SỰ PHÂN BỐ THUỐC TỚI CÁC TỔ CHỨC
Sau khi được hấp thu, thuốc vào máu để được vận chuyển tới các nơi tác dụng. Phân bố thuốc trong máu gồm 2 dạng là:
- Dạng tự do
- Dạng kết hợp với protein của huyết tương
Một số thuốc có thể bị phân huỷ một phần ngay trong máu.
1. Liên kết thuốc với protein:
- Khả năng liên kết với protein mạnh hay yếu tùy thuộc vào từng loại thuốc. Có những thuốc gắn mạnh (khoảng 76-98%) như Indomethacin. Có thuốc gắn yếu (1-8%) như Barbital… Một số ít thuốc không gắn với protein huyết tương như Glucose…
- Thuốc chỉ có tác dụng khi ở dạng tự do, và không có tác dụng khi ở dạng liên kết với protein huyết tương.
- Giữa dạng tự do và dạng liên kết luôn có sự cân bằng động. Khi nồng độ thuốc dạng tự do giảm thì thuốc dạng liên kết sẽ được giải phóng ra dưới dạng tự do. Nên có thể coi dạng thuốc liên kết với protein huyết tương là phần dự trữ thuốc trong cơ thể.
- Tỷ lệ thuốc ở dạng tự do càng nhiều thì thuốc có tác dụng càng nhanh. Thuốc có tỉ lệ liên kết nhiều với protein sẽ tồn tại lâu trong cơ thể và tác dụng kéo dài hơn.
- Khi dùng đồng thời 2 thuốc có thể xảy ra khả năng cạnh tranh liên kết. Thuốc nào có ái lực cao với protein huyết tương có thể đẩy thuốc kia ra khỏi vị trí liên kết làm cho nồng độ thuốc bị đẩy ở dạng tự do cao hơn bình thường do đó làm tăng tác dụng và tăng độc tính. Thuốc có ái lực mạnh với protein và có khả năng đẩy các thuốc khác là các thuốc chống viêm không steroid (như Ibuprofen, Diclofenac….), Miconazol….
- Trong một số trường hợp (như người có bệnh ở gan, thận, người bị suy kiệt, trẻ sơ sinh thiếu tháng….) lượng protein trong huyết tương giảm, thuốc sẽ tồn tại ở dạng tự do nhiều hơn gây tăng tác dụng và tăng độc tính.
2. Phân bố thuốc đến các tổ chức:
- Sau khi vào máu, dạng thuốc tự do sẽ đi qua thành mao mạch để đến các tổ chức. Phần lớn các thuốc có sự phân bố chọn lọc ở một số tổ chức nhất định. Thí dụ Digitalin phân bố nhiều ở cơ tim.
- Sự phân bố thuốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
+ Tính chất của thuốc
+ Lượng máu tới tổ chức
+ Tính thấm của hệ thống mao mạch
- Một số tổ chức có những đặc điểm riêng về cấu trúc nên sự phân bố thuốc có những nét khác biệt cần phải biết đến trong thực tế lâm sàng như:
+ Phân bố thuốc vào não và dịch não tủy: Bình thường ở người trưởng thành, nhiều thuốc khó thấm qua mao mạch để vào não hoặc dịch não tủy, chỉ những chất tan trong lipid mới có thể thấm qua một cách dễ dàng.
+ Phân bố thuốc qua nhau thai: Nhiều thuốc sau khi vào máu mẹ có thể qua nhau thai vào máu thai nhi. Vì vậy trong thời kỳ mang thai người mẹ cần thận trọng khi dùng thuốc. Để tránh những ảnh hưởng xấu tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ và thời điểm sinh đẻ.
3. Tích lũy thuốc:
Trong quá trình phân phối, thuốc có thể tồn tại lâu ở một số vị trí đặc biệt vì có sự gắn bó giữa thuốc và cấu trúc của hệ sinh học tại đó. Thí dụ Asen, chì được phân bố nhiều vào các tổ chức như móng tay, tóc… Tetracyclin gắn nhiều vào những mô đang Calci hoá như răng trẻ em…
COPY VUI LÒNG GHI NGUỒN VNRAS.COM