Tổng quan về Captopril
Captopril là thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI) đầu tiên được phê duyệt trên thế giới. Nó được sử dụng trong các trường hợp tăng huyết áp, suy tim sung huyết, rối loạn chức năng thất trái và bệnh thận đái tháo đường.
Captopril được cấp bằng sáng chế năm 1976 và chấp thuận trong y tế năm 1980. Trong giai đoạn đầu tiên, Captopril được khám phá và phát triển tại E. R. Squibb & Sons Pharmaceuticals và hiện nay được tiếp thị bởi Bristol-Myers Squibb.
Captopril được phát triển năm 1975 bởi 3 nhà nghiên cứu tại công ty dược phẩm Hoa Kỳ Squibb (nay là Bristol-Myers Squibb): Miguel Ondetti, Bernard Rubin và David Cushman. Squibb đã nộp đơn xin bảo hộ bằng sáng chế tháng 2/1976 và Bằng sáng chế Hoa Kỳ số 4,046,889 đã được cấp tháng 9/1977.
Captopril đã được Cơ quan Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận ngày 6/4/1981. Thuốc đã trở thành thuốc generic ở Hoa Kỳ tháng 2/1996, khi bản quyền do Bristol-Myers Squibb nắm giữ về captopril hết hạn.
Đặc điểm dược lý của Captopril
Dược lực học và cơ chế tác dụng
Captopril là chất ức chế enzym chuyển dạng angiotensin I, được dùng trong điều trị tăng huyết áp, và suy tim. Tác dụng hạ huyết áp của thuốc liên quan đến ức chế hệ renin – angiotensin – aldosteron. Renin là enzym do thận sản xuất, khi vào máu tác dụng trên cơ chất globulin huyết tương sản xuất ra angiotensin I, là chất decapeptid có ít hoạt tính. Nhờ vai trò của enzym chuyển dạng (ACE), angiotensin I chuyển thành angiotensin II. Chất sau làm co mạch nội sinh rất mạnh, đồng thời lại kích thích vỏ thượng thận tiết aldosteron, có tác dụng giữ natri và nước. Captopril ngăn chặn được sự hình thành angiotensin II.
Tác dụng chống tăng huyết áp: Captopril làm giảm sức cản động mạch ngoại vi, thuốc không tác động lên cung lượng tim. Tưới máu thận được duy trì hoặc tăng. Mức lọc cầu thận thường không thay đổi. Nếu có hạ nhanh huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp kéo dài hoặc huyết áp rất cao thì mức lọc cầu thận có thể giảm nhất thời, thể hiện ở sự tăng creatinin huyết thanh.
Tác dụng hạ huyết áp xảy ra trong khoảng 60 – 90 phút sau khi uống liều thứ nhất. Thời gian tác dụng phụ thuộc vào liều: Sau một liều bình thường, tác dụng thường duy trì ít nhất 12 giờ. Trong điều trị tăng huyết áp, đáp ứng điều trị tối đa đạt được sau 4 tuần điều trị.
Giảm phì đại thất trái đạt được sau 2 – 3 tháng dùng captopril. Tác dụng hạ huyết áp không phụ thuộc vào tư thế đứng hay nằm.
Hạ huyết áp tư thế (hạ huyết áp thế đứng) thường ít gặp, nhưng có thể xảy ra, đặc biệt ở người có thể tích máu giảm.
Ðiều trị suy tim:
Captopril có tác dụng tốt chống tăng sản cơ tim do ức chế hình thành angiotensin II, là chất kích thích tăng trưởng quan trọng của cơ tim. Ðối với người bệnh suy tim, captopril làm giảm tiền gánh, giảm sức cản ngoại vi, tăng cung lượng tim và vì vậy làm tăng khả năng làm việc của tim.
Tác dụng huyết động và lâm sàng thường xảy ra nhanh và duy trì trong khi điều trị. Cải thiện lâm sàng thấy cả ở người bệnh có tác dụng huyết động kém. Tưới máu thận có thể tăng nhanh tới 60%, tác dụng này thường đạt được từ 60 – 90 phút sau khi uống một liều và đạt tác dụng tối đa sau 3 – 8 giờ, duy trì trong khoảng 12 giờ.
Có thể phối hợp captopril với digitalis và các thuốc lợi tiểu. Không nên phối hợp với các thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolacton vì có thể dẫn đến tăng kali máu nặng.
Ðiều trị nhồi máu cơ tim:
Lợi ích của các chất ức chế ACE là làm giảm tỷ lệ tái phát nhồi máu cơ tim, có thể do làm chậm tiến triển xơ vữa động mạch. Captopril làm giảm tỷ lệ chết sau nhồi máu cơ tim. Nên dùng thuốc sớm trong cơn nhồi máu cơ tim cấp tính cho mọi người bệnh, ngay cả khi có dấu hiệu nhất thời rối loạn chức năng thất trái.
Dược động học
Hấp thu: Thời gian khởi phát tác dụng là 15-30 phút khi dùng đường uống. Thời gian đạt hiệu quả cực đại là 60-90 phút. Thời gian tác dụng là 8-12 giờ khi dùng đa liều. Thời gian đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương (Tmax) là 0.5-1.5 giờ. Khoảng điều trị là 0.05-0.5 µg/mL. Sinh khả dụng (F) là 70-75%.
Phân bố: Tỉ lệ gắn protein huyết tương là 25-30% cho thể tích phân bố (Vd) là 0.7 L/kg.
Chuyển hóa: Captopril được chuyển hóa tại gan (50%). Chất chuyển hóa không hoạt động là captopril-cysteine disulfide.
Thải trừ: Thời gian bán hủy (t1/2) là 1.9 giờ (người trưởng thành), 2.06 giờ (suy tim), 20-40 giờ (vô niệu) và tăng đáng kể trong trường hợp CrCl < 20 mL/phút. Thanh thải toàn cơ thể (ClT) là 0.8 L/kg/h. Thanh thải thận (ClR) là 0.4 L/kg/h. Bài xuất chủ yếu qua nước tiểu (95%).
Chỉ định của Captopril
Captopril thường được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tăng huyết áp.
- Suy tim (giảm tử vong và biến chứng ở người suy tim có triệu chứng và người loạn năng thất trái không triệu chứng).
- Sau nhồi máu cơ tim (huyết động học đã ổn định).
- Bệnh thận do đái tháo đường (tăng hoặc không tăng huyết áp).
- Suy thận tuần tiến mạn.
Liều dùng và cách dùng Captopril
Liều dùng của Captopril
Tăng huyết áp | Liều thường dùng: 25 mg/ lần, 2 – 3 lần/ ngày.
Trường hợp không kiểm soát được huyết áp sau 1 – 2 tuần, có thể tăng liều tới 50 mg/ lần, 2 – 3 lần/ ngày. Không dùng quá 150 mg/ ngày, có thể dùng thêm thuốc lợi tiểu thiazid ở liều thấp. |
||
Cơn tăng huyết áp (khi cần giảm huyết áp trong vài giờ) | 12,5 mg – 25 mg/ lần, các lần cách nhau khoảng 30 – 60 phút hoặc lâu hơn. | ||
Đối với suy thận | Liều dùng tùy thuộc vào hệ số thanh thải của creatinin | < 50 ml/ phút/ m2 | Liều ban đầu 12,5 mg/ lần, 3 lần/ ngày.
Trường hợp chưa đạt tác dụng sau 2 tuần, liều: 25 mg/ lần, 3 lần/ ngày. |
< 20 ml/ phút/ m2 | Liều ban đầu: 6,25 mg/ lần, 3 lần/ ngày.
Trường hợp chưa đạt tác dụng sau 2 tuần, liều: 12,5 mg/ lần, 3 lần/ ngày. |
||
Suy tim | Liều thường dùng: 6,25 mg – 50 mg/ lần, 2 lần/ ngày.
Khi cần có thể tăng liều lên 50 mg/ lần, 2 lần/ ngày. Nên dùng phối hợp với thuốc lợi tiểu. |
||
Rối loạn chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim | Có thể bắt đầu dùng Captopril sớm 3 ngày sau nhồi máu cơ tim kèm rối loạn chức năng thất trái.
Sau khi dùng liều ban đầu: 6,25 mg/ lần x 3 lần, có thể tiếp tục điều trị với liều: 12,5 mg/ lần x 3 lần, sau đó tăng lên 25 mg/ lần x 3 lần trong vài ngày tiếp theo và nâng lên liều 50 mg/ lần x 3 lần trong những tuần tiếp theo nếu dung nạp được thuốc. Captopril có thể kết hợp với các liệu pháp sau nhồi máu cơ tim (thuốc tan huyết khối, Aspirin, thuốc chẹn beta). |
||
Bệnh thận do đái tháo đường | 25 mg/ lần, 3 lần/ ngày.
Dùng lâu dài và sử dụng thêm thuốc chống tăng huyết áp nếu chưa đạt được tác dụng mong muốn. |
||
Trẻ em | Liều ban đầu: 0,3 mg/ kg thể trọng/ lần, 3 lần/ ngày.
Liều có thể tăng thêm 0,3 mg/kg, cứ 8 – 24 giờ tăng một lần, đến liều thấp nhất có tác dụng. |
Cách dùng Captopril hiệu quả
Uống 1 giờ trước khi ăn. Liều dùng có thể thay đổi tùy tình trạng và bệnh lý kèm theo.
Chống chỉ định
Không dùng Captopril bất kể lợi ích nếu bệnh nhân thuộc đối tượng sau:
- Quá mẫn cảm với Captopril, ACEIs khác hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
- Tiền sử phù mạch do ACEIs, phù mạch di truyền hoặc vô căn.
- Dùng cùng các thuốc ức chế neprilysin (như sacubitril): Không dùng Captopril trong vòng 36 giờ sau khi dùng sacubitril / valsartan.
- Phối hợp với aliskiren ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc suy thận (GFR < 60 mL/phút/1.73 m2).
- Hẹp động mạch thận hai bên.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Hầu hết các ADR là chóng mặt và ngoại ban (khoảng 2%). Các phản ứng này thường phụ thuộc vào liều dùng và liên quan đến những yếu tố biến chứng như suy thận, bệnh mô liên kết ở mạch máu.
Các tác dụng không mong muốn đã biết của thuốc và tần xuất xảy ra như sau:
Thường gặp, ADR >1/100
Toàn thân: Chóng mặt.
Da: Ngoại ban, ngứa.
Hô hấp: Ho.
Ít gặp, 1/100 >ADR >1/1000
Tuần hoàn: Hạ huyết áp nặng.
Tiêu hóa: Thay đổi vị giác, viêm miệng, viêm dạ dày, đau bụng, đau thượng vị.
Hiếm gặp, ADR <1/1000
Toàn thân: Mẫn cảm, mày đay, đau cơ, sốt, tăng bạch cầu ưa eosin, bệnh hạch lympho, sút cân.
Tuần hoàn: Viêm mạch.
Nội tiết: To vú đàn ông.
Da: Phù mạch, phồng môi, phồng lưỡi; giọng khàn do phù dây thanh âm, phù chân tay. Ðiều này thường do thiếu từ trước enzym chuyển hóa bổ thể, kết hợp với tăng bradykinin, có thể đe dọa tính mạng. Mẫn cảm ánh sáng, phát ban kiểu pemphigus, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens – Johnson, viêm da tróc vảy.
Gan: Vàng da, viêm tụy.
Hô hấp: Co thắt phế quản, hen nặng lên.
Cơ xương: Ðau cơ, đau khớp.
Thần kinh: Dị cảm.
Tâm thần: Trầm cảm, lú lẫn.
Sinh dục, tiết niệu: Protein niệu, hội chứng thận hư, tăng kali máu, giảm chức năng thận.
Tương tác
Dùng đồng thời furosemid với captopril gây ra tác dụng hiệp đồng hạ huyết áp.
Captopril khi kết hợp với các chất chống viêm không steroid (đặc biệt indomethacin) làm giảm tác dụng hạ huyết áp của captopril.
Lithi: có thể làm tăng trở lại nồng độ lithi huyết thanh và làm tăng độc tính của lithi.
Các chất cường giao cảm làm giảm tác dụng hạ huyết áp của captopril.
Cyclosporin hoặc các thuốc lợi tiểu giữ kali có thể gây tăng kali khi sử dụng đồng thời với captopril.
Thuốc chẹn beta – adrenergic, methyldopa, các nitrat, thuốc chẹn calci, hydralazin, prazosin, và digoxin: không thấy tương tác có ý nghĩa lâm sàng.
Lưu ý khi dùng và bảo quản
Lưu ý và thận trọng
Suy giảm chức năng thận. Thẩm tách máu. Người bệnh mất nước và/hoặc điều trị thuốc lợi tiểu mạnh: nguy cơ hạ huyết áp nặng.
Bản thân captopril có thể gây tăng nhẹ kali huyết, vì vậy tránh kết hợp với các thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolacton, triamteren, amilorid; nếu dùng thuốc lợi tiểu, cần phải rất thận trọng. Cũng cần thận trọng khi dùng các muối có chứa kali và phải kiểm tra cân bằng điện giải thường xuyên.
Ở người bệnh tăng hoạt độ renin mạnh, có thể xảy ra hạ huyết áp nặng sau khi dùng liều captopril đầu tiên, cần tiêm truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%. Hạ huyết áp nhất thời này không cản trở việc tiếp tục sử dụng captopril. Nếu liều ban đầu thấp (6,25 mg hoặc 12,5 mg) thì thời gian hạ huyết áp nặng sẽ giảm.
Nếu đại phẫu hoặc trong khi gây mê với thuốc có tác dụng hạ huyết áp, cần lưu ý rằng captopril ngăn cản sự hình thành angiotensin II, gây giải phóng renin thứ phát, dẫn đến hạ huyết áp kịch phát, cần được điều chỉnh bằng tăng thể tích tuần hoàn.
Nguy cơ tăng mạnh các phản ứng phản vệ khi sử dụng đồng thời các chất ức chế ACE và màng thẩm tách có tính thấm cao, lọc máu, rút bớt LDL và trong khi giải mẫn cảm – chống dị ứng.
Captopril cũng gây phản ứng dương tính giả khi xét nghiệm aceton trong nước tiểu.
Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Sử dụng thuốc trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ có thể gây bệnh dẫn đến chết thai và tổn thương cho trẻ sơ sinh, gồm: Hạ huyết áp, giảm sản sọ sơ sinh, suy thận hồi phục hoặc không hồi phục và tử vong.
Phải ngừng dùng Captopril càng sớm càng tốt sau khi phát hiện có thai.
Captopril bài tiết vào sữa mẹ. Tuy nhiên ở liều điều trị thông thường, nguy cơ về tác dụng có hại cho trẻ bú sữa mẹ rất thấp.
Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc
Thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, tăng dị cảm, khuyến cáo bệnh nhân không nên lái xe hoặc vận hành máy móc nếu gặp phải các tình trạng trên.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Sốt, nhức đầu, hạ huyết áp.
Xử trí:
- Ðiều trị phù mạch ảnh hưởng đến lưỡi, thanh môn hoặc thanh quản, bao gồm các biện pháp sau:
- Ngừng dùng captopril và cho người bệnh vào viện; tiêm adrenalin dưới da; tiêm tĩnh mạch diphenhydramin; tiêm tĩnh mạch hydrocortison.
- Truyền tĩnh mạch dung dịch natri clorid 0,9% để duy trì huyết áp; có thể loại bỏ captopril bằng thẩm tách máu.
Bảo quản
Bảo quản Captopril trong những bao bì kín, ở nơi khô và nhiệt độ dưới 30oC.
Các chế phẩm có chứa Captopril
Hiện nay trên thị trường, Captopril chủ yếu tồn tại dưới dạng Captopril maleat với các dạng bào chế và hàm lượng như sau:
- Viên nén 2,5 mg, 5 mg, 10 mg, 20 mg.
- Chế phẩm kết hợp của Captopril maleat: Viên nén 5 mg với 12,5 mg hydroclorothiazid; 10 mg với 25 mg hydroclorothiazid.
- Viên nang cứng 2,5 mg, 5 mg, 10 mg, 20 mg.
Biệt dược gốc: Captopril
Các biệt dược đang lưu hành trên thị trường hiện nay: Caporil; Captohasan 25; Captopril; Dotorin 25mg, Captopril, Captopril, Captopril, Captopril 25 mg, Captopril Stada 25 mg, Korus Captopril Tab…
Tài liệu tham khảo
- P H Vlasses, R K Ferguson, K Chatterjee (Ngày đăng: năm 1982). Captopril: clinical pharmacology and benefit-to-risk ratio in hypertension and congestive heart failure, Thư viện Wiley. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- Francheska Marte và cộng sự (Ngày đăng: tháng 1 năm 2023). Captopril, StatPearls [Internet]. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- Su-Han Zhou và cộng sự (Ngày đăng: ngày 25 tháng 2 năm 2022). Captopril related kidney damage: renal afferent arteriolar responses to angiotensin II and inflammatory signaling, Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.
- T A Allen, W L Wilke, M J Fettman (Ngày đăng: ngày 1 tháng 1 năm 1987). Captopril and enalapril: angiotensin-converting enzyme inhibitors, Pubmed. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2023.