TÁC DỤNG CỦA THUỐC VÀ CƠ CHẾ TÁC DỤNG

8403
Tác dụng của thuốc
5/5 - (2 bình chọn)

BÀI 3

TÁC DỤNG CỦA THUỐC

HÓA DƯỢC – DƯỢC LÝ I

MỤC TIÊU HỌC TẬP:

  1. Trình bày được các tác dụng của thuốc.
  2. Nêu được 3 cơ chế tác dụng chính của thuốc và minh họa bằng các thí dụ cụ thể.

NỘI DUNG CHÍNH:

Tác dụng của thuốc là kết quả của quá trình tương tác giữa thuốc với các thành phần của tế bào trong cơ thể, tạo nên những đáp ứng của các tổ chức đối với thuốc.

Thông thường thuốc có tác dụng điều hòa (tăng cường hoặc ức chế) một hoặc một vài chức năng nào đó của cơ thể chứ không tạo ra chức năng mới.

1. Các tác dụng của thuốc

1.1. Tác dụng chính và tác dụng phụ:

  • Tác dụng chính: Là tác dụng mong muốn đạt được trong điều trị
  • Tác dụng phụ: Là tác dụng không muốn có trong điều trị nhưng vẫn xuất hiện khi dùng thuốc.
  • Thí dụ: Diazepam có tác dụng chính là an thần, gây ngủ còn có tác dụng phụ là gây phụ thuộc thuốc nếu dùng thuốc kéo dài.
  • Trong điều trị người ta thường tìm các biện pháp để giữ tác dụng chính. Và hạn chế tác dụng phụ của thuốc bằng cách chọn đường dùng thuốc, thời điểm uống thuốc, dạng bào chế thích hợp hoặc kết hợp với thuốc khác một cách hợp lý. Thí dụ với thuốc có mùi vị khó chịu, kích ứng đường tiêu hóa nên chọn dạng thuốc đạn đặt trực tràng. Hoặc các thuốc bị thức ăn làm giảm độ hấp thu thì nên uống thuốc vào lúc đói…

1.2. Tác dụng tại chỗ và tác dụng toàn thân:

  • Tác dụng tại chỗ là tác dụng đạt được tại nơi tiếp xúc với thuốc trước khi hấp thu. Thí dụ: cồn ASA bôi tại chỗ để chống nấm ngoài da. Hydroxyd nhôm uống để che phủ vết loét niêm mạc đường tiêu hoá…
  • Tác dụng toàn thân: Là tác dụng xảy ra sau khi thuốc được hấp thu, phân bố đến các tổ chức và gây ra đáp ứng. Thí dụ: tác dụng giảm đau sau khi uống hoặc tiêm morphin.
  • Thuốc tại chỗ nếu dùng nhiều, trên diện rộng và đặc biệt khi da bị tổn thương thì có thể xảy ra tác dụng toàn thân và gây độc do thuốc được hấp thu.
  • Ngày nay , người ta  còn ứng dụng thuốc  dùng tại chỗ để điều trị toàn thân. Thí dụ miếng dán Nitroglycerin được dán lên vùng ngực gần tim để thuốc ngấm vào cơ thể chống cơn đau thắt ngực.

Xem thêm:

1.3. Tác dụng chọn lọc và tác dụng đặc hiệu:

  • Tác dụng chọn lọc là tác dụng của thuốc ở mức liều điều trị biểu hiện rõ rệt nhất, mạnh nhất trên một tổ chức nào đó của cơ thể. Thí dụ Codein có tác dụng ức chế trung tâm ho.
  • Tác dụng đặc hiệu hay đặc trị là tác dụng chọn lọc của thuốc trên một tác nhân gây bệnh nhất định. Thí dụ: Clarithromycin có tác dụng trên vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày.

1.4. Tác dụng hồi phục và tác dụng không hồi phục:

  • Tác dụng hồi phục là tác dụng của thuốc có giới hạn nhất định về thời gian. Khi nồng độ thuốc giảm đến mức không đủ để gây tác dụng phụ thì tác dụng phụ biến mất và chức năng của cơ quan lại được hồi phục. Thí dụ: Atropin gây giãn đồng tử trong khoảng 7-10 giờ, sau khoảng thời gian đó chức năng của đồng tử lại được phục hồi.
  • Tác dụng không hồi phục là tác dụng của thuốc làm cho một phần hoặc một tính năng nào đó của một tổ chức mất khả năng hồi phục. Thí dụ: Tetracyclin tạo phức hợp bền vững với Calci ở men răng và xương làm cho men răng có mầu xỉn đen vĩnh viễn. Tác dụng không hồi phục thường gây  trở ngại cho việc sử dụng thuốc.

1.5. Tác dụng hiệp đồng và tác dụng đối lập (đối kháng):

  • Khi dùng đồng thời 2 hay nhiều thuốc trong điều trị, các thuốc đó có thể ảnh hưởng đến tác dụng của nhau.
  • Trường hợp các thuốc tăng cường tác dụng của nhau hoặc có cùng hướng tác dụng được gọi là tác dụng hiệp đồng. Thí dụ: Trong phác đồ điều trị lao người ta phối hợp các thuốc trị lao. (Isoniazid, Streptomycin, Ethambutol…) với nhau để làm tăng tác dụng điều trị và phòng nguy cơ kháng thuốc của vi khuẩn lao.
  • Trường hợp các thuốc làm giảm tác dụng của nhau người ta gọi đó là tác dụng đối kháng hoặc đối lập. Thí dụ: Nalorphin có tác dụng đối kháng với Morphin nên được dùng để giải độc Morphin khi dùng quá liều.

2. Cơ chế tác dụng của thuốc

Thuốc phát huy tác dụng trong cơ thể theo những cơ chế khác nhau, đó là:

2.1. Cơ chế hoá sinh:

2.1.1. Tác dụng của thuốc trên receptor

Trong cơ thể thuốc thường chỉ gắn với một loại tế bào. hoặc một số thành phần của tế bào được gọi là receptor (thụ thể) để tạo nên sự đáp ứng sinh học. Có 2 loại receptor:

  • Receptor màng tế bào: Tồn tại trên bề mặt tế bào.
  • Receptor nội bào: Tồn tại bên trong tế bào.
  • Các receptor có khả năng liên kết chọn lọc với thuốc.

2.1.2. Tác dụng của thuốc trên enzym

Trên enzym các thuốc có thể chia thành 2 loại:

  • Các thuốc ức chế enzyme: có tác dụng kìm hãm enzyme. Thí dụ các kháng sinh nhóm penicilin có tác dụng diệt khuẩn là do ức chế enzym transpeptidase. Là enzym tham gia vào quá trình tổng hợp thành tế bào vi khuẩn do đó vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt.
  • Các thuốc gây hoạt hoá enzym: Thí dụ các thuốc như rifampicin có tác dụng làm tăng sự tạo thành enzym cytocrom P450 ở gan. (là enzym giữ vai trò quan trọng đối với chuyển hoá thuốc trong cơ thể). Do đó thúc đẩy quá trình chuyển hoá của nhiều thuốc khác nên rút ngắn thời gian tác dụng của thuốc.

2.1.3. Tác dụng của thuốc trên hệ thống vận chuyển qua  màng sinh học:

Màng tế bào có các kênh vận chuyển ion. Các kênh này có tính thấm chọn lọc đối với các ion khác nhau. Và giữ vai trò vận chuyển ion Na+, K+, Cl+, Ca++ ….

Một số thuốc do ảnh hưởng đến sự vận chuyển ion của các kênh nên đã dẫn đến những tác dụng nhất định. Thí dụ Nifedipin có tác dụng chẹn kênh Calci. Do đó ngăn cản Ca++ vào tế bào cơ tim và tế bào cơ trơn thành mạch nên được dùng để hạ huyết áp và chống cơn đau thắt ngực.

2.2. Các cơ chế khác:

Ngoài những cơ chế đã nêu, thuốc còn có thể tác dụng theo một số cơ chế khác, đó là:

  • Cơ chế vật lý: thí dụ than hoạt. Người ta ứng dụng tính chất hấp phụ của nó để chữa ngộ độc, đầy bụng …
  • Cơ chế hoá học: dùng các thuốc có tính kiềm nhẹ để trung hoà acid dịch vị trong điều trị viêm loét dạ dày. Thí dụ Hydroxyd nhôm, Hydroxyd Magnesi…

COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM