Thông tin về Acid Tranexamic – thành phần trị nám, làm sáng da

16
Acid Tranexamic
Acid Tranexamic
Đánh giá

Lịch sử ra đời và phát triển của Acid Tranexamic

Trong giai đoạn 1950s – 1960s, đất nước Nhật Bản đang phục hồi từ sau sự tàn phá của Chiến tranh Thế giới II, môi trường ô nhiễm và điều kiện sống thiếu thốn đã khiến băng huyết, đặc biệt là tử vong do băng huyết sau sinh trở thành nguyên nhân chính gây tử vong cho phụ nữ ở Nhật Bản tại thời điểm đó. Xuất phát từ mong muốn giảm thiểu nỗi sợ và nguy cơ này cho phụ nữ, vợ chồng nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Utako và Shosuke Okamoto đã nguyên cứu và phát triển thành công Acid Tranexamic, 1 tác nhân cầm máu làm thay đổi nền lịch sử y học của cả thế giới.

​Hình 2: Vợ chồng tiến sĩ Utako và Shosuke Okamoto – Cha mẹ đẻ của Acid Tranexamic

Acid Tranexamic được công bố trên báo lần đầu vào tháng 9 năm 1962 và 3 năm sau đó, nó chính thức được giới thiệu và lưu hành ngoài thị trường, với tác dụng ức chế quá trình phân hủy fibrin bằng enzym plasmin và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do xuất huyết.

Tiến sĩ Utako đã thực hiện nghiên cứu về tác dụng của Tranexamic Acid ở 20.000 phụ nữ bị băng huyết sau sinh. Nhưng tiếc rằng bà đã mất vào năm 2016 khi công trình nghiên cứu này chưa được hoàn thành. Vào năm 2017, khi công trình nghiên cứu này được công bố và đã xác nhận dự đoán ban đầu của bà khi thử nghiệm trên phụ nữ đã cung cấp bằng chứng Axit Tranexamic  có thể giảm 1/3 nguy cơ tử vong do băng huyết sau sinh.

Hiện nay Acid Tranexamic được đưa vào danh sách thuốc thiết yếu của tổ chức Y Tế Thế Giới WHO.

Đặc điểm dược lý của Acid Tranexamic

Cơ chế tác động

Xuất huyết được định nghĩa là tình trạng một mạch máu bị vỡ và bắt đầu chảy máu. Khi đo, hệ thống phòng vệ của cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách hoạt hóa quá trình đông máu để hình thành các sợi dài protein cứng màu vàng gọi là Fibrin – bẫy các tế bào máu và bịt kín chỗ rò rỉ.

Đồng thời, quá trình đông máu cũng sẽ tạo tín hiệu bắt đầu cho quá trình hoạt hóa Plasminogen, một pro-enzyme glycoprotein do gan sản xuất được chuyển đổi thành plasmin bằng cách phát hành plasminogen một chất kích hoạt  (tPA). Plasminogen và tPA liên kết với dư lượng lysine trên fibrin dẫn đến sự hình thành các plasmin cục bộ, 1 tác nhân gây thoái giáng của fibrin.

Acid Tranexamic
Cơ chế tác dụng của Acid Tranexamic

Tranexamic Acid là một chất tương tự tổng hợp của lysine, có tác dụng ức chế quá trình phân giải fibrin bằng cách cạnh tranh với fibrin để giành vị trí gắn lysine trong plasminogen. Tranexamic Acid ức chế khả năng plasminogen và plasmin liên kết với fibrin, do đó bảo tồn cục máu đông khỏi sự ly giải qua trung gian plasmin. Đó là lý do tại sao cần cung cấp Axit Tranexamic sau khi bắt đầu chảy máu càng sớm càng tốt.

Dược lực học

Acid Tranexamic là thuốc gì?

Mã ATC: B02A A02.

Nhóm thuốc: Thuốc chống tiêu fibrin.

Acid tranexamic là một dẫn chất tổng hợp của acid amin lysin có tác dụng chống tiêu fibrin, ức chế sự phân hủy fibrin trong cục máu đông. Thuốc ức chế sự giáng hóa tự nhiên của fibrin, có hiệu quả ổn định cục máu đông.

Nồng độ có tác dụng đông máu của acid tranexamic trong huyết tương là 5 – 10 microgam/ml. In vitro: Acid tranexamic tác dụng tương tự acid aminocaproic nhưng mạnh hơn gấp 10 lần, acid tranexamic ở nồng độ 1 mg/ml không làm tiểu cầu kết tập. Ở nồng độ tới 10 mg/1 ml không gây ảnh hưởng đến số lượng tiểu cầu, thời gian máu đông hoặc các yếu tố đông máu trong máu toàn phần hoặc máu có citrat ở người bình thường. Nhưng acid tranexamic ở nồng độ 10 mg và 1 mg/1 ml máu đều cho hiệu quá kéo dài thời gian thrombin.

Dược động học

Hấp thu

Acid tranexamic sau khi dùng đường uống được hấp thu tại đường tiêu hóa, nồng độ thuốc cao nhất trong huyết tương đạt được sau khi uống khoảng 3 giờ (nếu với đường dùng tiêm bắp là 1 giờ và tiêm tĩnh mạch là 3 phút). Sinh khả dụng của thuốc khoảng 30 – 50%.

Phân bố

Thuốc phân bố rộng khắp trong cơ thể, rất ít gắn vào protein huyết tương (tỷ lệ gắn kết chỉ chiếm khoảng 3%). Thể tích phân bố ở người bình thường thay đổi trong khoảng 9 – 12 lít. Acid tranexamic qua được nhau thai, bài tiết trong sữa mẹ với lượng chỉ bằng 1% so với trong huyết thanh và được tìm thấy dịch não tủy với nồng độ tương đương10% nồng độ thuốc trong huyết tương. Acid tranexamic thấm nhanh vào dịch khớp và màng hoạt dịch trong dịch khớp, nồng độ thuốc tương tự như trong huyết thanh.

Nửa đời sinh học của acid tranexamic trong dịch khớp khoảng 3 giờ. Nồng độ acid tranexamic trong một số các mô khác thấp hơn so với nồng độ trong máu. Thuốc cũng vào thủy dịch, thuốc cũng thấy ở tinh dịch vẫn còn hoạt tính ức chế tiêu fibrin nhưng không ảnh hưởng đến di chuyển tinh trùng.

Chuyển hóa, thải trừ

Nửa đời thải trừ của acid tranexamic trong huyết tương là khoảng 2 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch, 95% liều ban đầu được bài tiết dưới dạng không đổi trong nước tiểu, nhưng sau khi uống, tỷ lệ này chỉ là 39%.

Acid Tranexamic
Công thức cấu tạo của Acid Tranexamic

Chỉ định của Acid Tranexamic

Acid tranexamic dùng để phòng ngừa và điều trị chảy máu kết hợp với tiêu fibrin quá mức: dùng trong thời gian ngắn (2 – 8 ngày) trong và sau khi nhổ răng ở người bị bệnh ưa chảy máu, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, cắt bỏ phần cổ tử cung, phẫu thuật bàng quang.

Chảy máu miệng ở người rối loạn đông máu bẩm sinh hay mắc phải.

Phòng ngừa chảy máu đường tiêu hóa và chảy máu sau chấn thương mắt, chảy máu mũi tái phát.

Làm giảm mất máu trong phẫu thuật (đặc biệt trong phẫu thuật tim, thay khớp, ghép gan).

Rong kinh nguyên phát.

Phù mạch di truyền.

Chảy máu do dùng quá liều thuốc làm tiêu huyết khối.

Liều dùng và cách dùng Acid tranexamic

Liều dùng của Acid tranexamic

Người lớn

Điều trị trong thời gian ngắn tình trạng chảy máu do tiêu fibrin quá mức:

Mỗi lần uống 1,0 – 1,5 g (hoặc 15 – 25 mg/kg), ngày 2 – 4 lần.

Khi tiêm tĩnh mạch chậm, liều dùng mỗi lần 0,5 – 1,0 g (hoặc 10 mg/kg), ngày 3 lần.

Sau điều trị ban đầu bằng tiêm tĩnh mạch, tiếp theo truyền tĩnh mạch liên tục, liều 25 – 50 mg/kg/ngày.

Phẫu thuật răng cho những người bị bệnh ưa chảy máu:

Uống mỗi lần 25 mg/kg, ngày 3 – 4 lần, bắt đầu 1 ngày trước khi phẫu thuật, ở những người không thể uống được: tiêm tĩnh mạch mỗi lần 10 mg/kg, ngày 3 – 4 lần.

Hoặc tiêm tĩnh mạch 10 mg/kg ngay trước khi phẫu thuật, sau đó tiêm mỗi lần 10 mg/kg hoặc uống mỗi lần 25 mg/kg, ngày 3 – 4 lần, trong 2 – 8 ngày.

Rong kinh (khởi đầu khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt):

Liều uống mỗi lần 1,0 g, ngày 3 lần, tới 4 ngày. Liều tối đa mỗi ngày 4,0 g.

Phù mạch di truyền: Uống mỗi lần 1,0 – 1,5 g, ngày 2 – 3 lần.

Chảy máu mũi:

Uống mỗi lần 1,0 g, ngày 3 lần trong 7 ngày.

Các đối tượng đặc biệt

Trẻ em: Thông thường mỗi lần uống 25 mg/kg hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg, ngày 2 – 3 lần, tùy theo chỉ định.

Người suy thận: Điều chỉnh liều dùng và khoảng cách dùng dựa trên nồng độ creatinin huyết thanh (SCC) hoặc độ thanh thải creatinin (Clcr).

Điều chỉnh theo nồng độ creatinin huyết thanh (SCC):

  • SCC: 120 – 250 micromol/lít: Uống mỗi lần 15 mg/kg, ngày 2 lần, hoặc dùng đường tĩnh mạch mỗi lần 10 mg/kg, ngày 2 lần.
  • SCC: 250 – 500 micromol/lít: Uống mỗi ngày một lần 15 mg/kg, hoặc dùng đường tĩnh mạch mỗi ngày một lần 10 mg/kg.
  • SCC > 500 micromol/lít: Uống mỗi ngày một lần 7,5 mg/kg hoặc 15 mg/kg cách mỗi 48 giờ; hoặc dùng đường tĩnh mạch mỗi ngày một lần 5 mg/kg hoặc 10 mg/kg cách mỗi 48 giờ (một số chế phẩm chống chỉ định ở người suy thận nặng).

Điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin (Clcr):

  • Clcr: 50 – 80 ml/phút: Dùng 50% liều bình thường hoặc dùng đường tĩnh mạch mỗi lần 10 mg/kg, ngày 2 lần hoặc uống mỗi lần 15 mg/kg, ngày 2 lần.
  • Clcr: 10 – 50 ml/phút: Dùng 25% liều bình thường hoặc dùng đường tĩnh mạch 10 mg/kg/ngày hoặc uống 15 mg/kg/ngày.
  • Clcr: <10 ml/phút: Dùng 10% liều bình thường hoặc dùng đường tĩnh mạch liều 10 mg/kg mỗi 48 giờ hoặc uống liều 15 mg/kg mỗi 48 giờ.

Dung dịch acid tranexamic còn được dùng tại chỗ để rửa bàng quang hoặc súc miệng.

Cách dùng Acid tranexamic hiệu quả

Acid tranexamic dùng bằng đường uống, tiêm tĩnh mạch chậm (tối đa 100 mg/phút hay 1 ml/phút) hoặc truyền tĩnh mạch liên tục.

Dùng đường tĩnh mạch sau vài ngày thường chuyển sang đường uống. Cũng có thể điều trị khởi đầu bằng tiêm tĩnh mạch, sau đó truyền tĩnh mạch liên tục.

Chống chỉ định

Không chỉ định acid tranexamic cho các đối tượng sau:

  • Quá mẫn với acid tranexamic hoặc bất kỳ thành phần nào của chế phẩm.
  • Có tiền sử bệnh huyết khối tắc mạch hoặc đang có nguy cơ huyết khối (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…).
  • Chảy máu dưới màng nhện, rối loạn thị giác kiểu loạn màu sắc mắc phải (do không theo dõi được độc tính của thuốc).
  • Suy thận nặng.

Tác dụng không mong muốn

Các dụng không mong muốn của acid tranexamic thường hiếm xảy ra và chủ yếu là buồn nôn, tiêu chảy hoặc đau bụng. Các triệu chứng này thường gặp khi dùng liều cao, giảm xuống khi giảm liều. Phải giảm liều acid tranexamic ở người suy thận để tránh tích lũy thuốc và tránh tăng tác dụng không mong muốn. Hạ huyết áp đôi khi xảy ra, nhất là sau khi truyền tĩnh mạch nhanh. Đã gặp ban ngoài da, bao gồm ban cố định do thuốc và ban bọng nước.

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Tim mạch: Hạ huyết áp, huyết khối tắc mạch (huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân, nghẽn mạch phổi, huyết khối ở mạc treo ruột, động mạch chủ, tắc động mạch võng mạc, huyết khối ở động mạch trong sọ).
  • Thần kinh trung ương: Thiếu máu cục bộ và nhồi máu não (khi dùng điều trị chảy máu dưới màng nhện), đau đầu, tràn dịch não, chóng mặt.
  • Huyết học: Giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, thời gian chảy máu bất thường.
  • Thị giác: Bất thường về thị giác kiểu loạn màu sắc, giảm thị giác, bệnh võng mạc tĩnh mạch trung tâm.
  • Tiết niệu: Hoại tử vỏ thận cấp ở người bị bệnh ưa chảy máu A. Suy thận kết hợp với hoại tử vỏ thận cấp hiếm gặp.

Tương tác

Không dùng đồng thời acid tranexamic với estrogen vì có thể gây huyết khối nhiều hơn.

Thận trọng khi dùng đồng thời acid tranexamic với các thuốc cầm máu khác.

Tác dụng chống tiêu fibrin của thuốc bị đối kháng bởi các thuốc làm tan huyết khối.

Dùng đồng thời acid tranexamic với tretinoin đường uống có thể gây huyết khối trong các vi mạch.

Dung dịch acid tranexamic tương kỵ với dung dịch có chứa penicilin.

​Hình: Cấu trúc Aicd Tranexamic

Lưu ý khi dùng và bảo quản

Lưu ý và thận trọng

Điều chỉnh liều ở người suy thận. Thận trọng khi dùng ở người bị bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh mạch máu não hoặc phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt qua niệu đạo.

Người bệnh dùng acid tranexamic có thể ức chế sự phân giải các cục máu đông tồn tại ngoài mạch. Các cục máu đông trong hệ thống thận có thể dẫn đến tắc nghẽn trong thận. Phải thận trọng ở người đái ra máu (tránh dùng nếu có nguy cơ tắc nghẽn niệu quản).

Chảy máu do đông máu rải rác nội mạch không được điều trị bằng thuốc chống tiêu fibrin trừ khi bệnh chủ yếu do rối loạn cơ chế tiêu fibrin. Trong một số trường hợp phù hợp, acid tranexamic có thể được dùng sau đó, nhưng phải theo dõi cẩn thận và dùng thuốc chống đông máu.

Thận trọng ở phụ nữ kinh nguyệt không đều, phụ nữ mang thai.

Kiểm tra chức năng gan và thị giác thường xuyên khi điều trị dài ngày.

Không dùng đồng thời với phức hợp yếu tố IX hoặc chất gây đông máu vì tăng nguy cơ huyết khối.

Dùng acid tranexamic sau chảy máu dưới màng nhện có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng thiếu máu cục bộ ở não.

Lưu ý khi dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú

Tài liệu về dùng acid tranexamic cho người mang thai có rất ít, do đó chỉ dùng thuốc trong thời kỳ mang thai khi lợi ích lớn vượt nguy cơ thuốc có thể gây ra.

Acid tranexamic tiết vào sữa mẹ nhưng nồng độ chỉ bằng 1% trong máu mẹ. Thận trọng khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú.

Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc

Không nên lái xe và vận hành máy móc nếu trong quá trình dùng thuốc có tình trạng chóng mặt.

Quá liều và xử trí

Chưa có báo cáo về trường hợp quá liều do dùng acid tranexamic. Các triệu chứng quá liều có thể là: Buồn nôn, nôn, các triệu chứng và/hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.

Xử trí: Không có biện pháp đặc biệt để điều trị nhiễm độc acid tranexamic. Nếu nhiễm độc do uống quá liều, gây nôn, rửa dạ dày và dùng than hoạt. Trong cả 2 trường hợp nhiễm độc do uống và do tiêm truyền, nên duy trì bổ sung dịch để thúc đẩy bài tiết thuốc qua thận và dùng các biện pháp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

Bảo quản

Bảo quản acid tranexamic trong đồ đựng kín, để nơi khô ráo, mát và tránh ánh sáng mạnh.

Để truyền tĩnh mạch, có thể trộn dung dịch tiêm acid tranexamic với các dung dịch dùng để tiêm như: natri clorid 0,9%, glucose hoặc dung dịch điện giải, acid amin. Có thể cho acid tranexamic và heparin vào cùng một dung dịch tiêm truyền.

Chuẩn bị dịch truyền trong ngày truyền.

Acid Tranexamic và công nghệ trắng da số 1 tại Nhật Bản hiện nay

Tranexamic Acid với tác dụng giúp trị nám và làm trắng đã được xác nhận hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng và được phê duyệt thành thuốc không kê đơn đầu tiên ở Nhật Bản có hiệu quả trị nám vào năm 2007, dưới tên thương mại là “Transino”, được tiếp thị bởi tập đoàn Daiichi Sankyo Healthcare.

Cho đến nay, tại Nhật Bản và 1 số quốc gia châu Á, Axit Tranexamic được bán như một thuốc cầm máu và Transino: thuốc không kê đơn trị nám và làm trắng da.

Các chế phẩm có chứa Acid Tranexamic hiện nay

Mặc dù công dụng trị nám đang phát triển mạnh mẽ, Acid Tranexamic vẫn được chấp thuận trong y khoa với tác dụng chính là thuốc cầm máu theo cơ chế chống tiêu sợi huyết trong phẫu thuật và chấn thương, hiện đang được bán trên thị trường ở các dạng bào chế:

  • Viên nén, viên nén bao phim: 250 mg, 500 mg, 1000 mg.
  • Viên nang: 250 mg, 500 mg.
  • Ống tiêm: 50 mg/ml, 100 mg/ml, 250 mg/5 ml, 500 mg/5 ml, 1000 mg/10 ml.

Một số thuốc biệt dược phổ biến trên thị trường gồm: Antisamin; Exirol Injection; Hexamic, A.T Tranexamic inj, Acid tranexamic 250mg/5ml, Acid tranexamic 500mg, Tranbleed 250, Tranbleed 500, Tranbleed 500,…..

Tài liệu tham khảo

  1. Ramirez RJ, Spinella PC, Bochicchio GV (Ngày đăng: tháng 1 năm 2017). Tranexamic Acid Update in Trauma, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  2. Paul L McCormack (Ngày đăng: ngày 26 tháng 3 năm 2012). Tranexamic acid: a review of its use in the treatment of hyperfibrinolysis, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  3. William Ng (ngày đăng: năm 2015). Tranexamic acid: a clinical review, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
  4. Jean Wong và cộng sự (Ngày đăng: tháng 6 năm 2021). Tranexamic acid: current use in obstetrics, major orthopedic, and trauma surgery, Pubmed. Truy cập ngày 20 tháng 4 năm 2023.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!