộng rãi. Đặc biệt ở nước ta có thể trồng cả ở miền núi cao lạnh và đồng bằng thấp, nóng. Nơi cao lạnh chủ yếu nhân và giữ giống, đồng bằng thu lấy củ. Trồng bạch truật tại miền núi cao lạnh phải 2-3 năm sau mới thu hoạch củ được. Trồng ở đồng bằng, thời gian thu có thể rút xuống còn 10-12 tháng. Vào tháng 10 âm lịch thì đào lấy thân rễ (khi nào thấy lá ở gốc cây bắt đầu úa vàng thì đào). Sau khi rửa sạch, cắt bỏ rễ con, rồi sấy khô thì gọi là hồng truật hay bạch truật, nếu để nguyên hoặc thái mỏng phơi khô thì gọi là sinh sái truật hay động truật. Khi dùng người ta còn sao hoặc sao với đất màu vàng gọi là sao hoàng thổ, hoặc sao không cho đến màu vàng đen, có thể sao với cám: 6kg bạch truật thì dùng 400g cám. Phun một ít rượu rồi sao cho hơi nóng, cho bạch truật đã thái mỏng vào, đảo cho đến khi có màu vàng thì rây bỏ cấm, lấy bạch truật. Lối sao sau cùng này ít thấy áp dụng ở Việt Nam, nhưng Trung Quốc hay dùng và gọi là phù bì sao bạch truật.

Thành phần hóa học

Trong bạch truật có tinh dầu (1,4%), nhưng thành phần hoạt chất chưa rõ. Có tác giả nói rằng trong bạch truật có atractylola C15H16O và atractylon C14H18O, vitamin A.

Tác dụng dược lý

Xem vị thương truật giới thiệu sau đây.

Công dụng và liều dùng

Đông y coi bạch truật là một vị thuốc bổ bồi dưỡng, chủ yếu bổ tỳ, kiện vị, hóa thấp, chỉ tả (cắm đi ngoài), chữa sốt, an thai, bổ máu, dùng trong các trường hợp sốt, ra mồ hôi, phù thũng viêm ruột mãn tính. 

Theo tài liệu cổ bạch truật vị ngọt, đắng tính hơi ôn, vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng kiện vị, hòa trung, táo thấp, hóa đờm, lợi tiểu, làm hết mồ hôi, an thai. Chữa tỳ hư trướng mãn hung cách phiền muộn, tiết tả, thủy thũng, đầm ẩm, trị hãn (mồ hôi trộm), thai khí không yên Phàm âm hư lại táo kết không dùng được. 

Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!