Sâm Rừng – Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

397
Sâm Rừng
Sâm Rừng
Đánh giá

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi

Sâm Rừng trang 824 – 825 tải bản PDF tại đây.

Còn có tên là sâm nam, sâm rừng, sâm đất.

Tên khoa học Boerhaavia repens L. (B. diffusa L., B. procumbens Wight, Axia cochin chinensis Lour).

Thuộc họ Hoa phấn Nyctaginaceae.

Mô tả cây

Sâm rừng là một loại cỏ có rễ trụ hình thoi mẫm. Thân mọc toả, hình nan hoa xe đạp, bò, màu đỏ nhạt. Dáng và kích thước cành rất thay đổi. Lá mọc đối, hình trái xoan, mẫm, mềm, mép lượn sóng, mặt dưới màu trắng bạc có nhiều lông, mặt trên nhẵn và có màu lục sẫm, dài 2-4cm. rộng 15-30mm. Hoa đỏ tía, mọc thành chuỳ ở kẽ lá hay đầu cành. Cuống nhỏ tận cùng mang 2-5 hoa. Quả hình trụ hai đầu nhỏ lại thành hình thoi dài 3mm, trên có rãnh rộng và sần sùi màu vàng nhạt trông như được phủ một lớp phấn màu vàng nhạt.

Sâm Rừng
Sâm Rừng

Phân bố, thu hái và chế biến.

Mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, nhiều nhất ở quanh nhà, dọc đường xe lửa.

Rễ đào về rửa sạch phơi hay sấy khô.

Thành phần hoá học

Trong rễ cây này có tính dầu, tinh bột và chất gồm-kali nitrat. Basu và Lal (1947, Investigations on Indian Medicinal Plants, Quart. J. Pharma. Pharmacol, Gr. Br. 20: 38, 42) đã chiết được từ cây này một ancaloit có tinh thể gọi là punarnavin vì tên cây này ở Ấn Độ gọi là punamava. 

Tác dụng dược lý

Được nhiều người nghiên cứu, nhất là ở Ấn Độ. Rễ cây có tác dụng tăng lượng nước tiểu nhưng với liều cao có thể gây nôn mửa và ra nhiều mồ hôi.

Đối với thần kinh có tác dụng trấn tĩnh.

Công dụng và liều dùng

Mặc dù mang tên sâm rừng, sàm nam nhưng ít thấy dùng trong nhân dân ta.

Tại Ấn Độ, rễ này được dùng làm thuốc thông tiểu tiện và nhuận tràng dùng trong các bệnh sũng nước (hydropisie), chứng thũng toàn (anasaque), chứng bụng nước (ascite), các bệnh gan và lá lách, với liều 15g, ngày dùng 2 lần.

Còn có nơi dùng chữa họ dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc, hoặc pha như pha chè. 

Nếu pha rượu chỉ dùng với liều từ 2 đến 5g một ngày.

Chú thích:

  1. Theo A. Pételot ở nước ta còn một loài Boerhaavia repanda Willd. (B. sinensis Asch) cùng họ Hoa phấn và cũng mang tên nam sâm, sâm đất.

Đây là một loài cỏ mảnh, nhỏ, dòn, cành có thể dài em hay hơn. Lá mọc đối hình trái xoan, phía đáy lá hình tim, mép lượn sóng rõ rệt và gần như khía tai bèo, dài 3-6cm, rộng 3-5cm. Hoa mọc thành chuỳ dài ở đầu cành, đầu nhánh cuối cùng mang một tấn gồm 4-5 hoa có cuống. Quả hình thuôn dài 7mm, rộng 3mm, có 8-10 đường sống sẵn sùi, phân cách nhau bởi các rãnh hẹp.

Chưa thấy dùng ở Việt Nam.

  1. Cùng mang tên sâm rừng hay quản trọng hay” sâm bòng bong” còn có cây Helminthostachys zeylanica (L.) Hook (Osmunda zeylanica L., Botrychium zeylanicum Sw, Ophiala zeylanica Desv) thuộc họ Lưỡi rắn Ophioglossaceae.

Cây có thân rễ mọc đứng, rễ to. Cuống lá dài 20-30cm, dày màu nâu đen nhạt. Phiến lá bất thụ hình ngón tay có mép nguyên lượn sóng hoặc răng cưa thưa và không đều, phần hữu thụ thành bông dài 10-15cm, rộng 0,5-1cm có một cuống mọc từ phần bất thụ ra.

Có rải rác ở khắp Việt Nam, Pétetot đã thấy cây này ở vùng rừng Kép, ở Hà Bắc, Việt Nam.

Chưa thấy khai thác ở Việt Nam. Ở Malaysia thân rễ được dùng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc với tên quản trọng làm thuốc bổ và chữa sốt.

Ngày viết:
Giáo sư – Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi sinh ngày 2 tháng 1 năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và mất ngày 3 tháng 2 năm 2008. Ông là một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng và là “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam.
LEAVE A REPLY
Please enter your comment!