Cây Cỏ Nến (Bồ Hoàng) – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

217
Cây Cỏ Nến
Cây Cỏ Nến
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt NamĐỗ Tất Lợi

Bồ Hoàng trang 284-285 tải bản PDF tại đây.

Còn có tên Bồ Thảo, Hương Bồ Thảo, Bồ Hoàng. 

Tên khoa học Typha orientalis G. A. Stuart. 

Thuộc họ Hương bồ Typhaceae.

Người ta dùng Bồ Hoàng (Pollen Typhae) là phấn hoa sấy hay phơi khô của hoa đực cây cỏ nến. Tên cỏ nến vì cụm hoa của nó giống cây nén.

Mô tả cây

Cây cỏ nến là một thứ cỏ cao từ 1,50-3m, có thân rễ. Lá dài, hẹp. Hoa đơn tính cùng gốc, họp thành bông riêng cách nhau 0,6-5,5cm, nằm trên cùng một trục chung: Bông đực ở trên, bông cái ở dưới. Nhị ở hoa đực bao bọc bởi những lông ngắn màu vàng nâu, bông cái có lông nhạt hơn. Quả nhỏ, hình thoi, khi chín nở theo chiều dọc. Phân bố, thu hái và chế biến

Mọc hoang ở những đồng lầy miền Bắc nước ta: Vùng lạnh như Sapa (Lào Cai), nóng như Gia Lâm (Hà Nội) đều có. Ở nước ta chưa thấy khai thác. Vào tháng 4-6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực) phơi khô. Giã hay rũ lấy phấn hoa (rây qua rây). Phơi lần nữa.

Cây Cỏ Nến
Cây Cỏ Nến

Thành phần hóa học

Trong bồ hoàng có một flavonozit khi thủy phân sẽ cho isoramnetin C16H12O7. Ngoài ra còn chất mỡ (10-30%) và chất xitosterin C27H46O (13%).

Tác dụng dược lý

Bồ hoàng có tác dụng cầm máu.

Từ Vân đã nghiên cứu tác dụng cầm máu của bồ hoàng (Y học thế giới 2 (5): 23, 1949) như sau:

Cho uống bổ hoàng chữa bệnh ho ra máu (2- 6 ngày), tiểu tiện ra máu (2 ngày), đại tiện ra máu (2 ngày), đổ máu cam (2 ngày), tử cung xuất huyết (2-4 ngày) đều thấy tác dụng cầm máu hoặc giảm bớt lượng huyết xuất ra.

Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ: Bồ hoàng vị ngọt, tính bình, vào 3 kinh can, tỳ và tâm bào. Dùng sống có tác dụng hoạt, hành ứ, lợi tiểu. sao đen có tác dụng thu sáp cầm máu. Dùng sống chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa thổ huyết, máu cam.

Thường dùng: Bồ hoàng là một vị thuốc có tác dụng cầm máu, lợi tiểu tiện dùng chữa bệnh ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra huyết. Có người nói muốn có tác dụng cầm máu phải sao đen, nhưng không cần thiết. Ngày dùng 5 đến 8g dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Đơn thuốc có bồ hoàng 

1. Cầm máu:

Bồ hoàng 5g, cao ban long 4g, cam thảo 2g, nước 600ml. Sắc còn 200ml. Chia 2 hay 3 lần uống trong ngày làm thuốc cầm máu

2. Tai chảy mủ:

Bồ hoàng tán nhỏ rắc vào.

Chú thích:

  1. Ngoài cây Typha orientalis nói trên, người ta còn dùng nhiều loài khác như Typha angustata Bory et Chaub, Typha angustifolia L., Typha latifolia L., Typha davidiana Hand- Mazz., Typha minima Funk v.v… đều cùng họ Typhaceae.
  2. Ở nước ta có cây cỏ nến nhưng thường chưa được khai thác, vị bồ hoàng vẫn nhập của Trung Quốc.

Một số nơi mới dùng lông của hoa cái để nhồi gối đệm.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.

1 COMMENT

  1. Chào anh chị.
    Em tên là Khảo.
    Em có thể cung cấp số lượng lớn cây bồn bồn hay còn gọi cỏ nến. Bao gồm hoa thân và lá.
    Nếu nhà thuốc có nhu cầu xin liên hệ hệ em qua sđt 0925.242.282.
    Rất mong nhận được phản hồi của quý anh chị.
    Chúc anh chị một ngày mai mắn và đầy năng lượng.
    Trân trọng!

LEAVE A REPLY
Please enter your comment!