Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Bầu Đất trang 674-675 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là rau lúi, khảm khon (Thổ), thiên hắc địa hồng, dây chua lè, chi angkam (Campuchia).
Tên khoa học Gynura sarmentosa DC. (Gynura finlaysoniana DC., Cacalia cylindriflora Wall., Cacalia procumbens Lour., Sonchus volubilis Rumph.)
Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Mô tả cây
Bầu đất là một loại cỏ có nhiều cành, thân rất nhẫn, trong như mọng nước. Lá hình trứng tròn hay tù ở đáy lá, nhọn ở đầu, hơi có răng nhỏ ở mép, dài 3-8cm, rộng 0,5-1,5cm, rất nhẵn, mọng nước, cuống ngắn. Phiến lá trên mặt màu xanh thầm trông như đen, mặt dưới màu đỏ tím, đo đó có tên: Thiên hắc, nghĩa là trời (ý nói mặt trên) có màu đen, địa hồng nghĩa là mặt dưới màu hồng. Cụm hoa hình đầu màu vàng cam, mọc thành ngù kép, lá bắc ngoài hình sợi, dài 6mm, lá bắc phía trong 8-12 chiếc, dài 15mm, hơi khô xác ở mép. Quả bế hình trụ, nhẫn, có 10 sống.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây bầu đất được trồng và mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, từ Nam đến Bắc, miền núi cũng như miền xuôi.
Người ta dùng toàn cây, thường dùng tươi.
Thành phần hoá học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu
Công dụng và liều dùng
Chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân. Nhiều nơi nấu canh ăn như rau.
Thân và lá thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc để chữa sốt trong các bệnh sởi, scaclatin, kinh nguyệt không đều, thiếu máu, lỵ và những bệnh về thận.
Ngày dùng 30-40g hay hơn dưới dạng thuốc sắc.
Chữa đau mắt: Lá rửa sạch, thêm vài hạt muối, giã nhỏ đắp lên mắt đau.