Cây Sữa (Cây Mùa Cua) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

244
Cây Sữa
Cây Sữa
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Cây Sữa trang 870-871 tải bản PDF tại đây.

Còn có tên là mùa cua, mò cua (Nam Bộ và nam Trung Bộ), timpét (Vientian), popeal-khe (Campuchia).

Tên khoa học Alstonia scholaris (L.) R. Br. (Echites scholaris L.).

Thuộc họ Trúc đào Apocynaceae.

Chú thích về tên: Cây sửa vì loài cây có chất nhựa mủ trắng như sữa. Tên là Alstonia scholaris vì gỗ cây này rất mịn, nhỏ, tại các trường học ở Ấn Độ dùng làm bảng viết cho học trò (scholaris là trường học).

Người ta dùng vỏ cây phơi hay sấy khô làm thuốc.

Mô tả cây

Cây sữa là một loại cây to, có thể cao từ 15- 30m. Cành mọc vòng, lá cũng mọc vòng, phiến lá hình bầu dục dài, đầu tù hoặc hơi nhọn, đáy lá hình nêm, mặt trên bóng, mặt dưới mờ, phiến cứng dài 8-22cm, rộng 5,5-6,5cm. Gần song song và mau. Hoa nhỏ, màu trắng xám, mọc thành xim tán. Quả gồm hai đại dài 25-50cm, gầy, mọc thõng xuống, màu nâu, có gân dọc. Hạt nhiều, nhỏ dẹt, hai đầu tròn hoặc cụt, dài 7mm, rộng 2,5m, trên mặt có lòng màu nâu nhạt, đài 2cm.

Mùa hoa nở: từ tháng 8 đến tháng 12.

Toàn cây có chất nhựa mủ trắng, khi khô giống như chất cao su

Cây Sữa
Cây Sữa

Phân bố, thu hái và chế biến

Mọc hoang và được trồng khắp nơi ở nước ta. Hay trồng dọc 2 bên đường phố để lấy bóng mát. Hoa có mùi thơm hắc khó chịu. Có mọc ở nhiều nước nhiệt đới khác: Ấn Độ, Philippin, Inđônêxia, Malaixia, châu Úc, châu Phi.

Vỏ hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa xuân hạ. Hải về phơi hoặc sấy khô để dành. Hiệu suất thấp: Một cây 25 năm cho chừng 19kg vỏ khô.

Thành phần hóa học

Từ vỏ cây sữa các nhà nghiên cứu Hesse và Houdson đã chiết suất được các ancaloit như sau: (Theo Örekhov).

– Ditanin có công thức thô C16H19O2N và echitenin có công thức thô C20H27O4N. Những ancaloit này đều vô định hình, độ chảy 75°C và 120°C. Tên Ditain vì tại Mani cây này có tên là Đita. Tên echitenin vì cây còn có tên là Echites schoaris.

– Echitamin hay ditamin C22H28O4N2 kết tinh với 1 phân tử hoặc 4 phân tử nước. Độ chảy 206°C (Tinh thể một phân tử nước) αD = -28°8 dễ tan trong nước, tan nhiều hơn trong cồn. Dung dịch có phản ứng kiềm mạnh. Dễ tan trong ête và clorofoc . Cho muối với 1 phần tử axit. Trong phân tử có một nhóm Nmetyl và 2 nhóm hydroxyl.

– Echitamidin C20H26O3N2 độ chảy 135°C. Cho muối có tinh thể với axit.

Tác dụng dược lý

Năm 1906, Bacon đã nghiên cứu tác dụng dược lý của những ancaloit chiết từ vỏ cây sữa và đã đi tới kết luận rằng tác dụng gần giống như chất quinin.

Năm 1926, José K. Santos (Philipin) có nghiên cứu kỹ hơn và công bố kết quả nghiên cứu trong báo khoa học ở Philipin (Philipin J Sci., 3: 31) Chúng tôi rất tiếc không có số báo đó để trích yếu ở đây.

Công dụng và liều dùng

Vỏ cây sữa được nhân dân Việt Nam, Ấn Độ, Philipin, Campuchia và một số nước khác vùng Đông Nam Á sử dụng làm thuốc. Trung Quốc và Nhật Bản không thấy dùng.

Thường vỏ cây sữa được dùng làm thuốc bổ, chữa sốt, điều kinh và chữa lỵ hoặc ỉa chảy.

Liều dùng: Ngày uống 1-3g bột vỏ phơi khô hoặc sắc uống hay chế biến thành cao lỏng.

  1. Bột vỏ cây sữa phơi khô hoặc sấy khô rồi tán nhỏ, ngày uống 0,20 đến 0,30g.

Có thể ngâm rượu uống như sau:

  1. Rượu vỏ cây sữa: Vỏ cây sữa tán nhỏ 75g, rượu uống (35-40°) 500ml, đậy kỹ, ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Sau đó lọc và thêm rượu vào cho đủ 500ml.

Ngày uống 4-8g rượu này. Uống 15 phút trước 2 bữa ăn chính.

  1. Cao lỏng vỏ cây sữa: Chế bằng cồn 60 theo phương pháp chế cao lỏng. Hoặc có thể ngâm bột vỏ sữa với cồn 60° trong 7 ngày. Thỉnh thoảng lắc, lọc và thêm còn 60 cho có trọng lượng của vỏ: Ví dụ ngâm 1kg vỏ thì sẽ được 1 lít cao lỏng. Cao lỏng này dùng với liều 0,5 đến 1,5g một ngày. Nhiều nhất chỉ uống 2g một lần và 6g trong 1 ngày.
Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!