Thông tin thành phần Biotin – Vitamin B7

20
Biotin - Vitamin B7
Biotin - Vitamin B7
Đánh giá

Biotin là gì?

Tên chung quốc tế: Biotin (Vitamin B7).

Công thức hoá học: C10H16N2O3S.

Biotin là một loại vitamin hòa tan trong nước, đóng vai trò như một co-enzyme, một chất rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của các axit béo, axit amino và glucose. Nghĩa là khi bạn ăn những loại thực phẩm chứa chất béo, protein và carbohydrate, cơ thể bạn cần biotin để chuyển hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng đa lượng này thành nguồn năng lượng cho cơ thể. Năng lượng này giúp bạn thực hiện các hoạt động thể chất và giữ cho các chức năng thần kinh hoạt động chính xác.

Biotin còn được gọi là vitamin H, vitamin B7 hoặc vitamin B8 (ở Pháp, vitamin B7 lại là inositol), là một vitamin rất quan trọng cho da, tóc và móng. Biotin có tác dụng giúp tóc mọc nhanh, khỏe và dày hơn. Biotin còn có vai trò ổn định đường huyết. Thiếu biotin gây rụng tóc, móng giòn, dễ gãy.

Biotin - Vitamin B7
Công thức cấu tạo của Biotin – Vitamin B7

Dược lý và cơ chế tác dụng của Biotin

Dược lực học

Biotin là một vitamin hoà tan trong nước thuộc nhóm vitamin B. Biotin cần thiết cho sự hoạt động của các enzym chuyển vận các đơn vị carboxyl và gắn carbon dioxyd và cần cho nhiều chức năng chuyển hóa, bao gồm tân tạo glucose, tạo lipid, sinh tổng hợp acid béo, chuyển hóa propionat và dị hóa acid amin có mạch nhánh. Cho đến nay đã biết có 9 enzym phụ thuộc biotin. Enzym biotinidase tạo ra biotin trong cơ thể và cần thiết cho sự giải phóng biotin ra khỏi sự kết hợp với protein thức ăn. Sự thiếu hụt biotinidase là một rối loạn chuyển hoá di truyền lặn thể thường nhiễm sắc được đánh giá bằng hoạt lực biotinidase huyết thanh. Rối loạn đó ở trẻ em thường biểu hiện bởi các triệu chứng: Động kinh, giảm trương lực cơ, mất điều hoà, phát ban, rụng tóc, nhiễm toan chuyển hoá và acid hữu cơ niệu.

Chế độ ăn uống cung cấp mỗi ngày 150 – 300 microgam biotin được coi là đủ. Một phần biotin do vi khuẩn chí ở ruột tổng hợp cũng được hấp thu.

Nguồn cung cấp từ thức ăn: Thịt, gan, lòng đỏ trứng, sữa, cá, đậu nành, các loại đậu, men bia có nhiều biotin. Biotin bền vững khi đun nóng, nhưng kém bền trong môi trường kiềm. Thiếu hụt biotin ở người có thể xảy ra ở những tình trạng sau: Thiếu dinh dưỡng protein năng lượng; ăn dài ngày lòng trắng trứng sống (có chứa avidin là một glycoprotein, liên kết mạnh với biotin, do đó ngăn cản sự hấp thu chất này); nuôi dưỡng ngoài đường tiêu hóa mà không bổ sung biotin ở những người bệnh kém hấp thu; ở người có khiếm khuyết bẩm sinh về các enzym phụ thuộc biotin.

Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu hụt biotin bao gồm viêm da bong, viêm lưỡi teo, tăng cảm, đau cơ, mệt nhọc, chán ăn, thiếu máu nhẹ, thay đổi điện tâm đồ và rụng tóc. Tuy nhiên, các triệu chứng này đều đáp ứng với biotin liều thấp.

Dược động học

Biotin được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa và gắn chủ yếu với protein huyết tương. Thuốc xuất hiện trong nước tiểu chủ yếu ở dạng biotin nguyên vẹn và một lượng ít hơn ở dạng các chất chuyển hóa bis-norbiotin và biotin sulfoxid.

Uống biotin có tác dụng gì? Chỉ định của Biotin

Khi uống biotin có rất nhiều tác dụng cho cơ thể như:

Giúp tóc, móng, da khoẻ mạnh Cơ thể đầy đủ lượng biotin cần thiết sẽ giúp tổ chức tế bào sừng chắc khoẻ, tăng tái tạo từ đó tóc, móng nhanh dài, mọc nhiều và da chắc khoẻ.
Tăng cường chuyển hoá chất dinh dưỡng Biotin có vai trò kích thích enzym gia tăng hiệu quả hoạt động từ đó quá trình chuyển hoá diễn ra nhanh hơn:

  • Amino axit trao đổi chất nhanh hơn.
  • Tái tạo Gluconeogenesis (tức là Glucozơ)
  • Tổng hợp axit béo: quá trình tổng hợp và sản sinh axit béo nhanh hơn nhờ biotin tăng cường enzym hoạt hóa .
Bảo vệ não bộ Tăng cường chức năng não bộ ,giải toả căng thẳng, kết hợp với các vitamin nhóm B khác chống lại sự lão hóa thần kinh,…
Khắc phục tình trạng cho bệnh nhân bị chứng đa xơ cứng Hội chứng đa xơ cứng khiến một số bộ phận như mắt, lớp vỏ bao bọc dây thần kinh não bộ, tủy sống bị phá huỷ trong khi đó Biotin giúp sản xuất và làm dày những bộ phận này.
Hỗ trợ người bị tiểu đường Biotin trong máu bệnh nhân tiểu đường thường ít hơn so với mức quy định. Trong khi đó, ở người tiểu đường đặc biệt tuýp 2 sẽ gặp khó khăn cho chuyển hóa và trao đổi chất nên lượng đường trong máu cao hơn bình thường, Insulin mất tác dụng nên cần Biotin để điều hoà nồng độ đường trong máu.

Biotin được sử dụng, chỉ định cho các trường hợp dưới đây:

  • Điều trị thiếu hụt biotinidase tiên phát.
  • Điều trị thiếu hụt phức hợp vitamin B trong: Suy dinh dưỡng protein – năng lượng, chán ăn, nghiện rượu và viêm đa dây thần kinh do các tình trạng trên, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch thiếu bổ sung biotin, cắt dạ dày.

Chú ý: Không có bằng chứng là biotin có hiệu lực trong điều trị trứng cá, eczema tiết bã nhờn hoặc rụng tóc (không do thiếu biotin).

Thiếu Biotin sẽ gây ra bệnh lý gì?

Những người thường có nguy cơ thiếu hụt biotin cao thường là những đối tượng:

  • Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc chống động kinh trong thời gian dài.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài.
  • Mắc các vấn đề về hội chứng kém hấp thu đường ruột hoặc các chứng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như bệnh Chron, bệnh Celiac (tình trạng không dung nạp gluten), hoặc hội chứng rò rỉ đường ruột.

Thông thường, tình trạng thiếu hụt biotin rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, người mắc thiếu hụt biotin thường gặp những triệu chứng sau:

  • Da bị kích ứng do khô ráp.
  • Tóc chẻ ngọn, gãy hoặc rụng nhiều.
  • Cảm thấy thiếu hụt năng lượng hoặc mệt mỏi kinh niên.
  • Mắc các vấn đề về đường tiêu hóa và đường ruột.
  • Đau nhói, đau thắt và co thắt các cơ.
  • Tổn thương hệ thần kinh.
  • Suy giảm nhận thức.

Chống chỉ định của Biotin

Dị ứng với biotin.

Biotin - Vitamin B7
Thực phẩm chứa Biotin (Vitamin B7)

Liều dùng và cách dùng của Biotin

Bổ sung dinh dưỡng (uống): Người lớn 30 – 100 microgam mỗi ngày; trẻ em 30 microgam mỗi ngày.

Nuôi dưỡng kéo dài ngoài đường tiêu hóa: Dùng các chế phẩm vitamin có chứa biotin (mỗi ngày 60 microgam cho người lớn và 20 microgam cho trẻ em).

Tăng tiết bã nhờn của trẻ nhỏ và người có rối loạn di truyền về enzym phụ thuộc biotin: 5 – 10 mg hàng ngày.

Thiếu hụt biotinidase: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn: 5 – 10 mg một lần mỗi ngày.

Thiếu hụt biotin: 5 – 20 mg một lần mỗi ngày

Tác dụng phụ của Biotin

Chưa có tác dụng không mong muốn nào được thông báo.

Tương tác thuốc của Biotin

Biotin khi sử dụng có thể xảy ra những tương tác đã được báo cáo dưới đây:
Lòng trắng trứng sống với một lượng lớn có thể ngăn cản sự hấp thu của biotin.
Một số hợp chất đối kháng tác dụng của biotin, trong số này có avidin, biotin sulfon, desthiobiotin và một vài acid imidazolidon carboxylic.

Thận trọng khi sử dụng

Biotin có thể can thiệp vào một số xét nghiệm hormone. Trong các xét nghiệm miễn dịch sử dụng tương tác streptavidin-biotin, sự can thiệp của biotin có thể tạo ra cả kết quả dương tính giả và âm tính giả.

Biotin có thể an toàn cho hầu hết mọi người khi sử dụng đúng cách. Biotin được dung nạp tốt khi dùng theo liều lượng khuyến cáo và có thể an toàn khi tiêm vào cơ.

Thời kỳ mang thai

Chưa thấy tư liệu nào nêu có vấn đề ở người khi dùng theo nhu cầu bình thường hàng ngày.

Thời kỳ cho con bú

Chưa thấy tư liệu nào nêu có vấn đề ở người khi dùng theo nhu cầu bình thường hàng ngày.

Quá liều và xử trí

Chưa có thông báo về độc tính của biotin trên người mặc dù đã dùng lượng lớn kéo dài tới 6 tháng.

Các dạng bào chế phổ biến của Biotin

Biotin sản xuất dưới nhiều dạng bào chế khác nhau với tác dụng trị mụn như Biotin dạng viên nén, viên nang, dung dịch tiêm, dạng bột,… dưới nhiều hàm lượng như viên nén Biotin 10,000 mcg, viên nang Biotin 5 mg,…

Tài liệu tham khảo

1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2 (Xuất bản năm 2018). Biotin trang 259 đến 260, Dược thư Quốc gia Việt Nam 2. Truy cập ngày tháng năm 2023.

2. Chuyên gia của PubChem, cập nhập ngày 16 tháng 04 năm 2023. Biotin, PubChem. Truy cập ngày 22 tháng 04 năm 2023.

3. Hamid M Said, cập nhập năm 2012. Biotin: biochemical, physiological and clinical aspects, Pubmed. Truy cập ngày 22 tháng 04 năm 2023

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!